Ngành thuế đã làm rõ những hành vi chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina với số tiền lên tới gần 100 tỉ đồng nhưng trước đó, chính công ty này cũng lại lên tiếng đòi Bộ Tài chính hoàn trả hơn 1 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng!
Cuối năm 2012, cùng với Coca – Cola, Adidas... Keangnam cũng được ngành Thuế liệt vào danh sách những doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước) có nghi vấn trốn thuế. Vừa tròn 1 năm sau đó, nghi vấn này đã được làm rõ, Keangnam đã lộ nguyên hình là kẻ “lừa đảo”, “ăn cướp” trắng trợn!
Cũng giống như những doanh nghiệp bị dính nghi án trốn thuế, Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina liên tục kêu lỗ trong nhiều năm liền, thậm chí, năm 2011, khi toà nhà Keangnam đi vào vận hành, doanh thu của công ty này lên tới hơn 5.000 tỉ đồng thì điệp khúc lỗ vẫn tái diễn. Và theo những thông tin được cơ quan Thuế đưa ra thì số lỗ này lại được chính Keangnam – Vina “đạo diễn” khi bỏ ra số tiền lớn hơn mức bình thường, sẵn sàng vay những khoản vay có với lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất thị trường để triển khai dự án toà nhà Keangnam. Cụ thể:
Giá trị hợp đồng chìa khoá trao tay mà Keangnam – Vina đã ký với Keangnam Enterprise - người anh em ruột của Keangnam – Vina sau khi đã loại bỏ những khoản chi bất hợp lý đã được ngành thuế xác định là 699 triệu USD chứ không phải 871 triệu USD như hợp đồng 2 công ty này đã ký vào tháng 10/2007. Việc đẩy giá trị hợp đồng thêm hàng trăm triệu USD của Keangnam – Vina và Keangnam Enterprise được cơ quan Thuế xác định là “chiêu” mà Keangnam – Vina áp dụng để biến hoạt động kinh doanh của công ty tuy doanh thu lớn nhưng lợi nhuận thì lại âm và nghiễm nhiên không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trốn thuế gần trăm tỉ nhưng Keangnam - Vina vẫn đòi được trả lại hơn 1 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng từ việc đầu tư dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower. |
Trong khi đó, Keangnam Enterprise với hợp đồng quá hời này đã kiếm được khoản lợi nhuận không nhỏ và cũng chỉ phải đóng thuế nhà thầu cho Việt Nam với mức thấp hơn nhiều so với mức 25 – 28% theo quy định của thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra cũng phải thấy rằng, việc Keangnam – Vina bắt tay với Keangnam Enterprise nâng giá trị hợp đồng xây dựng, Keangnam – Vina đã chuyển một khoản lợi nhuận không nhỏ về Hàn Quốc.
Ngoài ra, cơ quan Thuế cũng chỉ ra rằng, trong 3.500 tỉ đồng doanh thu từ việc bán căn hộ tại dự án toà nhà Keangnam thì chi phí xây dựng chỉ chiếm 33% và đã yêu cầu Keangnam – Vina phải nộp truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động kinh doanh này số tiền là 95,2 tỉ đồng.
Đó chỉ là một trong “chiêu” mà Keangnam – Vina đã áp dụng nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế với Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, công ty này đã có những động thái nhằm đối phó với cơ quan Thuế khi đã “xử lý” khoản vay 400 triệu USD từ ngân hàng Kookmin Bank (Hàn Quốc) – cũng là người anh em của Keangnam – Vina - với lãi suất từ 12% xuống 5 – 7%. Nhờ động thái này mà Keangnam – Vina đã không bị phạt vì hành vi chuyển giá. Tuy nhiên, điều đáng nói là trước khi lãi suất khoản vay này được điều chỉnh, Keangnam – Vina cũng đã kịp chuyển hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng về Hàn Quốc.
Hành vi chuyển giá, trốn thuế của Keangnam – Vina rõ ràng nhưng điều đáng nói là công ty này lại có những hành động hết sức “chí phèo”. Theo tìm hiểu của PetroTimes thì các đây không lâu, Keangnam – Vina đã có động thái đòi Bộ Tài chính thanh toán khoản nợ thuế giá trị gia tăng hơn 1 tỉ đồng khi công ty này tiến hành đầu tư vào dự án tổ hợp khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại Keangnam Hanoi Landmark Tower ở Hà Nội. Cái lý mà Keangnam – Vina đưa ra là trong quá trình triển khai dự án, công ty này buộc phải nhập khẩu nhiều vật tư, máy móc mà trong nước chưa có. Tuy nhiên, ngay sau đó, cơ quan Hải quan đã bác đề nghị này của Keangnam – Vina vì xác định một số mặt hàng mà công ty này cho là “buộc phải nhập khẩu” thì trong nước vẫn sản xuất được.
(Theo PetroTimes)