Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con, tiền thân là Nông trường Sông Con (Tân Kỳ, Nghệ An) đang đứng trước những biến động gây lo lắng cho toàn thể công nhân và người lao động địa phương.

Quyết định gây nhiều ý kiến trái chiều

Ông Thái Bá Ất, Giám đốc Cty Sông Con cho biết: Ngày 20/9/2013, công ty bất ngờ nhận được thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An về quyết định chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên, với sự tham gia góp vốn của Cty CP Mía đường Sông Con (cũng đóng tại Tân Kỳ - PV).

“Chúng tôi rất bất ngờ với quyết định này bởi trước đó không nhận được bất cứ thông báo nào về việc chuyển đổi. Tờ trình và phương án họ cũng đã gửi ra Chính phủ trước khi thông tin cho chúng tôi.

Không hiểu tại sao UBND tỉnh Nghệ ra quyết định chóng vánh như thế” – ông Thái Bá Ất cho biết.

{keywords}

Dây chuyền chế biến mủ cao su hiện đại trị giá nhiều tỷ đồng mà Cty đã trang bị từ 2011.

Ông Ất cho biết thêm, quyết định của UBND tỉnh Nghệ An khẳng định Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con hiện hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, máy móc thiết bị lạc hậu, vốn ít, không có khả năng đầu tư…, là không có căn cứ.

“Chưa có bất kỳ đoàn kiểm tra chuyên môn nào về tận nơi để nắm tình hình, thậm chí ngay cả kế hoạch chuyển đổi chúng tôi cũng không được thông báo trước. Vậy căn cứ vào đâu để đánh giá?

Việc quy kết công ty có kỹ thuật lạc hậu, thiếu vốn là không đúng sự thật. Thực tế, nhiều năm qua chúng tôi luôn làm ăn có lãi, là đơn vị dẫn đầu. Đời sống của hàng nghìn dân ở đây luôn được đảm bảo, gắn liền với sự phát triển bền vững của cây cao su” – ông Ất bức xúc cho biết.

Qua tìm hiểu của PV VietNamNet, hầu hết các lao động và người dân nhận đất khoán ở địa phương đều cảm thấy bất ngờ và bức xúc với quyết định chuyển đổi mô hình của công ty.

Người dân lo lắng vì hàng ngàn ha cao su trên địa bàn đang cho năng suất rất cao có khả năng bị xóa sổ.

“Nhà tôi có 2 ha cao su, vừa khai thác năm thứ 3. Chúng tôi nhận đất từ năm 1994, đem trồng mía nhưng không hiệu quả mới chuyển qua cao su.

Mỗi năm gia đình tôi khai thác được khoảng 8 tấn mủ nước, 3 tấn mủ tạp, trừ mọi chi phí cũng thu nhập 6 – 7 triệu mỗi tháng.

Hợp đồng khai thác của chúng tôi đang còn hàng chục năm nữa, chúng tôi phản đối việc xóa bỏ cây cao su để trồng mía hoặc loại cây khác” – ông Nguyễn Hữu Mão (73 tuổi, xóm Tân Thái, Tân Phú) khẳng định.

Nhiều nỗi lo

Theo hồ sơ PV VietNamNet tiếp cận được, tại tờ trình số 5584/TTr – UBND ngày 12/8/2013 gửi Thủ tướng chính phủ cho rằng, Cty ông Con có quy mô sản xuất nhỏ lẻ manh mún, máy móc thiết bị lạc hậu, vốn ít, không có khả năng đầu tư đổi mới công nghệ.

Đồng thời, Tờ trình cho biết thêm, Cty CP Mía đường Sông Con có năng lực tài chính vững mạnh, nhân lực dồi dào, nhu cầu nguyên liệu cao, máy móc hiện đại (công suất hiện tại 3.300 tấn mía/ngày, sắp nâng lên 5.000 tấn mía/ngày).

{keywords}

Công nhân Cty đang tiến hành cân những sản phẩm chế biến từ mủ cao su.

Tuy nhiên kết quả kiểm toán mới nhất (năm 2012) cho thấy Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con hoạt động rất ổn định, doanh thu xấp xỉ 47 tỷ, lãi ròng gần 1 tỷ đồng.

“Doanh nghiệp chúng tôi không nợ ngân hàng, không thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Năm 2010 chúng tôi vừa đầu tư 6 tỷ để nâng cấp dây chuyền chế biến mủ cốm với công suất 1.500 tấn và sẵn sàng nâng lên 3.000 tấn.

Không hiểu UBND tỉnh lấy số liệu từ đâu để có thể kết luận sai sự thực như thế” – ông Thái Bá Ất cho biết.

Về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN & PTNT Nghệ An cho rằng, hầu hết các đơn vị nông nghiệp ở Nghệ An (tổng đội, nông trường,…) đều yếu kém, một số có chuyển đổi thành công ty TNHH MTV nhưng vẫn là ‘bình mới rượu cũ’.

“Việc chuyển đổi này là tất yếu, đúng với chủ trương đã được chính phủ phê duyệt, không có gì phải bàn cãi thêm” – ông Sỹ Nhấn mạnh.

Cả ông Hồ Ngọc Sỹ và ông Võ Hồng Dương, Phó Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An đều khẳng định, việc chuyển đổi chỉ là sự sắp xếp, thay đổi mô hình, hoạt động của công ty chứ không làm ảnh hưởng đến quy hoạch cây trồng.

Mặc dù thế, trong Tờ trình (có kèm phương án do UBND tỉnh Nghệ An ký gửi thể hiện việc mở rộng diện tích đất trồng mía) Thủ tướng, UBND tỉnh Nghệ An lại khẳng định, việc Cty CP Mía đường Sông Con tham gia góp vốn sẽ “ổn định vùng sản xuất nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm đường”.

Hướng dẫn của Sở NN&PTNT Nghệ An nêu mục tiêu trồng 1.140 ha mía trên diện tích đất của Cty, như vậy việc phá cao su trồng mía là tất yếu.

Chính điều này đã đã khiến hàng ngàn hộ dân ở Tân Kỳ rơi vào cảnh thấp thỏm, lo lắng trước nguy cơ xóa sổ hàng ngàn ha cao su vừa bắt đầu khai thác của họ.

Nông trường Sông Con thuộc 2 xã Tân Phú và Tân Long (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) thành lập từ năm 1955. Đến năm 2010, Nông trường chuyển đổi thành Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con, quản lý 1.949,39 ha đất (trong đó có 1.433 ha đất nông nghiệp, diện tích cao su là 872 ha).

Trong nhiều năm qua, công ty luôn là đơn vị nông nghiệp thuộc tốp đầu của địa phương, làm ăn có lãi, đời sống cán bộ công nhân, người dân được đảm bảo.

Căn cứ Công văn số 2449/TTg-ĐMDN ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phương án sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc UBND tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Vì vậy, việc chuyển giao vốn, đất đai, lao động để liên doanh với công ty tư nhân là không đúng qui định của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 2449.


 Cao Thái – Duy Quang