- Rất chán nản với tác phong làm việc của đội ngũ nhân viên, song ông chủ nhà hàng Indonesian Restaurant 1968 ở Hong Kong lại không thể sa thải bất kỳ ai. Lý do chỉ vì thị trường đang vô cùng khan hiếm lao động.

Nhân viên không biết cười

Liên tục nhắn tin điện thoại trong giờ làm, không những thế, thái độ phục vụ của nhân viên lại không hề dễ chịu. Nụ cười đã hiếm, họ còn thường xuyên cau có và có biểu hiện bất nhã với “thượng đế”. Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ẩm thực, nên anh anh Hudson Chang, 39 tuổi - chủ nhà hàng Indonesian Restaurant 1968 ở Hong Kong - hiểu rằng, điều đó thực sự gây nguy hại cho nhà hàng.

Thế nhưng, anh lại không thể sa thải ai, bởi đơn giản, để tìm một ứng viên thay thế trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay tại Hong Kong là không hề dễ.

“Thực sự chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Tôi chỉ cần những lao động có tác phong làm việc cơ bản. Họ chẳng cần bằng cấp gì cao siêu mà chỉ nhanh nhẹn và biết tươi cười là tốt lắm rồi”, anh Chang cho biết.

{keywords} 

Mảng kinh doanh nhà hàng và xây dựng Hong Kong gặp thử thách khi thu hút nhân lực. Đây được coi là một dấu hiệu đáng báo động cho thành phố.

57% doanh nghiệp Hong Kong đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên phù hợp. Đây là bối cảnh tồi tệ nhất kể từ năm 2008, theo báo cáo của ManpowerGroup - công ty nhân lực trụ sở tại Milwaukee, Wisconsin. Báo cáo khẳng định thị trường lao động Hong Kong đang mấp mé ngưỡng nguy hiểm.

Lancy Chui, Giám đốc khu vực của ManpowerGroup, nhận xét: “Doanh nghiệp Hong Kong thiếu nhân lực hơn so với giới doanh nghiệp toàn cầu”. Hơn 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát của công ty cho biết, tình trạng thiếu lao động sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục vụ khách hàng và năng lực cạnh tranh của họ.

Trả lương cao cũng khó tìm

Thierry Perreau - quản lý của nhà hàng Pháp La Creperie ở Sheung Wan - khu vực phố cổ đông đúc thực khách địa phương và phương Tây, than phiền về việc phải chờ đợi ứng viên ứng tuyển.

“Rất ít người đến phỏng vấn theo lịch hẹn. Họ thậm chí còn không thèm gọi một cuộc điện thoại. Tôi chưa từng trải qua điều này bao giờ”, ông nói

Bồi bàn và đầu bếp của nhà hàng nhận mức lương 12.000 HK$ (1.548 USD)/tháng cho 9 tiếng làm việc mỗi ngày, vào 6 ngày trong tuần.

Lực lượng lao động Hong Kong tháng 8 đứng ở mức 3,9 triệu trong khi dân số là 7,2 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,3% trong tháng 9 và chưa vượt quá 4% kể từ tháng 10/2010. Theo ước tính của Cục Thống kê và điều tra dân số hồi năm ngoái, số lao động dưới 55 tuổi của Hong Kong sẽ giảm 60.000 vào năm 2018 giả định tăng trưởng kinh tế là 4%/năm. Còn nếu kinh tế tăng nhanh hơn, mức thâm hụt này có thể chạm ngưỡng 163.800 lao động.

Chính phủ Hong Kong mới cảnh báo tình trạng này sẽ diễn ra sau vài năm, song trên thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng và xây dựng lại đau đầu trong việc thu hút lao động. Tổng số lao động thiếu hụt trong tháng 6 vừa qua tăng 10%, lên 77.858 vị trí, so với cùng kỳ năm ngoái, theo một báo cáo chính phủ hồi tháng trước.

Nguồn cung lao động sẽ trở thành áp lực lớn khi Hong Kong tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, ước tính vượt quá 70 tỷ HK mỗi năm trong vài năm tới.

Hiện lao động có kỹ năng cần thiết tại đây đã già, thường ở độ tuổi trên 55. Hồi tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng tài chính John Tsang lo ngại thông báo tỷ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm tới 14% dân số. Con số đó ước sẽ tăng lên 30% vào năm 2041. Vấn đề già hóa lao động đang khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gặp bộn bề khó khăn.

HungNinh (tổng hợp)