“Nghĩ lại, nếu mình chỉ đầu tư khu công nghiệp thôi chắc không phải đi vay nhiều như thế đâu!” – ông Đặng Thành Tâm chia sẻ.

Ông Đặng Thành Tâm đã nhìn nhận việc đầu tư tài chính đã đẩy doanh nghiệp (DN) của ông lún sâu vào nợ nần. Hiện tại ông đang cố gắng giãn thời gian chi trả các khoản nợ.

Để hiện thực hóa điều này, cách đây chưa lâu ông đã lên tiếng đề nghị Ngân hàng Nhà nước “giúp đỡ” bằng cách hoãn thời điểm thanh toán một số trái phiếu của các công ty do ông trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu. Số tiền đề nghị hoãn khoảng 1.700 tỉ đồng.

Chuyện làm ăn phải vay chỗ này, nợ chỗ kia là thường tình nhưng với ông Tâm, những khoản nợ lên tới cả ngàn tỉ đồng trong bối cảnh kinh tế hiện nay thực sự như “quả bom nổ chậm”.

Sau nhiều năm mở rộng kinh doanh sang nhiều ngành nghề khác, nay những ngành nghề đó để lại cho ông một đống nợ nần. “Nghĩ lại, nếu mình chỉ đầu tư khu công nghiệp thôi chắc không phải đi vay nhiều như thế đâu. Chỉ vì lúc đó thấy người ta lao vào làm mình cũng bắt chước làm nên mới nợ nần như thế!” – ông chia sẻ.

{keywords}

Ông bảo việc hầu như không có nguồn vốn vay từ ngân hàng trong 2 năm qua cũng làm DN khó khăn hơn. Mặc dù thời điểm này các khu công nghiệp có lãi và tài sản thế chấp nhưng vay không dễ. Theo ông, ngân hàng cần đặt niềm tin vào DN trong thời gian tới, đó là điều hết sức quan trọng để DN gỡ nợ xấu.

Muốn được ai đó mua nợ xấu trong tương lai

Cách đây chưa lâu, ông Tâm từng đề xuất viêc mua nợ xấu trong tương lai. Nhà nước đã đưa ra nhiều phương án để giải quyết tình hình nợ xấu nhưng là khoản nợ xấu trong quá khứ, còn việc mua lại nợ xấu trong trương lai không cần đến tiền chưa được tính đến.

Theo phân tích của ông Tâm thì đường đi của nợ xấu xuất phát từ mặt bằng lãi suất quá cao trong thời gian dài. Không hẳn nợ xấu hoàn toàn là kinh doanh xấu mà là lãi suất quá cao, vượt ra khỏi biên độ lợi nhuận của DN. Tình trạng này kéo dài khiến DN phải gánh lãi vay quá nặng, sức đề kháng đương nhiên sẽ yếu đi, tài sản thế chấp cũng không còn mấy giá trị thì việc đói vốn và kéo dài thua lỗ là đương nhiên.

Đó là vấn đề của nợ xấu trong quá khứ, còn trong tương lai muốn DN hoạt động mạnh, phát triển ổn định thì Nhà nước cần phải bảo lãnh cho các hoạt động vay của DN khi lãi suất đã được nỗ lực kéo xuống.

Hiện tại trên 70% DN thua lỗ hầu hết là cạn vốn và không đạt điều kiện cho vay, tài sản thế chấp đã mất đi giá trị và tiếp cận vốn là điều hết sức khó khăn. Như vậy, Nhà nước bảo lãnh cũng là một bước nỗ lực giải quyết vấn đề ngân sách. Nếu DN kinh doanh hiệu quả hơn thì số tiền cho vay ra sẽ được thu về bằng tiền thuế, từ đó tiền nộp cho ngân sách rất lớn.

Điều đáng nói nữa là việc mua nợ xấu trong tương lai không phải sử dụng nhiều ngân sách mà chủ yếu sử dụng công cụ niềm tin.

Bởi việc Nhà nước bảo lãnh sẽ tạo động lực cho DN hoạt động hiệu quả hơn nhờ gánh nặng nợ xấu được trút bỏ. Cách làm đơn giản là Nhà nước bảo lãnh cho rủi ro của DN trong vòng 3 năm tới.

Khi Nhà nước bảo lãnh cho khoản vay của DN trong tương lai cũng có nghĩa là bán lại cho DN niềm tin trong hoạt động kinh doanh. Nhà nước bảo lãnh thì không chỉ riêng DN mà ngay cả ngân hàng cũng có niềm tin để giải ngân, giảm bớt gánh nặng về nợ xấu và áp lực về tăng trưởng tín dụng.

Đó chỉ là ý muốn của ông Tâm!

Hiện tại việc bảo lãnh cho DN vay tiền cũng có nhưng chỉ nhỏ lẻ. Trong bối cảnh hiện tại, Nhà nước bảo lãnh cho vay là giải pháp tương đối để vực dậy sức khỏe của khối DN. Phương thức và đối tượng được bảo lãnh tập trung vào các ngành tạo được hiệu quả trong kinh doanh, những ngành sản xuất cơ bản thúc đẩy dòng tiền quay vòng nhanh hơn như dệt may, da giày, nông sản…

Việc thúc đẩy dòng tiền quay nhanh và quay được nhiều vòng hơn là cách xác định được đối tượng để bảo lãnh. Khi dòng vốn đã quay vòng thứ nhất sẽ đến vòng thứ hai cho các DN có mức độ ngâm vốn cao như bất động sản, chứng khoán…

“Cũng như để xả nước vào một cánh đồng thì phải bắt đầu từ một thửa ruộng đầu tiên, sau đó nước sẽ tràn bờ sang các thửa tiếp theo. Tương tự, dòng tiền được sử dụng hiệu quả ở các lĩnh vực sản xuất dịch vụ khi tạo ra được giá trị thặng dư sẽ chuyển dịch dần sang các lĩnh vực khác như một vòng xoay thứ 2″ – ông Tâm minh hoạ.

Hiện tại ở Việt Nam chỉ sử dụng dòng tiền trong hiện tại còn những tính toán cho dòng tiền trong tương lai vẫn chưa được nhắc đến nhiều. Mua nợ xấu trong tương lai là sự hỗ trợ về tâm lý để dòng vốn thanh khoản tốt hơn.Đó cũng là cách để Nhà nước sử dụng hiệu quả dòng tiền trong tương lai.

(Theo Một thế giới)