Vì sao Huỳnh Thị Huyền Như có thể rút hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Công thương quá dễ dàng?

Dư luận trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào việc nhiều tổ chức, cá nhân ham lãi cao, bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền, nhưng chưa có phân tích về các thủ đoạn của Huyền Như đã sử dụng trái phép tiền gửi của khách hàng, giả hồ sơ vay vốn, giả hồ sơ thế chấp chiếm đoạt 514,54 tỷ đồng tiền vay tại Ngân hàng Công thương. Làm sao một cá nhân có thể vượt qua nhiều quy đinh, rào cản kỹ thuật và quản trị rủi ro của một ngân hàng lớn để rút hàng ngàn tỷ tiền mặt?

{keywords}

Đánh tráo hồ sơ mở tài khoản, giả chứng từ để chuyển tiền rút tiền

Theo quy định về ngân hàng, để mở tài khoản, khách hàng phải cung cấp cho ngân hàng hồ sơ đăng ký mở tài khoản, trong đó có đăng ký chữ ký mẫu của chủ tài khoản, mẫu dấu (đối với tổ chức).

Để sử dụng tài khoản, khách hàng sẽ lập các chứng từ rút tiền, chuyển tiền (lệnh chi, ủy nhiệm chi) … và ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra các chứng từ này, đặc biệt là mẫu dấu, chữ ký trước khi thực hiện.

Là Giám đốc Phòng Giao dịch của Ngân hàng Công thương, hiểu biết rõ về nghiệp vụ ngân hàng, sau khi Ngân hàng Công thương nhận hồ sơ mở tài khoản của khách hàng, Huyền Như đã lập hồ sơ mở tài khoản giả, chữ ký giả, dấu giả để đánh tráo hồ sơ mở tài khoản do khách hàng lập. Sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, Huyền Như lập lệnh chi giả, lệnh chuyển tiền giả để chiếm đoạt tiền trên tài khoản tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công thương.

Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng yên đã cung cấp hồ sơ mở tài khoản cho Ngân hàng Công thương. Huyền Như làm 3 dấu giả của 3 Công ty, dùng chữ ký giả, đánh tráo hồ sơ mở tài khoản của 3 Công ty. Từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, sau khi tiền của Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên được chuyển vào tài khoản của từng Công ty tại Ngân hàng Công thương, Huyền Như đã làm giả 127 lệnh chi, chiếm đoạt 1.598 tỷ từ tài khoản tiền gửi của các Công ty này.

Dương Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Bé Năm cung cấp hồ sơ mở tài khoản cho Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương Nhà Bè), Tuấn giao hồ sơ cho Trần Thị Tố Quyên để đưa cho Huyền Như. Huyền Như ký giả chữ ký của Nguyệt, Bé Năm, lập hồ sơ mở tài khoản giả, đánh tráo hồ sơ mở tài khoản của 2 cá nhân. Quyên mang các hồ sơ này đến Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Ngân hàng Công thương TP.HCM để mở tài khoản cho Nguyệt và Bé Năm. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của Nguyệt và bé Năm, Huyền Như đã lập các lệnh chi, ký chữ ký giả để chuyển 50 tỷ đồng từ tài khoản của Nguyệt và Bé Năm sang tài khoản của Trần Thị Tố Quyên, sau đó chiếm đoạt.

Không cần đánh tráo hồ sơ mở tài khoản, vẫn giả chứng từ để chuyển tiền, rút tiền

Khách hàng đã mở tài khoản, đã đăng ký chữ ký mẫu, mẫu dấu. Huyền Như lợi dụng sơ hở của Ngân hàng Công thương trong việc kiểm soát chứng từ để dùng chữ ký giả, dấu giả lập các lệnh chi, chứng từ chuyển tiền, rút tiền chiếm đoạt tiền gửi tại Ngân hàng Công thương. Bằng thủ đoạn này, Huyền Như đã lập các lệnh chi giả chiếm đoạt 210 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty CP CK Saigonbank-Berjaya (SBBS), chiếm đoạt 550,35 tỷ từ tài khoản của Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc.

Đối với tiền gửi của các nhân viên Ngân hàng ACB và Ngân hàng Nam Việt, sau khi ký hợp đồng gửi tiền với Ngân hàng Công thương chi nhánh TP. HCM (đại diện là ông Trương Minh Hoàng, bà Nguyễn Thị Minh Hương đều là phó Giám đốc), nhân viên Ngân hàng ACB và Ngân hàng Nam Việt chuyển tiền vào tài khoản của từng người tại Ngân hàng Công thương.

Ngoài hành vi tự ý chuyển tiền gửi thành thẻ tiết kiệm rồi giả chữ ký lừa Ngân hàng Công thương để vay tiền, Huyền Như còn tự ý lập 16 thẻ tiết kiệm với số tiền 81,068 tỷ đứng tên khách hàng gửi tiền, làm giả 16 Lệnh chi, ký giả chữ ký của 9 chủ thẻ tiết kiệm này để rút tiền, chiếm đoạt. Ngoài ra, Huyền Như tự ý làm giả Lệnh chi, ký giả chữ ký của chủ tài khoản để chuyển tiền, chiếm đoạt hơn 250 tỷ từ tài khoản của các nhân viên này.

Riêng trường hợp Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn cầu, Cáo trạng và Kết luận điều tra không xác định rõ thủ đoạn của Huyền Như, chỉ nêu sau khi tiền được chuyền vào tài khoản của Công ty này tại Ngân hàng Công thương, Huyền Như tự ý chuyển đi trên hệ thống máy tính, chiếm đoạt gần 125 tỷ đồng từ tài khoản của công ty này.

Qua sự việc trên, có thể thấy việc quản lý của Ngân hàng Công thương có những lỏng lẻo, sơ hở để Huyền Như có thể lợi dụng để giả mạo chứng từ, rút tiền gửi dễ dàng, hầu như không gặp bất cứ trở ngại nào. Đây là nguyên nhân chính giúp Huyền Như thực hiện được hành vi chiếm đoạt. Tuy nhiên, cho đến nay, trách nhiện vẫn được xác định trách nhiệm thuộc về Huyền Như và những cá nhân, tổ chức gửi tiền.

Với các sự việc trên, Cáo trạng và Kết luận điều tra xác định và đề nghị truy tố các cá nhân tại Phòng Giao dịch Võ Văn Tần thuộc Ngân hàng Công thương gồm Lương Thị Việt Yên (Trưởng Phòng), Hồ Hải Sỹ (Phó Phòng), Lê Thị Ngọc Lợi (Giao dịch viên) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để Huyền Như làm giả hồ sơ mở tài khoản, dùng lệnh chi giả chiếm đoạt 50 tỷ đồng tử tài khoản của Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm.

Tuy nhiên, vẫn còn những người chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các hồ sơ giả còn lại, lệnh chi giả còn lại để cho Huyền Như dễ dàng rút tiền, chiếm đoạt chưa được làm rõ. Chưa rõ làm cách nào Huyền Như tự ý chuyển tiền trên hệ thống máy tính của Ngân hàng Công thương để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn cầu.

Cho dù việc gửi tiền của một số ngân hàng, công ty tại Ngân hàng công thương là sai, cho dù người gửi tiền ham lãi suất cao, thì đó cũng không phải là nguyên nhân giúp Huyền Như chiếm đoạt được tiền. Với những thủ đoạn như trên, với cách thức quản lý như trên, Huyền Như có thể rút, chiếm đoạt tiền từ bất cứ tài khoản nào. Nếu không làm rõ và tìm cách ngăn chặn những những vấn đề này sẽ còn sẽ phát sinh nhiều các “ Huỳnh Thị Huyền Như” khác.

(Theo Bảo vệ pháp luật)