Dạo một vòng thị trường tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp.HCM, có thể thấy rất rõ không khí sôi động tại các salon xe cũ. Thị trường ôtô đã qua sử dụng đang ngày càng “nóng”, xét cả về quy mô lẫn sự cạnh tranh về giá cả, sản phẩm và dịch vụ.

Sức mua tăng mạnh

Trong khoảng hai tháng trở lại đây, các salon xe cũ đã và đang đua nhau mọc lên, không khác nhiều so với thời điểm nở rộ của thị trường ôtô nhập khẩu cách đây hơn 5 năm.

Đặc biệt tại Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, chỉ trong tháng 9/2013 đã có vài chục salon ôtô cũ được khai trương, tề tựu đông vui nhất là trên trục đường Lê Văn Lương (Cầu Giấy, Từ Liêm) và Nguyễn Văn Cừ (Long Biên).

Theo giới kinh doanh ôtô cũ (còn gọi là xe có biển số), khi nền kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt hơn thì nhu cầu sử dụng, thay thế ôtô của doanh nghiệp và người dân cũng tăng lên đáng kể.

Ông Hà Minh Tuấn, Tổng giám đốc hệ thống AnyCar Việt Nam, nhận định khi thị trường ôtô mới sôi động hơn thì thị trường xe đã qua sử dụng cũng không thể nằm ngoài guồng quay này. Đơn giản vì mỗi khách hàng mua xe mới thì họ sẽ có nhu cầu bán đi xe cũ.

Đáng chú ý là đối tượng khách hàng của xe đã qua sử dụng thường trải rất rộng, từ những khách hàng mua xe lần đầu cho đến những khách hàng không yêu cầu quá khắt khe về sản phẩm và bên cạnh đó, là những khách hàng có khả năng tài chính vừa phải nhưng muốn sử dụng những chiếc xe đời cao.

{keywords} 

Cũng theo ông Tuấn, việc sức mua ôtô cũ tăng lên đáng kể cũng giúp các đơn vị kinh doanh xe cũ nhẹ thở hơn với bài toán nguồn hàng.

Tình hình với các salon nhỏ cũng khá khẩm hơn trước nhiều.

Nguyễn Trung Thăng, chủ salon Hùng Cường (Long Biên, Hà Nội) cho biết thời gian qua, hầu như ngày nào anh cũng nhận được vài cuộc điện thoại hỏi mua xe hoặc đề nghị ký gửi, bán xe khách đang sử dụng. “Tình hình mua bán thực tế cũng không khác nhiều, với các salon nhỏ, nguồn vốn hạn chế thì thường phải quay vòng vốn nhanh, từ đó “ăn” giá chênh lệch thấp, nên mỗi tháng cũng bán được 5-10 xe”, Thăng nói.

“Căng” chất lượng dịch vụ

Trong vài cuộc trao đổi ngắn, một số khách hàng có mặt tại các salon trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên - Hà Nội) cho rằng thực tế thì trên thị trường ô tô cũ hiện nay, vấn đề giá bán không còn quá quan trọng nữa, mà điều quan trọng nhất là dịch vụ bán hàng và hậu mãi.

“Tất nhiên, giá luôn là yếu tố chúng tôi tìm hiểu đầu tiên với từng chiếc xe để từ đó có những so sánh giữa nhiều nhà cung cấp khác nhau. Tuy vậy, mỗi chiếc đều có chất lượng khác nhau, mà doanh nghiệp người ta nói sao, định giá thế nào chúng tôi cũng chỉ biết nghe vậy, trừ những người có nghề”, bà Hoàng Quyên, một khách hàng đến từ Bắc Giang nhìn nhận.

Đến từ Sơn La, ông Chu Văn Huân, cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là dịch vụ thế nào. Theo anh Huân, chất lượng xe cũ là thứ dễ mập mờ đánh lận con đen nhất nên để đánh giá thật sự thì các salon cần phải có dịch vụ tiêu chuẩn, không được như các đại lý xe mới thì cũng phải ở mức độ nào đó được coi là đảm bảo.

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh ôtô thì dịch vụ được gọi là “chuẩn” đối với xe đã qua sử dụng thực sự là một bài toán khó.

Chẳng hạn, khi khách hàng hỏi về bảo hành, đa số các salon đều trả lời là có. Song khi xe gặp sự cố đem đến bảo hành thì nhiều salon không thể làm được bởi nhiều lý do, từ khâu con người đến nhà xưởng đều thiếu hoặc quá yếu. Dạo một vòng thị trường xe cũ hiện nay ở Hà Nội cũng có thể nhận thấy tỷ lệ salon có xây dựng hệ thống xưởng dịch vụ là rất thấp, hiếm gặp.

Ông Hà Minh Tuấn cũng thừa nhận, niềm tin vào chất lượng xe và dịch vụ là thứ đang khá “xa xỉ” ở thị trường ôtô cũ.

“Chẳng hạn, để cấp được sổ bảo hành cho khách hàng, ngoài hệ thống nhà xưởng mới xây dựng hoặc sẵn có hay từ sự hợp tác với các nhà phân phối ô tô chính hãng, chúng tôi đã phải “dựng” một đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề và đặc biệt là phải thực hiện chính xác theo ít nhất 75 hạng mục kỹ thuật để kiểm tra chất lượng xe. Với xe cũ, chỉ cần xảy ra một vấn đề nhỏ là sẽ đánh mất uy tín, khó cho hoạt động kinh doanh về sau”, ông Tuấn chia sẻ.

Chủ hệ thống xe cũ lớn nhất hiện nay cũng cho biết, sau 3 năm vừa kinh doanh vừa xây dựng, đến nay mới có thể chính thức cung cấp các dịch vụ cho xe đã qua sử dụng như liên kết với ngân hàng cho vay mua trả góp, cấp sổ bảo hành, đưa ra các cam kết về chất lượng xe và chịu trách nhiệm đến cùng với khách hàng về chất lượng của từng xe bán ra.

“Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng hợp tác với các đại lý ô tô chính hãng, nhất là các đại lý hoặc hệ thống xưởng dịch vụ tại các địa phương ngoài Hà Nội và Tp.HCM, để cung cấp dịch vụ sau bán hàng cho khách tại các địa phương đó”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Ông Hoàng Văn Tình, khách hàng mua chiếc xe Kia Morning Van sử dụng “lướt” nhập khẩu cho biết, sở dĩ ông đến công ty này mua xe là bởi trước đây ông cũng đã từng là khách hàng của Hyudai Việt Nam...

Theo tìm hiểu, hiện những đơn vị có cung cấp các dịch vụ cho ô tô đã qua sử dụng là không nhiều. Chủ một số salon xe cũ tại Hà Nội thừa nhận, dù rất mong muốn nhưng để cung cấp được các dịch vụ sau bán hàng thì sẽ rất tốn kém về đầu tư, ít nhất là hệ thống nhà xưởng và thiết bị. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận từ một chiếc ô tô lại không cao.

Từ 3 năm trước các liên doanh, nhà phân phối ôtô như Mercedes-Benz, Toyota, Ford… đã bắt đầu cung cấp ra thị trường dịch vụ ôtô đã qua sử dụng. Dù vậy, các dịch vụ này cũng chưa thật sự nổi bật do hầu như bị khống chế trong khuôn khổ xe mang chính thương hiệu đó.

(Theo VnEconomy)