Có không ít người dở khóc dở cười tại sân bay vì khai báo thông tin không đúng khi mua vé cho con.

Nhầm lẫn do người mua…

Anh Huỳnh Bảo Nam (TP.HCM) tá hỏa tại sân bay khi con trai anh không thể làm thủ tục lên máy bay cùng gia đình đi Đà Nẵng. Trước đó, anh Nam nhờ người quen mua hộ 3 vé. Tình trạng vé đã được xác nhận. Cẩn thận hơn, anh Nam gọi điện lên tổng đài hãng hàng không đọc mã số đặt chỗ để kiểm tra, được nhân viên hãng xác nhận vé có tên 3 người trong gia đình.

Nhưng khi làm thủ tục, nhân viên cho biết, con trai anh có vé dành cho trẻ dưới 2 tuổi (em bé) trong khi cháu đã trên 2 tuổi theo giấy khai sinh. Theo quy định của Jetstar Pacific trẻ em dưới 2 tuổi ngồi chung với bố mẹ không phải trả tiền vé máy bay. Còn trẻ em từ 2 tuổi trở lên được xếp 1 ghế riêng và trả tiền vé máy bay như bình thường. Sau khi hiểu rõ sự tình, anh Nam phải bỏ tiền ra mua một vé cho con trai mình.

“Khi nhận vé, tôi chỉ kiểm tra họ tên mà không để ý giá tiền. May mà chuyến bay còn chỗ, nếu không chắc cả nhà tôi lại phải tốn thêm tiền lùi chuyến bay để đi cùng với con trai”, anh Nam nói.

{keywords}

Trẻ em đều phải kiểm tra giấy khai sinh trước khi lên tàu bay

Không chỉ gia đình anh Nam, theo thống kê của Jetstar Pacific, mỗi tháng có hàng chục trường hợp trẻ em từ trên 2 tuổi ra sân bay làm thủ tục bằng vé của em bé.

Ông Cao Đăng Hùng - Đội trưởng Phục vụ Hành khách Tân Sơn Nhất của Jetstar Pacific cho biết, các trường hợp nhầm lẫn thường xảy ra đối với trẻ em kém hoặc hơn một số ngày so với thời điểm đúng 2 tuổi và hầu hết là do nhờ người khác đi mua vé. Ngay khi phát hiện, nhân viên sân bay thông báo cho người lớn đi cùng để biết và được tạo điều kiện mua vé cùng chuyến bay. Tuy nhiên, có trường hợp chuyến bay kín chỗ, cả gia đình phải hủy chuyến đi, hoặc đóng thêm phí đổi sang chuyến bay khác còn chỗ để bay cùng trẻ em.

Gian lận tuổi

Theo Điều 266, Bộ luật Hình sự, người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Đối với các hãng hàng không giá rẻ, trẻ em dưới 2 tuổi ngồi chung người lớn nên được miễn phí tiền vé, trẻ từ trên 2 tuổi có một ghế ngồi riêng và phải mua theo giá vé bán trên hệ thống. Một số người đã lợi dụng chính sách này để gian lận vì… tiếc tiền.

Tại sân bay Nội Bài, chị Lê Thị Thu Diệu - Đội trưởng Phục vụ Hành khách Jetstar Pacific cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, Jetstar Pacific đã phát hiện 30 trường hợp gian lận tuổi, với tổng số tiền chênh lệch khoảng 80 triệu đồng. Có trường hợp 2 trẻ em sinh ngày 25/12/2009 và ngày 10/10/2010 được gia đình dùng giấy tờ cho cả 2 đều sinh đôi ngày 25/12/2012. Thậm chí, có bố mẹ biến 2 con sinh đôi ngày 28/10/2008 thành 15/6/2011 để mua vé dành cho em bé.

Chị Nguyễn Thị Kim Đính - Trưởng ca Phục vụ Hành khách Jetstar Pacific chia sẻ, việc kiểm tra giấy tờ tùy thân được thực hiện nghiêm ngặt tại quầy làm thủ tục và khu vực kiểm soát an ninh sân bay. Việc nhầm lẫn tuổi không chỉ làm chậm tiến độ phục vụ, ảnh hưởng đến hành khách khác, mà có thể còn ảnh hưởng đến cả chuyến đi của gia đình. Có những khách khi bị phát hiện thì lặng lẽ chấp nhận mua vé cho trẻ em. Nhưng cũng có khách to tiếng để hù dọa nhân viên, tuy nhiên, với bằng chứng cụ thể khách vẫn phải mua vé đúng tuổi.

“Trên chuyến bay BL798 ngày 3/7 từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội, một vị khách nữ đến làm thủ tục bay kèm theo trẻ em. Nhân viên thủ tục hỏi tên và ngày sinh của trẻ em thì được trả lời là cháu N. N. K, sinh ngày 8/12/2011. Khi được hỏi về mối quan hệ, khách cho biết là “Dì của bé”. Sau đó nhân viên làm thủ tục quay sang hỏi cháu bé “Mẹ của con đâu?” thì cháu bé hồn nhiên chỉ vào khách và gọi “Mẹ ơi”. Sau khi kiểm tra, phát hiện cháu bé tên thật là G.N.A. sinh ngày 4/7/2010, được gia đình sử dụng giấy khai sinh của một cháu bé khác có tên N.N.K., thậm chí còn kèm theo giấy ủy quyền của bố mẹ cháu N.N.K” - chị Đính kể.

(Theo Giao thông vận tải)