Khởi nghiệp từ năm 2002 bằng một cửa hàng bán nội thất xe nhỏ, sau hơn 10 năm nghiên cứu và học hỏi độ xe, Nguyễn Đức Thịnh đã xây dựng một chuỗi 5 cơ sở chăm sóc và độ xe chuyên nghiệp.
Chỉ vì mê xe độ, nên ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông Đại học Bách Khoa (Hà Nội), Thịnh không đi tìm việc làm mà tiếp tục khăn gói sang Thái Lan để tìm hiểu và học nghề độ xe.
Sản phẩm độ đầu tiên từ mẫu Daewoo Nubira được xem là chiếc xe độ công phu bậc nhất tại Việt Nam hồi năm 2002. Mặc dù, việc độ xe thời kỳ bấy giờ mới chỉ dừng lại ở việc làm đẹp ngoại thất và lắp thêm linh phụ kiện, nhưng chiếc xe độ đã gây tiếng vang và góp phần tiếp thị cho một “thú chơi” mới.
Cho đến bây giờ, sau nhiều lần tham gia các khóa học độ xe tại Hồng Kông và châu Âu, Thịnh đã có thể can thiệp sâu hơn về mặt kỹ thuật để tạo nên những chiếc sản phẩm khác hoàn toàn so với xe nguyên bản, như thay đổi diện mạo, làm lại nội thất và can thiệp vào động cơ.
Chia sẻ về “thú chơi” đặc biệt này, Thịnh nói, với độ xe, thích là chưa đủ mà phải thực sự có đam mê. Độ xe không chỉ mất rất nhiều thời gian mà còn ngốn của chủ nhân chiếc xe rất nhiều tiền bạc.
Để tạo nên được một chiếc xe có cá tính theo đúng yêu cầu của chủ sở hữu, giai đoạn khó khăn nhất là xây dựng ý tưởng. Công đoạn đặt hàng cũng nhiều rủi ro, bởi chỉ cần linh kiện lắp đặt lệch với đời xe là coi như vô dụng. Thời gian lắp đặt và chế tác không lâu nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao và sự tỉ mỉ.
Linh kiện độ xe hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Mặc dù, một số chi tiết có thể làm được tại Việt Nam như bodykit, ghế ngồi hay các loại nẹp,... nhưng do độ bền và chất lượng vẫn còn hạn chế, nên khách hàng vẫn có xu hướng quyết định lựa chọn hàng nhập khẩu.
Chi phí độ một chiếc xe hơi phụ thuộc nhiều vào sở thích của người yêu cầu. Đối với một sản phẩm bình thường, số tiền độ chiếm từ 2% đến 15% giá trị của chiếc xe. Tuy nhiên, có những chiếc xe, số tiền độ còn ngang bằng giá trị xe mới hay thậm chí còn cao hơn.
Khách hàng độ xe thường có cá tính mạnh, không thích sự đơn điệu ở những chiếc xe nguyên bản. Sau một thời gian đi xe tiêu chuẩn, nhiều người có cảm giác nhàm chán nhưng chưa muốn đổi xe, đó chính là lý do mà chủ sở hữu muốn làm mới chiếc xe bằng giải pháp độ theo yêu cầu.
Tuy nhiên, ở bất kỳ đâu, việc độ xe đều có rất nhiều ràng buộc về pháp lý. Đối với Việt Nam lại càng khó hơn bởi các quy định vô cùng khắt khe về lĩnh vực này. Vậy nên, để độ lên một sản phẩm không vi phạm pháp luật, đòi hỏi người thực hiện phải chuyên sâu kỹ thuật và tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật từ nhà sản xuất ra chiếc xe.
Mặc dù một chiếc xe độ có diện mạo khác xe nguyên bản, nhưng để đảm bảo không gặp khó khăn trong quá trình đăng kiểm thì kích thước xe, khoảng sáng gầm và số khung/máy vẫn phải giữ nguyên. Nội thất xe có thể được làm mới hoàn toàn, nhưng muốn can thiệp vào động cơ thì cần phải biết giới hạn tối đa của chiếc xe mà nhà sản xuất đã đề ra.
Khi một chiếc xe đã được độ, giá trị bán lại sẽ rất khó định lượng. Thực tế, nhiều chủ xe hay có thói quen cho/tặng hoặc tháo đồ đã độ trước khi chuyển nhượng. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp người mua thỏa thuận để sở hữu lại toàn bộ chiếc xe độ, với chi phí linh kiện khá hời.
Với thế mạnh, độ âm thanh, bodykit và làm đẹp nội thất, hiện anh Nguyễn Đức Thịnh đang sở dụng một chiếc Mercedes-Benz C63 độ từ chiếc C200. Điểm nổi bật của chiếc xe là hệ thống âm thanh và các chi tiết phủ các-bon cả trong lẫn ngoài xe. Ngoài ra, xe còn được trang bị hệ thống không làm trễ chân ga để giúp tăng tốc nhanh hơn.
Trước và sau khi độ chiếc xe tâm đắc cho riêng mình, Nguyễn Đức Thịnh không thể nhớ nổi số lượng xe đã độ cho khách hàng. Mặc dù vậy, sản phẩm mà anh tâm đắc nhất là chiếc Mitsubishi Grandis hồi năm 2008, bởi đây là chiếc xe đoạt giải “Không đối thủ” tại cuộc thi độ xe lần đầu tiên tại TP.HCM
(Theo VnEconomy, ảnh Bobi)