Lần đầu ở Khánh Hòa cả một làng đảo nuôi muỗi được hình thành. Cùng với đó là sự tồn tại của một đội khoa học chuyên săn bắt, mổ xẻ và nghiên cứu muỗi, mở ra hy vọng chặn đứng bệnh sốt xuất huyết cũng như sốt rét của hàng triệu người Việt Nam.
Trên chuyến tàu dân sinh vào một chiều muộn rẽ sóng ra làng đảo Trí Nguyên (Nha Trang, Khánh Hòa) tôi không khỏi ngỡ ngàng khi người dân đảo đem về, không phải thức ăn hay nhu yếu phẩm thường ngày mà lỉnh kỉnh dụng cụ nuôi, nhử... muỗi. Lạ nữa là có người thú nhận, "bây giờ mà không sống chung với muỗi, cảm giác như thiếu vắng điều gì đó".
Dự án "độc nhất vô nhị"
Ngày ông Nguyễn Ðức Long, người dân đầu tiên ở làng đảo Trí Nguyên nhận ấu trùng muỗi đầu tiên về "nuôi", cả làng nháo nhác. Muỗi đốt chưa đủ chết hay sao mà còn tiếp tay cho "địch"! Họ bán tín bán nghi, hay ông Long có vấn đề thần kinh khi những ngày tiếp theo chỉ thấy ông ở nhà và làm một công việc duy nhất là nhử muỗi. Nhưng nhử càng được nhiều muỗi, với ông là điều thích thú. Theo ông Long, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa mạnh dạn triển khai một dự án tầm quốc tế nhưng lại là "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam: Ðó là thuê người dân nuôi muỗi, huấn luyện họ thành những thợ nuôi muỗi chuyên nghiệp mà ông Long là người tiên phong. Những chú muỗi được sản sinh mới này sẽ gánh "trọng trách" lấn át những con muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành và là nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân khắp nơi.
Môi trường ở làng đảo Trí Nguyên thích hợp để nuôi thử nghiệm loại muỗi chống bệnh sốt xuất huyết. |
Từ khát vọng này, dự án cả triệu đô-la mang tên "Thay thế quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia" nhanh chóng được triển khai tại làng đảo Trí Nguyên. TS Trần Duy Nam, một chuyên gia hàng đầu trong ngành vệ sinh dịch tễ ấp ủ: "Nếu thành công, chúng ta sẽ có một "đội quân" muỗi mới hàng triệu triệu con, đủ sức chiến đấu và chiến thắng các loại muỗi gây sốt rét". Ông giải thích việc chọn làng đảo Trí Nguyên là "một lựa chọn sáng suốt của các nhà khoa học", bởi nơi đây được xem là cái "ổ muỗi vằn", nơi từng có hàng chục người dân phải "lên bờ xuống ruộng" vì bị chúng chích đốt.
Nếu không nắm rõ thông tin, tôi cam đoan bất cứ người nghe nào cũng tá hỏa với dự báo của TS Lê Hữu Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa: "Cả đảo Trí Nguyên sẽ ngập tràn các ấu trùng muỗi được nuôi dưỡng! Không chỉ chế ngự bệnh sốt rét mà dự án sẽ mở ra khả năng phòng, chống sốt xuất huyết một cách hiệu quả ở Khánh Hòa và cho cả nước". Lãng mạn chưa, khi đã có nhiều người còn hy vọng tương lai gần có thể "xuất khẩu" loại muỗi đặc biệt này đến một số nước có tỷ lệ bệnh sốt rét cao. Tại sao không, nếu đó không chỉ là giải pháp mà còn là hàng hóa đầy tiềm năng với thị trường mênh mông?
Kiểm tra ấu trùng muỗi chứa vi khuẩn chống sốt xuất huyết. |
Cả làng háo hức
Xưa nay chỉ biết đánh lưới rồi mang các "chiến lợi phẩm" từ biển vào đất liền đổi gạo, muối, nhu yếu phẩm, tự dưng được vận động chuyển nghề mới, dân làng đảo đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Bà Nguyễn Thị Thủy thật thà: "Nghề nuôi gì thì tôi cũng đã nghe hết trơn. Nhưng nghề ấp và nuôi muỗi thì từ khi cha sinh mẹ đẻ chưa thấy bao giờ. Chỉ thấy vận động diệt bọ gậy, ngủ nằm màn, chứ đâu có ai kêu "đi nhân giống và sinh sản muỗi!".
Nỗi lo âu, hoài nghi, lấn bấn của dân đảo, cuối cùng cũng được các tuyên truyền viên của dự án giải đáp ngọn ngành. Chẳng mấy chốc, từ người dân đầu tiên nhận nuôi, đến nay, đồng loạt cả 800 gia đình ở đảo Trí Nguyên háo hức nuôi... muỗi.
Ngày nhận ấu trùng muỗi vui như mở hội, chả khác nhận vốn xóa đói, giảm nghèo. Chưa bao giờ làng đảo nhỏ này lại háo hức thế. Tám nghìn con bọ gậy sau khi được xét nghiệm, kiểm tra khả năng bung nở và phát triển đã được trao tận tay 800 gia đình. Sau khi nhận ấu trùng, các "thợ nuôi muỗi" không chuyên sẽ thả chúng vào những ly nước đặt ở nhà mình. Chung quanh vị trí đặt ly nước liên tục được phun một loại hóa chất chống sự xâm nhập của các loại côn trùng khác. Cẩn thận hơn, môi trường quanh các ly nước chứa ấu trùng này cũng được khảo sát kỹ, từ nhiệt độ, hướng gió tới độ ẩm để ấu trùng sinh trưởng bình thường.
Chưa biết ra sao, nhưng người dân tin các nhà khoa học lắm, rằng "với một khối lượng muỗi được biến hóa từ những con bọ gậy này, chúng sinh nở ra hàng đàn hàng lũ". Cũng lạ, nghề mới, có tiền từ... muỗi, sao không ?
Con muỗi ngoại, thấy bảo là đặc hữu ở tít tận Ô-xtrây-li-a và nếu nhập từ đó về thì chi phí sẽ giảm. Nhưng đưa về có nuôi được không vì điều kiện khí hậu, thời tiết ở Ô-xtrây-li-a khác xa Việt Nam, muỗi chứa Wolbachia của Ô-xtrây-li-a sẽ khó có khả năng thích nghi. Trong khi đó các biện pháp phòng tránh tỏ ra không hiệu quả. Vì vậy phương pháp thay thế tác nhân muỗi mới để loại bỏ vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết được hy vọng sẽ thành công, hạn chế được sự lây lan dịch nguy hiểm này.
Chăm muỗi như chăm... "con"
Theo quy trình, loại ấu trùng này sẽ có vòng đời cao gấp nhiều lần loại muỗi bình thường. Cũng vì thế, quãng thời gian phát triển từ ấu trùng thành một con muỗi có sức chiến đấu phải mất ba đến ba tháng rưỡi, phụ thuộc vào bàn tay chăm sóc của những người thợ nuôi muỗi.
Vận chuyển các dụng cụ nuôi muỗi ra đảo |
Ngày ra đảo Trí Nguyên đúng lúc cán bộ Sở Y tế Khánh Hòa cùng người dân đang cho lứa muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đầu tiên xuất quân. Ông Toàn bảo: "Ðây là lứa muỗi đầu tiên được nuôi trưởng thành. Sau khi trưởng thành, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia chưa được "đánh đấm" ngay mà phải trải qua nhiều công đoạn huấn luyện rất quan trọng, chả khác gì huấn luyện tân binh trước khi ra trận. Mỗi chú muỗi trưởng thành được nhốt trong không gian với đầy đủ yếu tố khắc nghiệt nhất như thiên nhiên ở đảo. Sau đó thả thí nghiệm một số muỗi vằn mang mầm sốt rét vào để đối chọi, buộc muỗi Wolbachia phải chiến đấu để tồn tại. Sau khi đủ cứng cáp muỗi Wolbachia sẽ được thả vào môi trường.
Ðặc biệt loại muỗi mới được sản sinh và tái tạo này không hề mang các mầm bệnh cũng như không có sự truyền nhiễm. Chẳng những chích không gây ngứa, chúng còn giúp người bị chích có khả năng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa tự tin: "Khi trưởng thành, nó có vòng đời lâu, có sức mạnh nên sẽ dồn muỗi gây bệnh vào con đường diệt vong. Số muỗi mới này hoàn toàn không còn khả năng lây bệnh sốt xuất huyết nữa. Cứ thế, đời con đời cháu của chúng cũng sẽ mang trong mình ưu điểm này, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ được loại trừ".
Ông Hải giải thích, các nhà khoa học đã tỉ mẩn cấy vi khuẩn Wolbachia vào trứng loài muỗi Aedes aegypti (một loại muỗi rất độc, có khả năng truyền nhiễm cao). Khi nở ra, bản thân muỗi con có tác dụng ức chế và dập tắt khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết.
Cứ một nghìn trứng muỗi mới có thể cấy được hai con Wolbachia. Vì vậy, để có được tám nghìn con bọ gậy để nuôi trong đợt này, các nhà khoa học phải kỳ công nghiên cứu và thao tác trong thời gian sáu đến bảy năm. Ðặc biệt, bọ gậy mang mầm vi khuẩn Wolbachia khi nở ra và trưởng thành sẽ có khả năng giao phối rất mạnh mẽ. Khi chúng giao phối với các loại muỗi vằn trên đảo thì thế hệ con cũng sẽ không còn khả năng lây bệnh sốt xuất huyết.
Ban dự án cho tôi hay, đến giữa tháng 10-2013, sau nửa năm thả loăng quăng mang vi khuẩn Wolbachia tại đảo Trí Nguyên, chưa thống kê được chi tiết bao nhiêu muỗi bệnh đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, tỷ lệ thay thế quần thể muỗi mang Wolbachia đối với các loại muỗi gây bệnh đạt từ 70 đến 80%, tỷ lệ bọ gậy mang Wolbachia tại cộng đồng đạt 95,8%. Ðặc biệt, đảo Trí Nguyên hầu như rất hiếm còn ổ dịch sốt xuất huyết.
Ông Trần Như Dương, phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: "Các nguyên tắc khoa học được thực hiện kỹ. An toàn cho người dân sẽ được bảo đảm an toàn tối đa. Nếu có dấu hiệu loại muỗi mới gây bệnh sẽ được xử lý. Tuy nhiên, người dân thấy có gì bất thường phải báo ngay". Ông Lê Hữu Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, đến đầu tháng 11, tiến độ dự án diễn ra tốt đẹp. Chúng ta có quyền hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, không chỉ Khánh Hòa mà nhiều địa phương khác sẽ được thay thế quần thể muỗi tự nhiên, đặc biệt là các loại muỗi gây bệnh giúp ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh sốt xuất huyết trên diện rộng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm trung bình cả nước có 50 nghìn người bị sốt xuất huyết, trong đó có khoảng 50 người chết. Trung bình, cứ 5 năm, dịch sốt xuất huyết lại bùng phát một lần. Trên thế giới hiện chỉ có một nước duy nhất triển khai tái tạo thành công loại muỗi chống sốt xuất huyết là Ô-xtrây-li-a.
"Muỗi mới chích thoải mái, nhưng không nổi mẩn. Không còn thấy nhiều muỗi vằn như trước. Sau nhiều ngày bị muỗi mới đốt, chúng tôi đi kiểm tra sức khỏe thì hoàn toàn không việc gì".
Bà Nguyễn Thị Hòa, một trong những người nuôi ấu trùng muỗi Wolbachia đầu tiên tại đảo.
(Theo Nhân Dân)