- Đã 3 năm, chạy mệt bở hơi tai theo những công văn lòng vòng của Bộ Tài chính, giám đốc công ty Hoàng Trà vẫn nhất mực đòi 19 tỷ đồng tiền hoàn thuế. Hàng trăm công ty khác cũng đang ấm ức khi bỗng bị truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế.

Héo mòn đòi hoàn thuế

Đó là tình trạng “dở khóc dở cười” mà ông Nguyễn Cảnh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Trà - một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe ô tô tải tự đổ có trụ sở ở Hà Nội gặp phải.

“3 năm liền tôi kiến nghị liên tục, vẫn không được giải quyết cùng vấn đề cũ. Chúng tôi gửi công văn kiến nghị lên Bộ Tài chính thì không được giải quyết, gửi lên Chính phủ thì Chính phủ trả về Bộ Tài chính, hỏi lại Bộ Tài chính thì Bộ bảo trước đã trả lời rồi”, ông Nguyễn Cảnh Tuấn ngao ngán kể.

Vụ việc của ông Tuấn bắt đầu từ năm 2010. Ông Tuấn cho hay, giai đoạn năm 2006-2010, mặt hàng ô tô tải tự đổ đã bị áp mã thuế tùy tiện, lúc thì 10%, lúc thì 20%.

Để xóa bỏ sự bất hợp lý này, đối với những xe đã nộp thuế khác nhau giai đoạn từ năm 2007 trở về trước, Bộ Tài chính không truy thu, truy hoàn thuế. Lý do là bởi doanh nghiệp đã bán hết xe, đã quyết toán thuế và người mua xe cũng đã đưa xe vào sử dụng, đã trích khấu hao tài sản cố định, đưa vào công trình... 

{keywords}
(ảnh minh họa)

Tuy nhiên, từ 1/1/2008 đến 21/12/2009, Bộ Tài chính lại quyết định truy hoàn thuế 10% cho những trường hợp ô tô tải tự đổ đã nộp thuế nhâp khẩu 20%. Nhưng Bộ cũng đưa ra các tiêu chuẩn điều kiện kỹ thuật của xe để được hưởng hoàn thuế.

Còn từ ngày 22/12/2009 đến 25/4/2010, các doanh nghiệp sẽ đều được áp thuế 10% mà không cần phân biệt tiêu chuẩn xe tự đổ.

Không may mắn cho công ty Hoàng Trà, đúng năm 2006-2007, thời gian không được truy hoàn thuế thì công ty lại có nhiều lô hàng nhập khẩu với mức thuế suất cao 20%. Số thuế chênh lệch nếu được hoàn 10% là 19 tỷ đồng.

Còn thời điểm 2008, năm mà các doanh nghiệp được truy hoàn thuế 10% thì công ty lại không được hoàn thuế. Ngược lại, năm 2012, công ty này còn bị truy thu thuế lên tới 8,4 tỷ đồng cho lô hàng linh kiện ô tô giai đoạn năm 2007-2010.

Ông Nguyễn Cảnh Tuấn bức xúc: “Tại sao cách giải quyết của Bộ Tài chính không nhất quán? Bộ giải thích do DN đã bán hết xe nên không cho truy hoàn. Nhưng khi truy hoàn, truy thu thuế thì Bộ lại không quan tâm lý do này. Cách giải quyết như vậy không công bằng giữa các doanh nghiệp. Những DN nộp thuế cao thì bị thiệt còn DN nộp thuế thấp lại được lợi”.

Bỗng dưng mất tiền tỷ vì lỗi “đính chính” văn bản thuế

Thực ra, ông Nguyễn Cảnh Tuấn không phải là khổ chủ duy nhất cho những chính sách truy thu, truy hoàn thuế như vậy. Hàng trăm doanh nghiệp khác cũng đang trong cảnh ngộ tương tự mà đôi khi, cái gốc vấn đề chỉ là việc “đính chính” lại văn bản.

Ví như câu chuyện cách đây không lâu của công ty ô tô Trường Hải. Theo thông tư 157 của Bộ Tài chính ngày 14/11/2011, bộ linh kiện xe bus chở người trên 30 chỗ ngồi sẽ có mức thuế là 5%.

Thế nhưng, đùng một cái, ngày 29/5/2012, Bộ lại ban hành quyết định mới, đính chính lại mức thuế trên phải là 70% và hiệu lực thi hành lại là từ ngày đầu năm 1/1/2012.

Rủi cho công ty Trường Hải, trong 6 tháng đầu năm 2012, công ty lại nhập rất nhiều bộ linh kiện với khai báo thuế 5%. Trong công văn kiến nghị gửi Bộ Tài chính, doanh nghiệp này cho biết, với chênh lệch từ 5% nay phải nộp tăng lên 70%, chắc chắn sẽ gây khó khăn, doanh nghiệp không có nguồn tài chính để nộp.

Và câu chuyện mới nhất, được bà Trần Thị Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cung ứng lao động và Thương mại Hải Phòng, bức xúc “tố” trực tiếp ngay tại cuộc đối thoại về chính sách thuế.

Bà Tâm cho hay, năm 2005, công ty này chuyển từ mô hình công ty nhà nước sang cổ phần do Nhà nước chi phối, 51% vốn do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) làm đại diện. Đến năm 2010, Nhà nước đã thoái toàn bộ vốn tại công ty.

“Theo hướng dẫn của Cục Thuế Hải Phòng, chúng tôi đã được giảm 50% thuế năm 2007-2008, được miễn thuế thu nhập năm 2005-2006 theo chính sách dành cho DNNN sau cổ phần hóa. Thế nhưng đến năm 2011, doanh nghiệp đã bị truy thu hơn 1 tỷ đồng vì cơ quan thuế cho rằng, giai đoạn từ 2006 đến 2010, công ty không thuộc đối tượng miễn giảm thuế sau cổ phần hóa. Mặc dù vừa qua, chính Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã xác nhận công ty của chúng tôi là đối tượng được miễn giảm thuế”, bà Tâm bức xúc.

Nữ doanh nhân này giãi bày, điều khó nhất là phần lợi nhuận các năm của công ty đã dùng để trả cổ tức, kể cả việc chia cho đại diện Nhà nước là SCIC.

Một doanh nghiệp khác ở tỉnh Bắc Ninh thì bày tỏ, ông đã mua lại một DN làm ăn thua lỗ tới hơn 200 tỷ đồng ở Đồng Nai và mất rất nhiều công sức vốn liếng để hồi sinh công ty này. Đến khi công ty có lãi, ông bán công ty cho một đơn vị khác thì lại bị cục thuế nhảy vào, đòi áp thuế hàng tỷ đồng. “DN thua lỗ gấp 3 lần vốn mà vẫn áp dụng thuế doanh nghiệp là điều quá bất công”, ông nhấn mạnh.

Hàng đã bán, cổ tức đã chia rồi bỗng dưng một ngày, “sao quả tạ rơi trúng đầu”, doanh nghiệp phải nộp thêm hàng tỷ đồng tiền thuế. Khó có thể thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp chịu “oan sai” về thuế hàng năm, thiệt hại vô kể. Năm nào, Bộ Tài chính cũng nghe lại những câu chuyện cũ này khi tổ chức đối thoại với DN. Và hầu hết doanh nghiệp đều nhìn nhận, hướng giải quyết, khắc phục chưa có tiến triển nhiều.

Phạm Huyền