Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực khẳng định, sau khi có ý kiến kết luận của Thủ tướng về kết quả thanh tra EVN, Bộ Công Thương với tư cách cơ quan chủ quản sẽ xử lý nếu EVN có sai sót.

Trả lời vấn đề những sai phạm của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) do Thanh tra Chính phủ vừa nêu thời gian qua, phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, ông Đinh Thế Phúc cho biết, kết luận thanh tra ngày 30/9 gửi Thủ tướng Chính phủ mới là ý kiến ban đầu của cơ quan thanh tra. Theo quy định, sau khi có các ý kiến của các bộ liên quan thì Thủ tướng mới có ý kiến chính thức về kết luận thanh tra.

“EVN là doanh nghiệp Nhà nước nên hoạt động phải theo đúng luật. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng, chắc chắn, Bộ Công thương với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, sẽ xử lý các sai sót nếu có ở EVN”, ông Phúc nói.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, EVN đã sử dụng 355.313m2 đất của 6 dự án điện để xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Trong dự án được duyệt nêu đây là khoản mục “Khu nhà quản lý vận hành và sữa chữa” nhưng thực tế, lại là các nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có nhà trẻ, bể bơi, sân tennis. Tổng giá trị đầu tư là 595 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ đã kết luận, việc EVN và Bộ Công Thương tính khoản này vào hạng mục Khu nhà quản lý vận hành và sữa chữa” , được tính vào tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.

EVN giải trình với báo chí cho biết nguồn vốn đầu tư khu chung cư, nhà công vụ phục vụ vận hành, công trình thể thao được EVN lấy từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng. Khoản này hạch toán riêng không đưa vào giá thành điện. Các đơn vị thực hiện thu tiền thuê nhà và các dịch vụ theo quy định để hoàn vốn đầu tư, không hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Hơn nữa, việc xây dựng các công trình trên là một nhu cầu thiết thực phục vụ trong các dự án điện ở vùng sâu xa.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã tiếp tục bác ý kiến giải trình của EVN. Ông khẳng định, việc xây nhà ở, biệt thự, sân tennis, bể bơi… ở các dự án điện phải được lấy từ nguồn vốn phúc lợi xã hội. Nếu EVN lấy vốn từ nguồn khác, không phải phúc lợi xã hội thì về nguyên tắc, sẽ được tính vào giá thành điện, ảnh hưởng giá bán điện.

Vụ tăng cướng 3G rất phức tạp

Chia sẻ tại cuộc họp báo chiều 4/11, ông Nguyễn Phương Nam, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng, vụ tăng giá dịch vụ 3G có tính chất rất phức tạp, nên không thể một sớm một chiều xác minh xong việc có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không.

Có 3 vấn đề lớn mà dư luận đòi hỏi phải xem xét. Thứ nhất, các doanh nghiệp này có vi phạm luật cạnh tranh ra sao? Phải chăng, các DN cùng ngành nghề, cùng kinh doanh một dịch vụ hàng hóa có cấu kết với nhau để thỏa thuận tăng giá không? Thứ ba là các DN có lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường để lũng đoạn giá hay không?

Ông Nam cho hay, ngày 14/10/2013, trước khi giá cước 3G tăng, Cục Quản lý cạnh tranh đã yêu cầu 3 doanh nghiệp này báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin. Theo giải trình của doanh nghiệp, tăng giá cước là theo sát thị trường.

Tuy nhiên, đây là vụ việc vô cùng phức tạp, liên quan đến kỹ thuật. Hiện, Cục đang tiến hành thương lượng, phối hợp với Cục Viễn thông, bộ Thông tin truyền thông xác minh các dữ liệu để báo cáo chính thức tới lãnh đạo Bộ. Việc xử lý sẽ phải theo quy trình. Hiện nay, cả 3 doanh nghiệp này chiếm tới 97% thị phần.Vì tính chất phức tạp, không thể một sớm một chiều mà có kết quả xác minh ngay được”, ông Nam nói.

Phạm Huyền