Thị trường đang bày bán loại son môi dành cho trẻ em, rửa nhiều lần không trôi màu, nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng nhiều phụ huynh vẫn thản nhiên mua về cho con sử dụng.

Son cho bé từ... hai tháng tuổi (?)

Chị H., ngụ khu vực chợ Xóm Củi, Q.8, TP.HCM được một người bán ở chợ này giới thiệu nhiều mẫu son nhỏ, đẹp mắt, gọi là son dành cho trẻ em. “Son này của Thái Lan, thỉnh thoảng có người qua đó mua về bán, còn chủ yếu là hàng lấy tại khu Chợ Lớn”, người bán nói. Chị H kể: khi thoa thử son lên tay, chị cảm thấy da hơi nóng, khó chịu; đặc biệt chị rửa tay nhiều lần với xà phòng nhưng lớp son không phai màu.

Một số chợ khác như Xóm Chiếu (Q.4), Thái Bình (Q.1)... cũng có khá nhiều quầy mỹ phẩm bày bán loại son môi trẻ em với đủ tông màu và sắc độ đậm nhạt (đỏ, cam, hồng... ), đủ kiểu dáng (hình quả táo, quả vải, cây nấm, quả mận…). Son dạng nước thì đựng trong chai nhựa với dung tích khoảng 5-10ml. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước son pha sệt như xi rô và có mùi rất lạ, khi thoa thử lên tay ít phút là màu son khô lại và tạo cảm giác nóng ran. Son sáp thì màu nhạt hơn. Người bán hàng nào cũng giới thiệu son này đang bán rất chạy vì kiểu dáng đẹp, màu sắc đa dạng và giá mềm (chỉ 25.000-55.000 đồng/cây). Quan trọng hơn là màu son không bị mất sau khi ăn uống.

{keywords}

Trẻ em tuyệt đối không dùng son môi hay son dưỡng

Trên những thỏi son có ghi một vài chữ Thái, ngoài ra không có bất cứ thông tin nào khác. Lạ một điều, theo dõi thái độ của người lớn khi mua son cho trẻ, chúng tôi nhận thấy dù thử trên tay họ cũng có cảm giác nóng, thậm chí còn nghe mùi son nồng nồng, ngai ngái, nhưng vẫn cứ mua. Có người còn mua nhiều loại son vì mẫu đẹp và cũng để cho con dễ pha màu khi thoa lên môi.

Nhiều cửa hàng chuyên dành cho mẹ và bé, các trang bán hàng online, diễn đàn của các bà mẹ... cũng quảng cáo rầm rộ các loại son môi, son dưỡng môi dành cho bé, “hàng xách tay từ Đức, Nhật Bản được làm từ thiên nhiên”, giá từ 135.000-150.000 đồng/sản phẩm.

Nhân viên một cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5) cho biết: “Son môi cho bé bán rất chạy, hiện đã hết hàng, em đang đặt người ta xách về”. Nhân viên tại cửa hàng trên đường Võ Văn Tần (Q.3) giới thiệu thêm loại son dưỡng môi dạng sáp, có xuất xứ từ Đức, giá 150.000 ồngđ/sản phẩm và hướng dẫn: “Loại này có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên nên rất an toàn cho bé từ... hai tháng tuổi (?). Không chỉ dưỡng môi mà da mặt bé bị khô vẫn có thể sử dụng”. Đa số các nơi bán đều giới thiệu, đó là son nhập nên rất an toàn cho bé(!?), cứ thấy môi, da bé bị khô thì dùng.

Màu bám càng lâu, độc tính càng mạnh

PGS-TS Trương Phương, bộ môn Hóa-dược, ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định: son môi màu rực rỡ bất thường và lâu phai như vậy chắc chắn có chứa những chất hóa học giúp bám, ngấm màu lâu trên da. Có rất nhiều chất hóa học có tính năng này nên không rõ họ đã dùng chất gì. Tuy nhiên, chắc chắn là chất nào cũng gây độc cho cơ thể, màu bám càng lâu, độc tính càng mạnh và ảnh hưởng càng lâu đối với cơ thể.

“Vì son có thể được nuốt vào khi người dùng liếm môi, ăn uống nên không chỉ gây độc, dị ứng cho làn môi mà còn tác động gây rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt đối với cơ thể của trẻ thì càng không thể lường trước được những tác hại”, PGS-TS Phương lo ngại.

BS Nguyễn Trọng Hào, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận những ca dị ứng ở trẻ em với triệu chứng sưng vù, ngứa rát, tạo thành bóng nước, mụn mủ do dùng son môi. Ngoài việc phải ngưng sử dụng, trẻ còn mất khoảng một-hai tuần để điều trị.

TS-BS Lê Ngọc Diệp, ĐH Y Dược TP.HCM lưu ý: trẻ em tuyệt đối không dùng son môi hay son dưỡng. Nếu môi trẻ quá khô hoặc nứt thì có thể tăng cường uống nước hoặc dùng vaselin được bán trong các nhà thuốc, vừa rẻ vừa an toàn.

Trao đổi với phóng viên, chiều 31/10, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: Chi cục và các đội trực thuộc đều có kế hoạch kiểm tra từng ngành hàng về hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. “Thông tin son môi dành cho trẻ là thông tin mới. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng lấy mẩu kiểm nghiệm, tùy vào mức độ, tính chất để có biện pháp xử lý”, ông Kiếm nói.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)