Trào lưu chơi bùa cầu những giấc mơ tốt lành gần đây giúp nhiều người ăn nên làm ra nhờ kinh doanh phụ kiện hoặc bán thành phẩm dreamcatcher.
Dreamcatcher không còn mới lạ với nhiều người song gần đây nổi lên như một trào lưu sau khi tái xuất hiện trong một bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng. Sản phẩm này hiện khá hút khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Với vẻ ngoài bí ẩn, hoang dại pha chút mộng mơ, những chiếc dreamcatcher trông rất bắt mắt. Việc tự làm một chiếc vòng đuổi bắt giấc mơ không quá phức tạp nên nghề kinh doanh phụ kiện được dịp đắt hàng vì nhiều bạn trẻ mua về tự xâu.
Hương, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết nguyên liệu làm dreamcatcher rất đơn giản, gồm vòng inox, dây da lộn và dây cói nhiều màu, các loại hạt gỗ màu và lông vũ sặc sỡ. Chúng được bán nhiều tại các shop chuyên bán đồ handmade hoặc phụ kiện xâu vòng, quần áo...
Phụ kiện để làm những chiếc dreamcatcher đơn giản, có giá rẻ nhưng nhiều chủ kinh doanh lãi lớn nhờ số lượng khách mua đông. |
Mặc dù có giá khá rẻ, chỉ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng cho tất cả nguyên liệu để làm một chiếc dreamcatcher nhưng nhiều chủ shop phụ kiện vẫn thu lãi lớn nhờ số lượng khách đông. Trong đó, vòng inox có giá từ 1.000 đồng đến 12.000 đồng, tùy theo kích cỡ bán kính 2-15cm. Dây da lộn nhiều màu dùng để quấn vòng ngoài có giá 5.000 – 6.000 đồng/m, dây cói với giá 3.000 đồng/2 mét. Sợi cotton nhiều màu dùng để tết bên trong có giá 3.000 đồng/5 mét. Các loại hạt gỗ màu trung bình 5.000 đồng/gói. Lông vũ nhiều màu sắc 5.000 đồng/túi…
“Toàn đồ giá bạc cắc nhưng nhiều người mua, mỗi người lại mua vài túi để về làm cho mình, tặng bạn bè, thậm chí tết vòng bán nữa nên hàng bán ra được nhiều. Từ ngày kinh doanh mấy thứ này, mỗi ngày lãi hơn trước chừng 120.000 - 150.000 đồng”, chủ shop phụ kiện trên đường Xã Đàn tiết lộ.
Dremcatcher có nguồn gốc từ người Ojibwa - một bộ tộc người da đỏ ở Bắc Mỹ. Bộ tộc này quan niệm rằng màn đêm đem lại cho con người những giấc mơ đẹp và cả những giấc mơ xấu. Người Ojibwa đã tạo nên những chiếc dreamcatcher với niềm tin rằng những chiếc vòng tròn có lưới ở trong sẽ lọc những giấc mơ xấu, chỉ để những giấc mơ ngọt ngào lọt qua.
Nhiều người tự xâu dreamcatcher để kinh doanh cũng lãi tiền triệu mỗi tháng. |
Hiện nay, các sản phẩm dreamcatcher chủ yếu được bán online, thông qua các diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ đam mê đồ handmade cũng tự tìm hiểu rồi làm ở nhà. Trên thị trường, giá những chiếc dreamcatcher thành phẩm rất đa dạng, từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng, tương ứng với kích cỡ vòng từ 2,5cm đến 13cm. Nếu có nhiều vòng tròn hoặc phụ kiện, giá dreamcatcher đắt thêm 10.000 - 30.000 đồng mỗi chiếc. Một số chiếc dreamcatcher cầu kỳ và sặc sỡ còn có giá hơn 200.000 đồng. Bên cạnh đó, dreamcatcher cũng được dùng để làm đồ trang sức, vòng cổ, vòng tay, lắc chân, móc chìa khóa,…với giá khoảng 30.000 đồng/chiếc.
Chị Thu Hiền ở Thanh Xuân, Hà Nội là dân văn phòng nhưng vì tính chất công việc khá nhàn nên chị tranh thủ làm thêm dreamcatcher, bán online để tăng thu nhập. Chị cho biết, gần đây, mặt hàng này rất “hút” khách. Người mua chủ yếu là giới trẻ, dùng cho mình hoặc làm quà tặng ý nghĩa, Có những ngày chị bán được gần 30 chiếc đủ loại lớn nhỏ, khách đặt riêng theo mẫu cũng rất nhiều. Một tháng nếu làm đều đặn, chị có thể lãi hơn 5 triệu đồng. “Lãi chủ yếu là tiền công, mất nhiều thời gian còn nguyên liệu thì không đáng kể”, chị nói.
Song theo chị, việc làm dreamcatcher nói riêng cũng như nhiều sản phẩm handmade nói chung thường theo trào lưu, chỉ nở rộ một thời gian rồi sẽ dần lắng xuống, nên việc thường xuyên đổi mới mẫu mã để giữ khách rất quan trọng. Gần đây, chị còn đính thêm đồng xu có hình các cung hoàng đạo vào sản phẩm, thay đổi nhiều kiểu dáng như đổi hình tròn thành hình trái tim… để thu hút khách. “Tranh thủ đang có trào lưu thì mình làm để bán, được lúc nào hay lúc đó chứ cũng xác định khoản thu nhập này chỉ là ngắn hạn”, chị tâm sự.
(Theo Tri thức)