Không ký kết hợp đồng mua, nhưng lại bị liên tục mời lên trụ sở để đốc thúc trả nợ, thậm chí truy lùng ráo riết qua người thân khiến “khổ chủ” phát hoảng...
Tình cảnh “dở khóc, dở cười” này kéo dài hơn nửa năm qua khiến cuộc sống của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (ngụ số 1 đường Trần Thánh Tông, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) bị đảo lộn. Chị Nhung cho biết: Ngày 24.5.2013, tôi nhận được thông báo đầu tiên của Công ty tài chính PPF yêu cầu thanh toán 1.275.000 đồng tiền mua trả góp điện thoại di động theo hợp đồng đã ký. Thông báo còn kèm theo lời nhắn phải nộp trước ngày 4.6, nếu không sẽ chịu tiền phạt. Tưởng đó là sự nhầm lẫn nên chị không quan tâm.
Thế nhưng, sau đó chị Nhung liên tục nhận điện thoại của nhân viên PPF thúc giục đóng tiền. Chị Nhung khẳng định là không hề ký kết hợp đồng mua bán gì với PPF nhưng đều bị thẳng thừng từ chối rồi... cúp máy.
Để tìm hiểu vụ việc, chị Nhung đến văn phòng Công ty PPF trên đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM). Tại đây, chị lại được hướng dẫn đến trụ sở công ty ở số 473 Điện Biên Phủ, P.25 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là nơi sẽ trực tiếp giải quyết khiếu nại. Khi tới nơi, chị Nhung được bảo vệ cho số nội bộ của công ty để gọi điện trình bày mà không cho lên gặp mặt trực tiếp. Nhân viên này hứa sẽ kiểm tra và thông báo lại chị sau.
Có thể yêu cầu bồi thường Nếu giữa chị Nhung và Công ty PPF không ký kết hợp đồng mua bán điện thoại mà do của lỗi hệ thống mạng, khiến nhân viên công ty liên tục gọi điện, nhắn tin đốc thúc, nhắc nhở nợ, thậm chí còn có thái độ thiếu văn hóa với chị là hoàn toàn sai. Ngoài ra, việc đòi nợ này nhân viên còn thông qua cả người nhà “nạn nhân” để gây áp lực, gây mất uy tín danh dự của chị là điều không thể chấp nhận được. Chị Nhung phải lưu lại toàn bộ tin nhắn truy bức nợ, số lần phải bỏ công việc đi lại và những thiệt hại về vật chất và tinh thần để ra tòa yêu cầu được đền bù thiệt hại.
Luật sư Trần Quốc Liêm (Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) |
Sau đó, chị Nhung nhận được cuộc gọi từ công ty giải thích: Năm 2011, chị có đăng ký mua trả góp điện thoại di động của PPF và đã thanh toán xong. Tuy nhiên, do “sự cố hệ thống” bị lỗi nên nhầm lẫn. Nhân viên này còn khẳng định là chị Nhung không còn ràng buộc hợp đồng mua bán nào với PPF, đồng thời cam kết sẽ không làm phiền chị nữa.
“Dai như đỉa”
Tuy nhiên, suốt 5 tháng qua, cứ đến ngày 24, 25 hằng tháng chị Nhung lại liên tục nhận được tin nhắn của PPF yêu cầu phải đến thanh toán tiền mua điện thoại. Căng thẳng đến mức nhân viên công ty còn gọi điện dùng những lời lẽ xúc phạm nặng nề, thậm chí văng tục hoặc cúp máy giữa chừng khi chị đang thanh minh không hề mua hàng. Nghiêm trọng hơn, nhân viên PPF còn thông qua số điện thoại của bạn bè của chị để bêu riếu việc thiếu nợ, gây mất uy tín và xúc phạm đến danh dự.
Chiều 13.11, PV đã nhiều lần liên lạc với số điện thoại gọi nhắc nợ do chị Nhung cung cấp, nhưng nhân viên tổng đài từ chối trả lời báo chí. Sáng 14.11, đứng ngay tại hành lang của công ty, bà Nguyễn Thị Mai Hương (Phòng Dịch vụ khách hàng PPF) cho biết nguyên nhân của tình trạng đòi nợ thường xuyên chị Nhung là do lỗi của hệ thống máy tính. Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề tại sao cách đây hơn 6 tháng, khi công ty đã phát hiện ra tình trạng lỗi hệ thống, vẫn không được khắc phục thì bà Hương xin ghi nhận và có văn bản trả lời sau.
Quá mệt mỏi, chị Nhung bức xúc: “Lúc nào công ty cũng đổ lỗi do hệ thống mà không có biện pháp khắc phục khiến cho tôi phải khổ sở và khủng hoảng tinh thần hơn nửa năm trời. Nếu lãnh đạo PPF không có cách giải thích thỏa đáng, tôi sẽ nhờ các cơ quan pháp luật để bảo vệ danh dự...”.
(Theo Thanh Niên)