Các nhà bán lẻ đang lo ngay ngáy khi mà cả khách hàng, nhân viên, nhà cung ứng và các tổ chức tội phạm đều tìm cơ hội “thó” hàng hóa của họ. Theo báo cáo Global Retail Theft Barometer 2012-2013, hoạt động trộm cắp hàng bán lẻ đã gây ra tổn thất khủng 112 tỷ USD trên toàn thế giới chỉ trong năm ngoái.

Tình trạng trộm cắp đang gia tăng tại hầu hết các quốc gia và xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích các nhà bán lẻ. Theo nghiên cứu của công ty an ninh bán lẻ Checkpoint Systems và tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, tiến độ phục hồi kinh tế quá ì ạch, trong khi tội phạm có tổ chức lại có xu hướng “chuyên môn hóa cao” đang là những nguyên nhân khiến vấn nạn này trở nên trầm trọng.

“Trong bối cảnh ngày càng nhiều người phải vật lộn với nỗi lo tài chính, tình trạng trộm cắp hàng hóa tăng đột biến”, theo báo cáo. Đối tượng trộm cắp chiếm tỷ lệ cao nhất tại các quốc gia khảo sát là khách hàng, tiếp đến là nhân viên.

Các tổ chức nghiên cứu tiến hành khảo sát 157 công ty bán lẻ tại 16 quốc gia trên thế giới với 160.000 cửa hàng. Các công ty này tạo ra 1,5 ngàn tỷ USD doanh thu năm 2012.

{keywords}

Hoạt động trộm cắp hàng bán lẻ lập kỷ lục tại Brazil và Mexico khi giá trị hàng hóa mất mát chiếm đến 1,6% tổng giá trị doanh thu. Theo sau là Mỹ và Trung Quốc với con số 1,5%. Thấp nhất là Nhật Bản và Úc với mức 1 và 1,1%.

Thường thì những sản phẩm bị mất cắp nhiều nhất có kích thước nhỏ, dễ lấy và giấu giếm, có giá trị tương đối lớn và dễ bán lại. Chúng bao gồm phụ kiện thời trang, đồ Jeans, giày dép, bít tất, đồ lót hay những hàng công nghệ đắt tiền như sản phẩm Apple, thiết bị và phụ kiện di động, điện tử thậm chí là thuốc men, sữa.

Trộm cắp đang là một vấn nạn đáng lo ngại cho các tập đoàn bán lẻ trên toàn thế giới với sự tham gia của những đối tượng “trong nhà” là nhân viên, Katharina Kunze, cố vấn tại Euromonitor cho biết.

Trước tình hình đó, nhiều chương trình chống thất thoát hàng hóa đã được các nhà bán lẻ thực hiện. Họ đầu tư nhiều tiền bạc và công sức vào những giải pháp “chống trộm” hiệu quả bằng việc hợp tác với các công ty công nghệ hoặc chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý hàng hóa.

HungNinh (Theo Cnbc)