Đa số người nội trợ vì mải lo đối phó với thực phẩm bẩn mà quên rằng các dụng cụ dùng để nấu nướng như nồi, niêu, xoong, chảo... cũng là những “sát thủ” lạnh lùng đang chễm chệ trên bếp nhà.
Miễn rẻ, đẹp là được?
Bà Trần Thị Mai ở quận 6, TP.HCM lôi ra cái chảo nhôm sáng bóng khoe với hàng xóm: “Thấy rẻ quá nên mua, vô cửa hàng hay siêu thị mua làm sao mua được giá này”. Cái chảo có đường kính 18cm, giá chỉ 20.000 đồng, không có tem hay thương hiệu. Trong khi đó, các loại chảo có thương hiệu cùng kích cỡ giá từ 80.000-145.000 đồng/cái. Không chỉ có chảo, tại các khu chợ còn bán các loại đồ bằng nhôm khác như thau, nồi, xửng hấp... giá chỉ từ 10.000 đồng/cái. Ngoài ra, còn có các loại chảo chống dính với giá chỉ từ 30.000 đồng/cái.
Khi các bà nội trợ đang cố gắng thắt chặt chi tiêu trong thời buổi khó khăn, thì chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm bằng nhôm giá rẻ bày bán trên thị trường càng ít được quan tâm. Một số bà nội trợ sau khi mua nồi, chảo nhôm mới còn truyền miệng nhau cách xào dầu ăn với hẹ để... khử độc.
Tác hại của nhiễm kim loại
Vừa qua, phòng khám đa khoa quốc tế Bác Ái đã tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm độc chì không rõ nguyên nhân. TS.BS Ciro Gargiulo, làm việc tại phòng khám này cho biết, nhiễm kim loại ngoài thông qua các loại thuốc, qua môi trường, còn có thể qua dụng cụ chế biến thức ăn. Chì có thể đến từ nhôm tái chế, gây tác động nguy hại nếu cơ chế đào thải thông thường của cơ thể bị suy giảm. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng nếu tiếp xúc với chì vì có tỷ lệ tiêu hoá hấp thụ nhiều lần hơn so với người lớn và bộ não chưa phát triển hoàn toàn. Trường hợp bị nghi ngờ nhiễm độc kim loại nặng, cần phải đến bệnh viện để được điều trị (hiện Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị bệnh này). Kể từ khi nhận dạng và loại bỏ các nguồn gây phơi nhiễm thường xuyên, phương pháp điều trị duy nhất là bệnh nhân phải trải qua một khoảng thời gian thực hiện chế độ ăn uống, làm việc và giải trí một cách nghiêm túc.
Về cách sử dụng dầu ăn xào với hẹ để khử độc cho nồi, chảo bằng nhôm, TS.BS Ciro Gargiulo khẳng định: “Phương pháp này là phản khoa học”. Còn giảng viên Đỗ Thị Kim Quyên, bộ môn chế biến món ăn đại học Hoa Sen cho biết, bà chưa nghe qua chuyện dầu ăn xào với hẹ để khử độc nồi, chảo nhôm, mà chỉ có thể đun nóng một ít dầu ăn để khử mùi trước khi dùng nồi, chảo mới.
Chọn công nghệ, xài kỹ lưỡng
Về phía nhà sản xuất, bộ phận quản lý sản phẩm đồ bếp một công ty sản xuất bếp tại Việt Nam cho biết, hợp kim nhôm là nguyên liệu cơ bản để chế tạo dụng cụ nhà bếp. Ở Việt Nam hiện tại các sản phẩm được làm từ nhôm gồm có nhôm nguyên chất, nhôm đã qua xử lý (ôxy hoá mềm, ôxy hoá cứng), sản phẩm chống dính. Nhôm đã qua xử lý là nhôm thông qua công nghệ xử lý bề mặt hình thành lớp bảo vệ giúp thực phẩm tránh tiếp xúc trực tiếp với nhôm. Công nghệ ôxy hoá cứng hình thành nên lớp bảo vệ (có màu đen) có độ cứng cao hơn nhiều so với công nghệ ôxy hoá mềm (màu xám trắng), thậm chí còn cứng hơn inox, vì vậy có độ bền cao. Sản phẩm nồi chống dính đã được phủ một lớp chống dính trên bề mặt, người tiêu dùng khi chọn mua nên lưu ý chất này của sản phẩm có an toàn hay không.
Bất luận là nhôm cao cấp hay thấp cấp, nếu trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, đều không an toàn cho sức khoẻ. Khi chọn nồi, chảo nhôm cần chọn sản phẩm sử dụng công nghệ ôxy hoá mềm hoặc ôxy hoá cứng, tránh cho thực phẩm trực tiếp tiếp xúc với nhôm, an toàn hơn. Mua chảo chiên xào, càng nên chọn sản phẩm sử dụng công nghệ ôxy hoá cứng. Còn sản phẩm rẻ tiền làm từ nhôm tái chế thì dễ nhiễm tạp chất, đặc biệt là chì, cực kỳ nguy hiểm nếu vượt hàm lượng cho phép (xem box).
Bộ phận quản lý sản phẩm đồ bếp công ty này tư vấn thêm, đối với nhôm đã qua xử lý, khi bề mặt sản phẩm đã bị đen và lộ lớp nhôm ra ngoài có nghĩa bề mặt xử lý đã hỏng, nên đổi đồ mới. Đối với sản phẩm chống dính, khi lớp chống dính trên bề mặt bị tróc ra, cũng nên đổi nồi, chảo mới. Còn với sản phẩm nhôm thông thường, cần rửa sạch và lau khô bên trong và bên ngoài sau khi dùng. Đối với sản phẩm chống dính, hạn chế sử dụng sạn bằng sắt hoặc miếng cước để rửa, vì nếu làm tróc lớp chống dính dễ tạo cơ hội cho thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với nhôm. Khi vừa nấu xong, không dùng nước lạnh để rửa ngay.
Theo quyết định 46/2001 của bộ Y tế, hàm lượng chì cho phép trong sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg. Theo bảng kiểm tra giới hạn kim loại nặng trong dụng cụ chứa đựng, bảo quản và nấu ăn của bộ Y tế, chì là nguyên nhân làm loãng máu, da xanh, huỷ hoại hồng cầu. Ở mức độ nhiều hơn chúng sẽ tích vào trong gan, thận gây ung thư, giảm chức năng gan và nặng nữa thì gây ngộ độc cấp tính, dị hình xương, suy thoái não... |
(Theo SGTT)