- Được trồng khá nhiều ở các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thường Tín... (Hà Nội) bỗng nhiên cam Canh chín bất thường khiến người dân phải chặt bỏ hàng loạt để trồng phật thủ, bưởi hay ổi.
Chín bất thường, rụng la liệt
Hà Nội hiện có 16.000 ha trồng cây ăn quả, trong đó có khoảng 850 ha trồng cam Canh. Tuy chưa đến mùa thu hoạch nhưng cả vườn cam chín đồng loạt, ăn không ngọt, không thơm nên người dân chẳng buồn hái, quả rụng la liệt đầy vườn. Đây là hiện tượng cam chín trước mùa, người dân thường gọi là “cam bung”.
Theo những người dân trồng cam, nếu một tháng nữa cam chín thì họ sẽ thắng lớn. Song, cam chín bất thường nên người trồng chỉ thu hoạch sớm những quả chưa rụng và bán với giá rẻ 30.000 đồng/kg, thấp một nửa so với giá xuất tại vườn năm ngoái. Trong khi đó, mọi năm, nếu được mùa người trồng cam có thể lãi hơn 700 triệu đồng mỗi mẫu đất.
Vườn cam sai trĩu nhưng quả đã chín vàng và đang rụng dần |
“Mấy năm gần đây mất mùa, lỗ nặng quá, chúng tôi buộc phải chặt cam còn đất thì bỏ hoang”, anh Kiên - một người dân xã Tiên Yên (Hoài Đức) - đã chặt hết cam rồi trồng phật thủ, cho biết.
Chỉ tay về phần đất bị bỏ hoang rộng cả mẫu, cỏ mọc um tùm chỉ có mấy con trâu đang gặm cỏ, anh Kiên kể rằng vì đã đấu thầu và thuê đất ruộng với tiền công là 2 tạ thóc/sào, nếu để hoang thì nguy cơ vỡ nợ nên anh cố gắng cải tạo đất.
Anh đã từng vay vốn trồng lại cam, nhưng cam vốn ưa trồng trên đất mới chưa trồng cam bao giờ và phải ba năm sau mới cho quả nên anh bỏ hẳn, chuyển sang trồng phật thủ và bưởi.
Anh Nguyễn Tài Hộ đau lòng vì cam chín thối, rụng nhiều |
Phật thủ lên ngôi
Trong khi cam Canh bị chặt xuống bó thành đống, xếp hàng dài thì phật thủ lại mọc xanh vườn, cho quả quanh năm, giá tốt.
Với những quả phật thủ to, đẹp, lái buôn đến tại vườn trả 4 triệu đồng/trái. Những quả nhỏ, mã xấu, họ vẫn mua theo cân để thái nhỏ ra làm thuốc chữa bệnh như ho hen, đau dạ dày, cảm hàn...
Trên một khu vườn trồng cam khác, ông Nguyễn Tài Hộ với nét mặt đầy lo âu - nói: “Vườn rộng một mẫu tư, trồng toàn cam, nhưng năm kia đã chặt đi một nửa trồng phật thủ. Năm nay, mưa nhiều nên cam bung hết cả, chúng tôi chỉ thu được 300 triệu đồng tiền lời, giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Có khi nốt vụ cam này tôi trồng nốt phật thủ trên diện tích còn lại”.
Vườn phật thủ con được trồng thay thế, 1 năm nữa sẽ được thu hoạch. Trong ảnh là những trái phật thủ to, đẹp đang cho thu hoạch tiền triệu. |
Gia đình anh Mừng gần đó cũng đã chặt toàn bộ vườn cam, thay vào đó là vườn phật thủ non đang lên, chừng một năm nữa là cho quả. Anh Mừng cho biết cứ nhìn cam đồng loạt chín từ núm chín xuống, rồi rụng mà xót xa. Bao nhiêu công sức vốn liếng đổ cả vào vườn cam giờ phải nhìn cam thối, bỏ đi hết.
Trả lời báo giới, bà Đăng Thị Thu Thủy, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức (Hà Nội), cho hay, với các triệu chứng như lá cam nhỏ dần và bị vàng, có gân xanh, quả chín từ núm chín xuống thì rất có thể cam đã bị bệnh Greening (một loại bệnh phổ biến trên cây cam), do vi khuẩn và môi giới truyền bệnh là con rầy chổng cánh gây nên. Hiện chưa có biện pháp cũng như loại thuốc trừ sâu nào chữa được loại bệnh trên.
Đây là hệ quả của việc nhà nhà, người người trồng cam Canh theo phong trào. Nay thì vườn cam đang dần bị thay thế bằng vườn phật thủ. Chỉ lo, nếu phật thủ mất giá thì người dân sẽ ra sao hay họ lại phải chặt bỏ để trồng cây khác?
Thu Nga