-Cách đây không lâu Công ty CP Vinamit đã thắng kiện tại Trung Quốc và giành lại thương hiệu “Đức Thành” đã đăng ký tại thị trường này nhưng bị một cá nhân người Hoa chiếm đoạt.
Đó chỉ là một trong số ít các vụ thắng kiện của hàng chục thương hiệu Việt bị đánh cắp ở nước ngoài. Có thể nói, chưa bao giờ, chuyện thương hiệu được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều như thời điểm hiện nay.
Thương hiệu - quen mặt đắt hàng
Một nghiên cứu của trường đại học nổi tiếng: Harvard Business School về thương hiệu mới được công bố cho thấy: 72% khách hàng nói họ chấp nhận trả 20% cao hơn so với thương hiệu khác khi họ chọn mua thương hiệu mà họ yêu thích. 50% khách hàng chấp nhận trả 25% cao hơn và 40% khách hàng chịu trả đến 30% cao hơn. Điều này cũng phù hợp với câu nói mà người VN từ xưa đã từng tổng kết: “quen mặt- đắt hàng”.
Ở VN hiện nay, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng đã được khẳng định về uy tín, chất lượng như gạch ốp lát của Đồng Tâm, bánh kẹo Kinh Đô, Bia Sài Gòn, sữa Vinamilk, nước mắm Phú Quốc... không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Với thế giới, những tên tuổi như Microsoft, IBM, BMW, Coca Cola, Shell …là những ví dụ điển hình về thương hiệu doanh nghiệp, Louis Vuiton, GUCCI, Dove, Tide… là những ví dụ điển hình về thương hiệu sản phẩm.
Theo thống kê từ Vietnam Report về Bảng xếp hạng V1000- 1000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam, so sánh cơ cấu nộp thuế, rõ ràng đang có sự cân đối giữa khối DN tư nhân và DN nước ngoài khi khoảng cách về tỷ lệ số thuế giữa 2 năm của 2 khối này đang được rút ngắn lại. Đứng dưới góc độ doanh thu nộp thuế, có thể thấy phần nào thực trạng của cạnh tranh giữa các DN nội- ngoại hiện nay tại Việt Nam.
Cơ cấu thuế TNDN theo loại hình doanh nghiệp của BXH V1000. (Nguồn: Vietnam Report) |
Trên thị trường Việt Nam, ở đâu sự cạnh tranh thương hiệu được biểu hiện rõ nhất? Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 đánh dấu sự xuất hiện các siêu thị đầu tiên tại Việt Nam- nơi được coi như điểm tập kết của rất nhiều thương hiệu tiêu dùng trong và ngoài nước, và là nơi có thể thấy rõ nhất sự cạnh tranh khốc liệt trong “thế giới thương hiệu” thông qua sự lựa chọn của người tiêu dùng. Ngược lại, sự đa dạng và phong phú các thương hiệu đã đưa những cái tên như Big C, Fivimart, Co.opmart, Pico… trở thành điểm đến đáng tin cậy của dân Việt.
Thương hiệu là nguồn củng cố khả năng cạnh tranh, giúp nâng cao doanh số, lợi nhuận của doanh nghiệp. Giờ đây, những thứ đồ uống sản xuất từ cây cô ca không còn là một bí mật nữa nhưng thương hiệu Coca- Cola thì đã trở thành niềm tin của khách hàng, nhờ đó mà hãng này đã có mặt ở hàng trăm quốc gia trên thế giới chỉ bằng cách nhượng quyền thương hiệu.
Cũng chính vì nguyên lý đó, nên việc xuất khẩu các sản phẩm của chúng ta ra nước ngoài còn gặp muôn vàn khó khăn. Những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như dệt may, giày da của VN xuất khẩu ra nước ngoài đều phải thông qua những đối tác trung gian và thường là phải mang tên tuổi của những hãng khác và chịu bán với giá thấp hơn. Một số mặt hàng nông sản vốn là lợi thế cạnh tranh của VN nhưng do chưa có thương hiệu nên đôi lúc phải núp dưới bóng của hàng Thái Lan. Gạo chúng ta vẫn thường bán với giá thấp hơn khoảng 5% so với gạo Thái. Hạt tiêu của chúng ta vẫn bị lép vế so với sản phẩm cùng loại của Indonesia... chỉ vì chúng ta chưa làm tốt công tác thương hiệu và chứng chỉ xuất xứ hàng hoá.
Khi tham gia vào sân chơi khu vực và toàn cầu, các DN Việt Nam ngày càng ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu và đã kiên trì đầu tư cho tên tuổi sản phẩm của mình. Cá da trơn Catfish, Cafe Trung Nguyên, Nước mắm Phú Quốc... là những sản phẩm đã được người tiêu dùng nước ngoài biết đến và công nhận như những đặc trưng của hàng Việt. Cafe Trung Nguyên là một trong số ít những sản phẩm được nhượng quyền thương mại ở một số nước và đã thu được tiền từ việc nhượng quyền ấy.
Thuế tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước, tính hai mặt của một vấn đề
Trong một thế giới mở và thương mại toàn cầu được chi phối bởi luật chơi của WTO, người tiêu dùng có quyền lựa chọn những thương hiệu mà mình ưa thích. Điều này giải thích vì sao mà ở VN, xứ sở sản xuất cafe lớn thứ 2 trên thế giới mà người Việt vẫn lựa chọn cafe Capuchino, Organo Gold chỉ vì những hương vị đặc trưng của những loại cafe này và công nghệ chế biến ra nó.
Mặc dầu các nhà máy lắp ráp ôtô trong nước thừa công suất, tồn đọng cả ngàn chiếc nhưng người tiêu dùng vẫn thích mua xe nhập khẩu. Người tiêu dùng đã lựa chọn sản phẩm nào ưu việt hơn và họ thừa thông minh để có thể móc ví cho xứng đồng tiền bát gạo. Đó là một nghịch lý. Không phải lúc nào cũng có thể kêu gọi lòng yêu nước của người tiêu dùng.
Quản lý thương hiệu đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp cần quan tâm. |
Tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng đúng. Có trường hợp, với những mặt hàng cùng quy trình sản xuất, cùng chất lượng nhưng chỉ vì tâm lý sính ngoại nên người tiêu dùng đã không chọn hàng nội. Dầu thực vật là một ví dụ. Chúng ta đã có những sản phẩm nổi tiếng, đảm bảo các tiêu chuẩn ngặt nghèo về chất lượng thực phẩm như Tường An, Neptune nhưng vẫn phải đối mặt với những sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ nước ngoài.
Đây cũng chính là lúc mà Nhà nước sử dụng đến công cụ “tự vệ thương mại” bằng cách đánh thuế lên các sản phẩm hàng hóa ngoại nhập để bảo hộ sản xuất trong nước. Bắt đầu từ 7/9/2013, VN chính thức áp dụng thuế tự vệ đối với dầu thực vật nhập khẩu. Mức thuế chống phá giá được áp dụng 5% đối với các sản phẩm dầu nành và dầu cọ tinh luyện nhập khẩu từ các nước Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia...
Nói về việc áp dụng thuế tự vệ thương mại, TS Nguyễn Văn Nam từng ví von khá sinh động: Cũng như một đứa trẻ, khi chưa đủ lớn, bố mẹ cần thiết phải có một số biện pháp bảo hộ nhưng sự bảo hộ chỉ là nhất thời, về lâu dài nó phải tự lớn để ganh đua với người đời. Thuế tự vệ thương mại là một hình thức như thế. Khảo sát một số mặt hàng sản suất trong nước cho thấy, không ít trường hợp việc bảo hộ khiến các doanh nghiệp không tự lớn được. Ngành sản xuất ô tô là một ví dụ như đã nhắc đến ở trên.
Thêm vào đó, trên phương diện người tiêu dùng, việc bảo hộ không được hoan nghênh trong hầu hết các trường hợp. Đánh thuế vào một sản phẩm, bất kể trong hay ngoài nước, đều khiến người tiêu dùng phải chi trả thêm tiền cho sản phẩm đó. Suy cho cùng, người trả tiền cho sản phẩm vẫn là người tiêu dùng và không một nhà nhập khẩu nào lại chịu bán sản phẩm với giá thấp hơn chi phí họ đã bỏ ra. Vậy nên, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nên trông chờ vào việc áp thuế chống bán phá giá như một sự bảo hộ cho mặt hàng của mình.
Phải tự đứng trên đôi chân của chính mình
Như đã nói ở trên, thuế tự vệ thương mại chỉ là một sự bảo hộ bất đắc dĩ. Không phải trường hợp nào sự bảo hộ cũng mang lại kết quả như mong muốn. Muốn có một sức sống lâu dài, bền vững chúng ta phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh công bằng, sòng phẳng. Để có chỗ đứng trên thị trường, cần phải tìm cho mình một lối đi riêng dựa trên lợi thế cạnh tranh sẵn có và những phát kiến được cấp chứng chỉ sáng tạo.
Theo một nghiên cứu của VCCI, hiện có tới 90% hàng Việt vào thị trường thế giới phải qua trung gian, dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài hầu như chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Một ví dụ tiêu biểu, Việt Nam là nước nổi tiếng về cây chè, chè xuất khẩu sang thị trường các nước rất nhiều, tuy nhiên thế giới chẳng ai biết họ đang dùng chè của Việt Nam bởi chúng ta phần lớn đều xuất khẩu sản phẩm thô.
Có hiện tượng này là do không phải DN nào cũng nhận thức đúng đắn về vai trò của thương hiệu và cách xây dựng thương hiệu. Xây dựng thương hiệu cũng là một nghề mà không phải doanh nhân nào cũng có tay nghề cao trong việc này. Phần lớn các DN Việt Nam hiện nay mới chỉ quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước, mà chưa chú ý tới đăng ký ở nước ngoài. Hơn thế là phác thảo cho mình một lộ trình xây dựng thương hiệu theo cách bài bản, chuyên nghiệp. Đó là những bước đi quan trọng dọn đường cho hàng Việt ra với thế giới.
Sáng 29/11/2013, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế - Tổng Cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2013. Buổi Lễ được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự phát triển và giàu mạnh của đất nước. |
Hải Phan