Khi nền kinh tế suy thoái sẽ càng có nhiều các trục trặc phát sinh, từ thị trường cho đến nhà cung cấp và thậm chí là nội bộ doanh nghiệp cũng có những trục trặc.

Vì vậy, việc có tư vấn pháp lý thường xuyên sẽ củng cố hệ thống để tránh các trục trặc trên xảy ra và nếu rủi ro có xảy ra cũng được xử lý một cách đúng trình tự hợp pháp để giảm thiểu tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Am hiểu pháp luật để tự bảo vệ mình


Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Hải Dương cho biết mức độ am hiểu về pháp luật có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của DN bởi việc đầu tiên khi kinh doanh là DN phải nắm rõ luật để tuân thủ, sau đó là DN phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Rồi ông Hà dẫn ví dụ chính công ty của ông đã gặp phải nhiều trường hợp dù công ty đúng luật nhưng khi có người muốn gây khó khăn cản trở DN thì vẫn tố cáo sai sự thật gửi đi khắp nơi làm doanh nghiệp lao đao với các đoàn kiểm tra, phỏng vấn, điều tra, thanh tra, … Thậm chí còn có những bài viết trên báo chí dựa trên các thông tin sai sự thật trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty.

Cũng có trường hợp công ty sơ suất như việc chậm cập nhật chính sách trợ cấp thôi việc làm chi phí lẽ ra rải trong các chu kỳ kinh doanh thì lại bị dồn cục vào thời điểm phát hiện ra phải trả bổ sung cả gốc lẫn lãi vào chu kỳ kinh doanh cuối cùng gây khó khăn cho chu kỳ này.

Lại có DN hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm với mặt hàng chủ lực là các sản phẩm thuốc đặc trị nhập khẩu từ nước ngoài cũng khốn đốn bởi những tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với một loại thuốc do đơn vị sản xuất ở nước ngoài cung ứng tại Việt Nam.

Tuy vẫn đang trong thời gian bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ song đã có những công ty dược đăng ký sản xuất loại thuốc tương tự với tên khác, khiến DN này đứng ngồi không yên.

“Trong trường hợp đó, chúng tôi không thể tự mình giải quyết vấn đề mà phải nhờ đến các luật sư chuyên trách. Trợ giúp pháp lý đặc biệt quan trọng đối với những DN kinh doanh có liên quan đến yếu tố nước ngoài”, vị giám đốc DN dược trên cho hay.

{keywords}

Chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý cho DN

Việc trợ giúp pháp lý cho DN, vì những điều kiện như trên, đang trở thành một nhu cầu thiết yếu cho doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện nay (đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế) được cho là quá phức tạp (nhiều Luật, văn bản dưới luật do nhiều cơ quan cùng ban hành...)

Ông Nguyễn Vũ Hà cho biết bản thân tôi tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội mà còn vất vả để theo kịp các chính sách mới, nhân sự phòng Tổ chức Hành chính cũng có cán bộ tốt nghiệp ĐH Luật mà vẫn cập nhật không hết các chính sách như trên.

Ngoài ra, hiện nay việc tiếp cận thông tin khá dễ dàng trên internet nhưng việc xử lý và cập nhật thông tin rất khó khăn, không phải cứ thông tin gì ra là có thể đọc hết và cập nhật hết được vì DN còn phải tập trung cho chuyên môn kinh doanh của mình nên khó mà dành thời gian để nghiên cứu hết xem cái nào áp dụng với mình, cái nào không áp dụng với mình.

Do đó, dù có cán bộ kiêm nhiệm công tác pháp lý song công ty sứ Hải Dương vẫn quyết định sử dụng dịch vụ pháp lý thường xuyên với Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh để chăm lo cập nhật thường xuyên các chính sách mới áp dụng cho DN mình, xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh, chuẩn hóa các tài liệu trước đây một cách hệ thống theo ngành luật.

Theo ông Hà, kể từ thời điểm sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, hiệu quả đem lại cho công ty của ông khá rõ rệt: các hệ thống chính sách nội bộ trước đây chưa hệ thống hóa chặt chẽ về mặt pháp lý thì nay đã được hệ thống lại, các vướng mắc pháp lý phát sinh được hướng dẫn trình tự thực hiện một cách chặt chẽ, đúng luật và bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty, thêm vào đó, các cán bộ nhân viên liên quan cũng tự tin hơn với những việc đúng đắn mình đã làm và sẽ làm khi mà đơn vị luật đã rà soát kỹ và chuẩn hóa cho mình.

“Như vậy các vấn đề mập mờ đã xảy ra với các hoạt động rất đúng đắn của Công ty cũng khó có thể tung ra các thông tin thất thiệt gây thiệt hại đến uy tín của Công ty được”, ông Hà cho biết.

{keywords}

Trợ giúp pháp lý cho DN: Nhu cầu rất lớn

Vấn đề trợ giúp pháp lý cho các DN (hoạt động ở mọi lĩnh vực) đã được chú ý tại nhiều nước trên thế giới do tầm quan trọng của nó. Còn tại Việt Nam, với khoảng gần 500.000 DN (tính tới thời điểm 1/1/2012 của Tổng cục Thống kê) đang hoạt động (và dự kiến sẽ tăng mức 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020) thì nhu cầu về trợ giúp pháp lý của DN là rất lớn (đặc biệt trong bối cảnh các quy định quản lý thay đổi liên tục, tình trạng cạnh tranh gay gắt trên phạm vi trong nước và toàn cầu).

Hiện nay, các ý kiến đánh giá về thực trạng hiểu biết pháp luật tại các DN đều thống nhất cho rằng trình độ hiểu biết và việc thực thi pháp luật của các DN không đồng đều, ít DN có bộ phận hoặc cán bộ làm công tác pháp chế. Nhiều DN chưa có thói quen sử dụng pháp luật để phòng, chống rủi ro trong kinh doanh. Tình trạng DN vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, chủ yếu do người quản lý DN nhận thức chưa đầy đủ về mặt pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình…

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến của địa phương, DN để nhanh chóng đưa ra Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN vào thực tiễn đáp ứng yêu cầu cụ thể của thực tiễn.

Để tăng cường hỗ trợ pháp lý cho các DN, việc cần làm trước mắt là cần tăng cường các hình thức giải đáp pháp luật, hỗ trợ pháp lý tập thể cho DN; có chế tài để DN thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác chuyên môn; có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị có liên quan, xây dựng và quản trị một kênh thông tin điện tử riêng để kịp thời giải đáp, tư vấn cho DN khi có nhu cầu, …

Yến Ngọc