Ông Hùng Việt kiều nói có 20 quốc gia đã được viện trợ cả trăm tỉ USD không hoàn lại. Và trong bộ thư ngỏ văn bản giới thiệu về nguyên tắc tiếp nhận vốn dự án có một quy định rất kỳ quặc:? “Không được công khai thông tin” nếu công khai sẽ bị dừng viện trợ.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang - thì cho rằng, tiền vay không lãi suất để làm đường dù một đồng cũng chưa có, nói gì tới cho không.
Trước Tết sẽ có 3 tỉ USD(!)
Liên quan đến khoản “viện trợ khủng 10 tỉ USD” bị Tiền Giang từ chối, ngày 25.11, PV đã liên lạc được với ông Paul Hùng Lê để có thêm thông tin. Ông Paul Hùng Lê cho biết: “Các địa phương khác làm rất tốt (ý nói nhận viện trợ - PV), còn ông Lê Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - làm chuyện đó (từ chối gói viện trợ) là chuyện của ổng.
Cho đến nay, tôi đang vận động để nguồn tiền về Việt Nam. Tôi đã họp ở Sóc Trăng và chủ tịch tỉnh này đồng ý, có văn bản ghi nhớ để làm cơ sở làm việc. Hiện tiền chưa chuyển về Việt Nam vì phải có thủ tục đàng hoàng thì mới nhận được. Về việc này, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh”.
Ông Paul Hùng Lê còn đề nghị: “Cái này không nên phổ biến trên báo chí vì tập đoàn này không phổ biến báo chí. Thằng nào đồng ý theo quy trình của nó thì nó mới cho. Anh ngạc nhiên tại sao trên Báo Lao Động lại có thông tin. Anh khuyên em không nên đăng báo vì nó sẽ không tốt cho quyền lợi của người dân Việt Nam. Đây là quỹ từ thiện từ tập đoàn phi chính phủ, đã cho trên 20 quốc gia, chỉ cho chứ không rao bán. 20 quốc gia đã nhận tiền, số tiền hơn 100 tỉ USD.
Dù còn nhiều con đường xuống cấp, nhưng Tiền Giang vẫn từ chối khoản viện trợ “khủng” vì sự viển vông và thiếu khả thi. |
Cái này không tuyên truyền, chỉ ai biết liên hệ, làm đúng quy trình thì mới cho. Vì trên thế giới có 192 quốc gia, chỗ nào cũng biết thì mình không thể cho hết. Việt Nam mình đủ tiêu chí nên được cho”.
Cũng theo ông Paul Hùng Lê, địa phương nào không nhận nguồn tiền này sẽ có những lý do mà mình không hiểu được. Tuy nhiên, khi nguồn tiền này về, các địa phương khác nhận thì Tiền Giang sẽ hối tiếc, vì mục đích của ông là giúp dân, tạo việc làm cho dân.
“Nếu họ tiếc, thì mình sẽ tìm nguồn khác cho họ. Mục đích mình là giúp dân mình, đất nước mình chứ không giúp một cá nhân nào. Cho đến nay, chưa một địa phương nào từ chối khoản viện trợ này. Tại Sóc Trăng, chủ tịch rất vui mừng đón nhận. Ở Thái Nguyên cũng vậy” - ông Paul Hùng Lê nói - “Hiện tôi đang làm việc với trung ương. Theo đó, tôi sẽ cố gắng để trước Tết Nguyên đán có một món quà ý nghĩa về Việt Nam là 3 tỉ USD. Tuy nhiên, việc này không được đưa lên báo, vì có đến 192 quốc gia, họ mà biết thì họ xin, mình cho không nổi”.
“Không có giá trị pháp lý”
Trao đổi với PV về việc từ chối “viện trợ khủng” này, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang - cho biết: “Tôi chưa gặp ông Paul Hùng Lê lần nào. Tuy nhiên, ông Hùng và ông Lê Văn Đăng – Giám đốc Cty CP đầu tư xây dựng phát triển Đồng Tháp Mười (trụ sở tại huyện Tân Phước, Tiền Giang) có đến Sở, đề nghị đầu tư làm đường giao thông.
Chúng tôi không ký kết gì cả, chỉ có văn bản báo cáo vụ việc với UBND tỉnh. Trong vòng chưa đầy 2 tuần, UBND tỉnh có văn bản từ chối, đề nghị sở trả lời để nhà đầu tư biết. Tôi không bình luận gì về nguồn tiền quá khủng này, nhưng thực tế từ lúc tôi làm giám đốc sở đến nay, Tiền Giang chưa nhận được 1 đồng viện trợ nào để làm đường. Nói thật, vốn vay không lãi suất còn chưa có chứ đừng nói tới cho không”.
Trong khi đó, tại Sóc Trăng, cả Giám đốc Sở GTVT Trần Anh Việt và Giám đốc Sở KHĐT Mai Phước Hưng đều đã ký “biên bản ghi nhớ” với ông Paul Hùng Lê. Trao đổi với PV, cả hai ông Việt và Hưng đều cho rằng, việc ký biên bản ghi nhớ này “không có giá trị pháp lý”, bởi việc nhận vốn đầu tư nước ngoài phải trải qua rất nhiều bước, chứ không phải muốn nhận là nhận ngay được.
Theo tìm hiểu của PV, có khá nhiều doanh nghiệp đã “đeo bám” theo dự án viện trợ khủng này nhằm xin làm đơn vị thi công công trình. Việc UBND tỉnh Tiền Giang từ chối “viện trợ” đã làm nhiều doanh nghiệp xôn xao về tính thực hư của dự án. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo tới.
Tổ chức nước ngoài chào vay vốn: NHNN cảnh báo: Thận trọng! Trao đổi với phóng viên chiều ngày 25.11, lãnh đạo một vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhìn nhận, điều khoản yêu cầu NHNN cung cấp một đăng ký bảo lãnh có hiệu lực với số tiền 10 tỉ USD mà Diamond Access Inc thụ hưởng như một điều kiện tiếp nhận nguồn vốn không lãi suất hoặc không hoàn lại là vô lý. “Đơn giản vì NHNN không có chức năng bảo lãnh hay xác nhận bảo lãnh các khoản vay vốn của doanh nghiệp hay của các địa phương” – lãnh đạo vụ chức năng nói trên khẳng định. Cũng theo vị lãnh đạo này, liên tục trong thời gian vừa qua, NHNN ghi nhận nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện của các tổ chức quốc tế đến làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trong nước chào cho vay khoản vay có số tiền lớn, lãi suất thấp, thời hạn dài hoặc chào tài trợ không hoàn lại với điều kiện tương tự như ông Paul Hùng Lê đặt ra. |
(Theo Lao động)