Trên 68% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Tập đoàn IBM đều thừa nhận: các hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tạo ra doanh thu tại doanh nghiệp họ. Vì vậy, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đang được xem như là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của doanh nghiệp hơn là những quy định hay từ thiện bắt buộc.
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR – Corporate Social Responsibility) là phương án mà các doanh nghiệp thường áp dụng như là một chiến lược nhằm tìm kiếm lợi nhuận dài hạn cho doanh nghiệp, đi cùng với phúc lợi xã hội cũng như bảo vệ môi trường. Đây không còn là khái niệm xa lạ, từ những năm đầu thế kỷ 21, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Thế giới (WBCSD) cũng đã định nghĩa: “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp như là một lời cam kết của doanh nghiệp nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững”.
CSR được thể hiện qua nhiều hình thái khác nhau, thông qua quá trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chất thải do doanh nghiệp gây ra trong quá trình sản xuất, cách đề xuất những biện pháp sử dụng nguồn tài nguyên một cách tối ưu hay bằng cách tiến hành những chương trình từ thiện hay phi tài chính nhằm cải thiện tình hình văn hóa – xã hội tại địa bàn doanh nghiệp hoạt động…
Nếu như theo quan điểm truyền thống, CSR không tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp, thì hiện nay, CSR lại được xem như là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển vững mạnh và tạo được uy tín thương hiệu, là một nguồn tăng trưởng doanh thu tiềm năng cho doanh nghiệp bởi những hoạt động CSR sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tạo sự phản hồi tích cực từ khách hàng và đối tác của doanh nghiệp, mà đây là hai đối tượng góp phần trực tiếp vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam với trách nhiệm xã hội
Là những công ty, tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như mạng lưới viễn thông trong cả nước, Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và Tập đoàn Viễn thông quân đội (VIETTEL) luôn là những đơn vị tích cực gắn kết trách nhiệm xã hội với các hoạt động sản xuất.
Đối với Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), trách nhiệm chính được lãnh đạo PVEP đặc biệt chú trọng là hệ thống chính sách đối với người lao động. Không chỉ là chính sách lương thưởng, hàng năm, công ty còn tổ chức các hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi” nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và rèn luyện khả năng thực hành khi có sự cố cho công nhân viên. Trong quá trình triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài, PVEP cùng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện các giải pháp nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý như: Ưu tiên sử dụng các nguyên/nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường; Ưu tiên sử dụng các công nghệ xử lý môi trường theo chu trình khép kín; Xây dựng chương trình quản lý chất thải, quan trắc môi trường cho các dự án, nghiên cứu đầu tư và phát triển các dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM)...Với định hướng nâng cao trách nhiệm xã hội, chung tay góp sức cùng cộng đồng, trong giai đoạn 2007-2012, PVEP cũng đã dành trên 350 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội như ủng hộ đồng bào vùng lũ, thiên tai, xây dựng nhà chính sách...
Ông Ngô Hữu Hải, Phó Tổng Giám đốc Thường trực đại diện PVEP nhận kỷ niệm chương Chương trình Trái tim Cho em trong Lễ kỷ niệm 5 năm Chương trình Trái tim Cho em |
Vẫn trên tư tưởng gắn hoạt động kinh doanh với trách nhiệm xã hội, tuy nhiên, không giống như PVEP, nghiêng nhiều về việc bảo về nguồn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế ô nhiễm môi trường từ chính hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gây ra, VIETTEL lại gắn trách nhiệm xã hội của mình với cuộc sống người dân, đem chính sản phẩm của doanh nghiệp để cải thiện cuộc sống cho nhân dân. Bằng việc phủ sóng di động đến một trong những huyện nghèo nhất cả nước như Mường Lát, cùng như những miền biển đảo cách xa bờ 100km, đã giúp cuộc sống của người dân mở mang rất nhiều, ngư dân Việt Nam đã có thể dùng di động ở cách xa bờ và đảo của Việt Nam tới 100km, đây được xem là động thái tốt giúp ngư dân bám biển có thể khai thác nguồn lợi hải sản và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Không chỉ có vậy, với chặng đường 5 năm của chương trình “Trái tim cho em”, 88,5 tỷ đồng đã được huy động ủng hộ chương trình, gần 2000 trái tim đã được chữa lành với 13.000 trẻ em nghèo được khám sàng lọc bênh tim bẩm sinh. Đây được coi là một trong những chương trình từ thiện có sức lan tỏa và được hưởng ứng nhiều nhất trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp giai đoạn qua.
Giống như hai công ty Nhà nước nêu trên, với vị thế của một doanh nghiệp liên doanh hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, Công ty ô tô Toyota Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Điển hình từ tháng 6/2008, công ty đã phối hợp với Tổng cục Bảo vệ Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động chương trình “Go Green – Hành trình xanh” nhằm gắn kết các nhóm tình nguyện viên với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trước thực trạng an toàn giao thông đáng báo động hiện nay, doanh nghiệp còn đưa ra chương trình “Toyota cùng em học an toàn giao thông” (TSEP) với mục tiêu là giáo dục ý thức an toàn giao thông cho học sinh tiểu học trên toàn quốc.
TSEP nhận được sự ủng hộ và yêu mến của thầy cô và các em học sinh |
Và những “trái ngọt”...
Đúng như những kỳ vọng mà doanh nghiệp muốn hướng đến, các hoạt động của doanh nghiệp không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, hạn chế rủi ro từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực của người tiêu dùng dành cho doanh nghiệp. Từ đó, lợi ích dễ nhận thấy nhất, mà cũng là lợi ích sát sườn nhất doanh nghiệp muốn đạt được khi doanh nghiệp tiến hành CSR là gia tăng doanh thu qua các năm.
Trong hai năm 2011 - 2012, mặc dù hoạt động kinh tế diễn ra khó khăn đối với toàn bộ nền kinh tế, tuy nhiên, ba doanh nghiệp kể trên vẫn có sự gia tăng đáng kể trong doanh thu. Tốc độ tăng trưởng doanh thu năm 2012 với ba doanh nghiệp đều tăng lần lượt khoảng 21%, 25% và 33%.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp năm 2012, %. Nguồn: Cổng thông tin doanh nghiệp Vietnam Report |
Đồng thời, theo thống kê từ BXH V1000 - BXH 1000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam do Vietnam Report giai đoạn 2011 – 2013 công bố, ba doanh nghiệp nêu trên luôn giữ ở vị trí cao trong bảng xếp hạng. Điển hình, Viettel từ vị trí thứ 5 trong BXH năm 2011 lên vị trí thứ 1 và thứ 2 vào năm 2012 và 2013. PVEP từ vị trí thứ 70 trong BXH năm 2012 vươn lên đứng đầu năm 2013, đây được coi là một bước phát triển đột phá. Công ty Toyota Việt Nam cũng từ vị trí thứ 27 lên thứ 19 năm 2012.
Rõ ràng, những hoạt động trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp đã dày công thực hiện đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên hình ảnh thiện cảm, định hướng tiêu dùng cho khách hàng của các doanh nghiệp và sự hợp tác bền vững giữa các đối tác kinh doanh, góp phần không nhỏ vào thành tựu tăng trưởng doanh thu cũng như đóng góp thuế ngày càng cao của doanh nghiệp những năm gần đây và cả trong tương lai.
Sáng 29/11/2013, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế - Tổng Cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2013. Buổi Lễ được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự phát triển và giàu mạnh của đất nước. |
Trang Hoàng – Vietnam Report