Khi nhân viên không còn “vừa mắt”, nhiều doanh nghiệp dùng “chiêu” điều chuyển lòng vòng để ép người lao động chán nản, tự nghỉ việc.

Anh N.T.T và H.Q.B cùng Công ty TNHH H.V (Bình Dương) ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với công việc bảo trì máy. Ngày 30-9, sau khi xong việc, còn khoảng 10 phút là hết giờ, các anh ngồi nghỉ ngơi để chuẩn bị về thì tổng giám đốc Y. bắt gặp. Ông cho rằng các anh không làm việc mà tụ tập chơi bài nên lập biên bản. Hai anh không ký vì sự thật không đúng như vậy. Năm ngày sau, các anh nhận được quyết định điều chuyển sang làm vệ sinh cống rãnh trong 2 tháng. “Móc cống vừa độc hại vừa trái với công việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ” - anh B. bức xúc.

Không móc cống thì đi nhổ cỏ

Trả lời khiếu nại của 2 anh, tổng giám đốc Y. cho rằng người sử dụng lao động có quyền tạm thời điều chuyển người lao động sang làm việc khác để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, miễn là không quá 60 ngày trong một năm. Hiện công ty đang sửa chữa hệ thống cống rãnh để bảo đảm vệ sinh, an toàn trong mùa mưa nên phải điều chuyển anh B. và T. sang hỗ trợ. Ông Y. cũng khẳng định việc chuyển đổi công việc của 2 anh là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, không phải xử lý kỷ luật. “Tổng giám đốc nói như vậy là không đúng. Nếu việc sửa chữa, bảo trì hệ thống cống rãnh cấp thiết như vậy, tại sao khi chúng tôi khiếu nại đến cơ quan chức năng, công ty lập tức chuyển chúng tôi sang phụ làm vườn và nhổ cỏ? Chẳng lẽ việc móc cống không còn cấp thiết nữa?” - anh B. đặt vấn đề.

Hai anh N.H.Đ và T.L.Đ, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH D. (Bình Dương), cũng gặp tình huống tương tự. Sau khi cả hai đấu tranh đòi quyền lợi cho một số nhân viên vô cớ bị cắt chế độ du lịch nước ngoài, đầu tháng 10-2013, công ty chuyển địa bàn của các anh từ TP HCM về Bình Dương. Không những vậy, mặt hàng mà các anh phụ trách cũng bị chuyển đổi dẫn đến doanh số thấp, thu nhập giảm sút.

{keywords}

Anh Huỳnh Tấn Vũ đang trao đổi với phóng viên

Khi chúng tôi trao đổi vấn đề này, bà T.V.T, trưởng phòng hành chính - nhân sự của công ty, cho rằng doanh nghiệp đã làm đúng. Công việc của 2 anh vẫn là kinh doanh, còn chuyển địa bàn là việc làm thường xuyên để bảo đảm tính minh bạch. Tuy nhiên, anh T.L.Đ bác bỏ lập luận này và cho biết đây là lần đầu tiên anh bị điều chuyển sau 8 năm làm việc.

Lợi dụng sơ hở của văn bản

Giữa năm 2012, anh Huỳnh Tấn Vũ - giáo viên một trường tiểu học tại quận Bình Tân, TP HCM - đã kiện quyết định chấm dứt HĐLĐ của UBND quận Bình Tân; yêu cầu trả khoản thu nhập tăng thêm trong 1 năm làm việc tại đây. Tháng 11-2012, TAND quận Bình Tân ra quyết định công nhận thỏa thuận giải quyết tranh chấp lao động. Theo đó, anh Vũ rút lại yêu cầu trả khoản thu nhập tăng thêm; phía trường sẽ ký HĐLĐ không xác định thời hạn với anh kể từ ngày 1-11-2012.

“Khi ký HĐLĐ, hiệu trưởng lấy lý do các lớp đã ổn định giáo viên nên không thể bố trí cho tôi dạy nên tạm thời làm nhân viên quản lý thiết bị, khi nào thiếu giáo viên sẽ cho đứng lớp. Tôi tin tưởng nên ký vào HĐLĐ. Giờ có giáo viên nghỉ thai sản, trường thiếu giáo viên nhưng không bố trí công việc đúng chuyên môn của tôi” - anh Vũ thắc mắc. Đáp lại, ông V.V.K, hiệu trưởng trường, cho rằng lúc xảy ra tranh chấp, vì muốn giải quyết êm đẹp nên trường chấp nhận thỏa thuận và đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn như quyết định của tòa. Trường không bố trí cho anh Vũ đứng lớp bởi HĐLĐ có ghi rõ công việc là quản lý thiết bị, không phải giáo viên. Anh Vũ đã ký thì phải chấp hành. “Quyết định của tòa chỉ yêu cầu trường ký HĐLĐ không xác định thời hạn mà không nêu công việc cụ thể nên tôi mới bị nhà trường lừa” - anh Vũ bức xúc.

“Chơi” không đẹp

Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và cộng sự, cho rằng trong các trường hợp trên, doanh nghiệp không phạm luật nhưng các vị lãnh đạo đã “chơi” không đẹp khi sử dụng “tiểu xảo” để đối phó với người lao động. Về lâu dài, những hành động này sẽ đánh mất niềm tin của nhân viên; tạo tâm lý e dè, đề phòng khiến nhân viên không toàn tâm toàn ý làm việc. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất, kinh doanh và chính sếp là người nhận lãnh.

Theo NLĐ