Rất khó để tìm ra một chất chưa biết trong hàng chục vạn chất. Thêm nữa, hàng của Trung Quốc không chỉ có một vài thành phần mà có thể là trộn lẫn nhiều hợp chất.

Như chúng tôi đã đưa tin, viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) đã có kết luận giám định chất kích thích giá đỗ, các loại rau mầm. Đây là loại thuốc do Trung Quốc sản xuất, các hóa chất trong thuốc không nằm trong danh mục cho phép của bộ Y tế. Do có chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu chất lỏng trong thuốc tiếp xúc trực tiếp có thể gây bỏng da. Nếu dây vào mắt có thể làm hỏng mắt, nếu nuốt hoặc hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.

Theo thông tin trên tờ Tiền phong, trước đó, khi phát hiện và thu giữ 80.000 lọ dung dịch có nhãn mác ghi bằng tiếng Trung Quốc, ông Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội QLTT số 11 cho đã đem 5 công văn và cử cán bộ trực tiếp đến gặp đại diện các đơn vị để nhờ giám định. Trong đó có: Trung tâm khảo nghiệm phân bón quốc gia; Trung tâm đo lường chất lượng khu vực I; Viện Vệ sinh an toàn thực phẩm; Trung tâm khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc; Cục trồng trọt. Thế nhưng, cả 5 cơ quan này đều đồng loạt từ chối với lý do: “Chúng tôi không có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi thiếu phương tiện máy móc hay việc này của cơ quan khác…”.

Sau đó, phía Đội QLTT mang đến viện Khoa học Hình sự thì rất may là được đồng ý.

{keywords}

Chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với đại tá Lê Văn Lợi, trưởng phòng Giám định Hóa Pháp lý, viện Khoa học Hình sự, người trực tiếp giám định loại thuốc trên để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc. Khi được hỏi vì sao 5 cơ quan trên lại từ chối giám định, đại tá Lợi nêu quan điểm: “Tôi cũng không biết lý do cụ thể vì sao họ từ chối giám định. Tuy nhiên, việc giám định loại thuốc này khá phức tạp. Thường thì rất khó để tìm ra một chất chưa biết trong hàng chục vạn chất.

Thêm nữa, hàng của Trung Quốc thì càng khó giám định bởi thuốc không chỉ có một vài thành phần mà có thể là trộn lẫn nhiều hợp chất khác nhau.

Bên cạnh đó, khâu kỹ thuật, phương tiện, máy móc đòi hỏi phải có thiết bị phù hợp mới phân tích được. Trong quá trình giám định loại thuốc trên, do thuốc có hàm lượng kiềm cao nên chúng tôi phải tách kiềm ra. Sau đó phải tiến hành phân tích qua rất nhiều công đoạn mới tìm ra được chất ấy”.

Cũng theo vị chuyên gia này, rất khó để xác định mức độ độc hại với cơ thể khi ăn phải các loại giá đỗ, rau sử dụng loại thuốc kích thích này. Việc pha chế lượng thuốc rồi số lần phun với mỗi người dân là khác nhau. Có người lại tăng gấp đôi liều lượng vì nghĩ đơn giản càng nhiều thuốc rau càng mau lớn…

Trước đó, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội đã nói về mức độ độc hại trong các loại thuốc kích thích sinh trưởng, thông tin trên Người lao động: “Đối với những loại thuốc kích thích sinh trưởng trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật thì chỉ căn cứ vào độ độc cấp tính LD50. Với chỉ số này, nếu thuốc kích thích tăng trưởng có độc cấp tính thì chỉ khi nào một người mỗi ngày ăn hết 2,5 tạ rau thì mới bị ngộ độc... Còn đánh giá mức độ ảnh hưởng thì phải cỡ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới làm được”.

Theo Soha