Chi phí sinh hoạt - nấu ăn trong gia đình tăng lên do giá gas và nhiều gia đình phải nghĩ đến việc dùng bếp điện thay cho bếp gas. Cũng có người nghĩ đến việc dùng bếp dầu hoặc than nhưng họ vẫn thích dùng bếp điện cho sạch. “Phở” rõ ràng là hơn “cơm”.

Giá gas gần như tăng thường xuyên trong thời gian gần đây; đặc biệt là trong hai năm liền 2012 và 2013.

Cách đây hơn một năm, đã có nhiều hộ gia đình bắt đầu chuyển sang sử dụng bếp điện (bếp từ hoặc hồng ngoại) thay cho bếp gas vì lý do gas tăng giá. Một số gia đình thì chọn giải pháp phối hợp giữa bếp gas và bếp điện. Khá nhiều gia đình đã giảm chi phí nấu ăn bằng cách nấu bằng bếp điện thay cho bếp gas.

Chán “cơm” thèm “phở”.

Bà Minh Châu, nhà ở quận 4, cho biết: “Nhà tôi dùng cả hai loại bếp gas và bếp từ cũng gần một năm rồi. Trước đây, nhà tôi xài trung bình 20 ngày hết một bình gas, tính ra mỗi tháng tốn khoảng 600.000 đồng tiền gas (390.000 đồng/bình). Sau khi dùng thêm bếp từ để nấu nước và xào nấu món ăn thì tiền điện chỉ tốn thêm hơn 100.000 đồng. Còn bình gas xài cả tháng vẫn chưa hết”.

{keywords}
Nhiều hộ gia đình dùng thêm bếp điện để giảm chi phí dùng gas.

Cô Thanh Hồng, nhân viên văn phòng ở quận 1, nhận xét: “Giá gas tăng cao nên nhà tôi chuyển qua sử dụng bếp từ thay vì dùng gas như trước. Tuy nhiên, khi nấu nướng những món ăn cần thời gian lâu như kho thịt, hầm xương… hoặc nấu với số lượng nhiều tôi vẫn phải dùng bếp gas”.

Tăng giá món ăn là lựa chọn cuối cùng

Trước hiện trạng giá gas tăng mạnh, ông Lý Nhất Hiếu, chủ hệ thống nhà hàng Hàng Dương ở TP.HCM, đau đầu: “Kinh nghiệm cho thấy, một khi gas lên thì giá cả tất cả nguồn nguyên liệu sẽ lên theo. Muốn lên giá thực đơn là cả một vấn đề.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, chủ nhà hàng Hải Hòn Chồng, phường 11, quận 3, TP.HCM cũng trong tâm trạng: “Đau đầu quá! Nếu tính bài sóng lên thuyền lên cũng không ổn, trong thời buổi này. Còn giảm định lượng món ăn lại chưa chắc tốt. Chưa biết tính sao!”

Ông Cao Văn Phát, chủ nhà hàng Phương Nam, ở 300 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM: “Với những món hầm, tiềm tôi yêu cầu nhà bếp chuyển sang dùng than, để tiết kiệm. Nếu sắp tới, rau, củ cũng lên giá theo thì tôi đành nâng giá nhẹ một số món khách hàng ưa thích”.

Đại diện một cửa hàng kinh doanh điện gia dụng ở quận 1, tính toán: cứ nấu sôi 1 lít nước bằng bếp từ sẽ mất hơn hai phút; còn nấu bằng bếp gas mất khoảng bốn phút. Nếu tính ra tiền thì dùng bếp từ để nấu 1 lít nước mất khoảng 200 đồng; còn dùng bếp gas thì mất gần 700 đồng. Dùng bếp từ để nấu nước hoặc chiên xào linh tinh vẫn lợi hơn nấu bằng bếp gas.

Một số bà nội trợ cũng làm phép tính nhanh, hiện giờ cứ mỗi tháng trung bình xài hơn một bình gas (khoảng 500.000 đồng). Nếu như chuyển qua dùng bếp điện thì có thể phải trả thêm 70–80kWh điện, khoảng 120.000-160.000 đồng.

Dùng bếp điện hiệu quả

Theo cách tính toán của một số hãng cung cấp năng lượng trên thế giới thì cứ 1kg gas có thể quy đổi bằng 13,7kwh điện. Dựa trên năng suất toả nhiệt của năng lượng gas/điện, họ đã tính toán ra con số này. Vậy, tính ra tiền bỏ ra cho 1kg gas là 40.000 đồng; còn tiền điện chưa đến 30.000 đồng.

Đó là chưa kể bếp từ có hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn bếp gas lẫn bếp hồng ngoại. Theo một số nhà phân phối bếp điện thì sản phẩm bếp từ có thể tận dụng đến 90% năng lượng, còn bếp gas chỉ có thể dùng đến 50 – 60%. Theo đánh giá của đại học Bách khoa TP.HCM thì sử dụng bếp từ giúp tiết kiệm năng lượng và an toàn hơn.

Theo lời khuyên của một số siêu thị điện máy, người tiêu dùng lưu ý rằng bếp hồng ngoại toả nhiệt cao và có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp hơn bếp từ. Chỉ khi nào cần nấu ăn với nhiệt độ cao mới nên dùng bếp hồng ngoại. Tuy nhiên, một số người tiêu dùng lại cho rằng bếp từ có bất tiện là kén nồi.

Trong thời điểm giá gas “leo thang”, người tiêu dùng có thể chọn giải pháp sử dụng bếp dùng điện xen kẽ với bếp gas nhằm giảm bớt chi phí hàng tháng. Tuỳ nhà - tuỳ cảnh nhưng việc khéo léo phối hợp giữa các loại bếp từ, lò vi sóng... cũng sẽ giúp cho các gia đình tiết kiệm được một khoản đáng kể.

Lưu ý khi chọn bếp điện

- Bếp từ có ưu điểm “nóng nhanh” nhưng lại kén dụng cụ nấu ăn (nồi/chảo... )

- Bếp hồng ngoại toả nhiệt lớn, nóng chậm hơn bếp từ nhưng có thể dùng với nhiều loại nồi/chảo bằng chất liệu khác nhau (nhôm/thuỷ tinh/inox…)

- Nên dùng nồi/chảo... có đáy bằng và phủ lên phần lớn mặt bếp để sử dụng hết toàn bộ nhiệt lượng toả ra.

- Do bếp từ/hồng ngoại dùng nguồn điện công suất cao nên cần dùng ổ cắm chịu nhiệt cho an toàn.

(Theo SGTT)