Một số lò giết mổ tại quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) đã thu mua xuất khẩu khoảng 4 chuyến hàng với hơn 60.000 con vịt. Điều lạ ở đây là toàn bộ số vịt đưa vào giết mổ, tiêu thụ là vịt đẻ, tất cả đều được đóng gói sang Trung Quốc.

Sau hàng loạt các vụ thu mua móng trâu, móng bò, đỉa… và gần đây nhất là thu mua mỡ heo, ốc bươu vàng để xuất khẩu. Hiện nay, thương lái Trung Quốc lại thu mua vịt đẻ. Việc làm này không chỉ làm giảm khả năng tận diệt ốc bươi vàng từ loại thủy cầm có ích như vịt đẻ, mà còn làm mất cân đối về giống trong bầy đàn, ảnh hưởng tới sự phát triển số lượng của đàn vịt, giảm hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi.

Ghi nhận của phóng viên tại Cần Thơ, những biển hiệu “Thu mua vịt đẻ” đã thu hút sự chú ý của không ít người dân. Vịt đẻ - loài thủy cầm có ích, khả năng cho trứng cao, giúp phát triển kinh tế bền vững lại được kêu gọi thu mua tại một số lò giết mổ.

Năm nay, một số lò giết mổ tại quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) đã thu mua xuất khẩu khoảng 4 chuyến hàng với hơn 60.000 con vịt. Điều lạ ở đây là toàn bộ số vịt đưa vào giết mổ, tiêu thụ là vịt đẻ, tất cả đều được đóng gói sang Trung Quốc.

{keywords}

Anh Nguyễn Tấn Thành, chủ lò giết mổ gia cầm quận Ô Môn (Cần Thơ) cho biết: “Thương lái Trung Quốc cũng thu mua ở các tỉnh khách như Vĩnh Long… đều làm giống như vậy. Nghĩa là cũng mua vịt đẻ sau đó gia công, đóng gói xuất hàng ra Móng Cái rồi xuất sang trung Quốc. Thấy cũng hơi lạ, nhưng mình cũng làm vì thấy có lời”.

Nuôi hơn 700 con vịt đẻ, bà Dương Thị Phường, ngụ tại huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) ước tính bình quân mỗi tháng gia đình bà có thêm thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng từ việc bán trứng vịt. Thế nhưng hiện nay, bà Phường cũng như nhiều hộ dân nơi đây rất lấy làm lạ khi thương lái ngoài việc thu mua trứng còn thực hiện thu mua vịt đẻ với số lượng rất lớn.

“Bán cho thương lái người ta mua lên xe 50.000 – 60.000 đồng/con. Bất kể là số lượng bao nhiêu, kể cả 500 con hay 700 con, thương lái đều mua hết”, bà Phường cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Cần Thơ, tổng số đàn vịt chạy đồng trên địa bàn hiện có khoảng hơn 1,2 triệu con. Với số lượng như thế, hàng năm số vịt chạy đồng mang đến lợi nhuận hàng trăm triệu cho người chăn nuôi. Bên cạnh lợi ích về mặt kinh tế, loài thủy cầm này còn có khả năng tận diệt ốc bươu vàng khá cao.

Thạc sĩ Phạm Tuấn Nhã, giảng viên khoa Nông Nghiệp và Sinh học ứng dụng trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Trong ốc bươu vàng thỏa mãn được hai vấn đề, thứ nhất là cung cấp được protein (đạm), thứ hai là cung cấp được canxi (khoáng). Cho nên bà con chăn nuôi vịt chạy đồng hay tận dụng ốc bươu vàng để cung cấp thức ăn cho vịt”.

“Vừa qua trên địa bàn xuất hiện hiện tượng thu mua vịt đẻ. Tuy nhiên chúng tôi đã khuyến cáo bà con, thứ nhất là duy trì đàn vịt đẻ nếu tỷ lệ còn tốt. Thứ hai, tiếp tục nuôi đàn vịt tránh ham lợi mà bán cho thương lái. Bởi vịt diệt được một số đối tượng gây hại cho cây lúa như ốc bươu vàng”, ông Trương Văn Phú, Phó phòng Kinh tế quận Ô Môn (Cần Thơ) chia sẻ.

Qua công tác rà soát địa bàn, Phòng xuất nhập cảnh TP. Cần Thơ phối hợp với công an quận Ô Môn phát hiện hai đối tượng người Trung Quốc tên Lâm Quốc Lương và Phùng Bình đang thực hiện kiểm tra, giết mổ và thu mua vịt đẻ trái phép.

Thượng tá Nguyễn Thị Bích An, Phó phòng xuất nhập cảnh, Công an TP. Cần Thơ cho biết: “Tiến hành kiểm gia giấy tờ xuất nhập cảnh của 2 người nước ngoài trên được biết, họ tạm trú, hoạt động và giám sát giết mổ gia cầm không được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Phòng quản lý xuất nhập cảnh TP. Cần Thơ tham mưu Giám đốc công an TP. Cần Thơ quyết định xử lý vi phạm hành chính hai người này với hình thức phạt tiền. Đồng thời, rút ngắn thời hạn tạm trú, buộc xuất cảnh với hai người nước ngoài nói trên”.

Việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hoạt động thương mại nói trên là cần thiết. Thế nhưng hiện nay, điều quan trọng là chính người dân cần tỉnh táo khi bán hàng nông sản của mình. Nên tính hiệu quả bền vững lâu dài, chứ đừng chạy theo hiệu quả trước mắt.

Theo GDVN