- Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela không chỉ nổi tiếng về sự nghiệp đấu tranh tiêu diệt nạn phân biệt chủng tộc, ông còn giúp dân thoát cảnh nghèo đói cơ cực bằng những chính sách kinh tế quyết liệt và đúng đắn.
Kêu gọi dỡ bỏ cấm vận
Nam Phi bị thế giới cấm vận gay gắt trong thời kỳ chế độ Phân biệt chủng tộc thống trị. Kinh tế bị cùm kẹp, phong tỏa, nghèo đói tràn lan sau các cuộc nội chiến đẫm máu. Ngay sau khi được thả tự do sau 27 năm ngồi tù, Nelson Mandela, với tầm ảnh hưởng lớn, đã nỗ lực kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với dân tộc mình. Con người được cả thế giới ngưỡng mộ đó đã thực sự thành công khi không lâu sau đó, Nam Phi trở thành nền kinh tế tự do!
Bắt tay xây dựng cơ sở hạ tầng
Ngay khi nhậm chức tổng thống, ông quyết tâm tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng, bởi Nam Phi đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng kể từ năm 1975 khi tăng trưởng kinh tế còn chậm hơn tăng trưởng dân số.
Sau những nỗ lực không mệt mỏi thực hiện chính sách tái thiết nền kinh tế, Nam Phi giờ đây sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế bao gồm một mạng lưới giao thông thông suốt, năng lượng dồi dào và hệ thống viễn thông ổn định. Cố tổng thống từng xác định, các dự án cơ sở hạ tầng khủng sẽ là chìa khóa thu hút nhà đầu tư, tạo đà tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Mở cửa bằng hệ thống pháp lý phóng khoáng
Vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Nam Phi đã xác định, phải mở cửa kinh tế thì mới giúp đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ và đói nghèo.
Môi trường pháp lý tại Nam Phi có thể nói là vô cùng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước. Đây là yếu tố quan trọng mà chính quyền của tổng thống Nelson Mandela luôn đề cao trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
Đặc biệt, từ năm 2000, chính phủ Nam Phi tập trung cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách giảm bớt các hạn chế của luật lao động, đẩy nhanh quá trình tư nhân hoá, cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết của chính phủ. Nam Phi cũng là nước sản xuất và tiêu thụ năng lượng lớn nhất châu Phi.
Chăm sóc nhà đầu tư nước ngoài
Cố tổng thống Nelson Mandela nhận định, nhu cầu nguồn vốn đầu tư nước ngoài là vô cùng lớn bởi nó sẽ giúp tạo cơ hội việc làm cho người dân. Do đó, ông khẳng định không giới hạn bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư tại Nam Phi.
Trên thực tế, trước đó, dưới chế độ phân biệt chủng tộc, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã rút vốn khỏi Nam Phi bởi tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng. Cố tổng thống từng xác định nhiệm vụ quan trọng của chính phủ là kêu gọi họ quay trở lại làm giàu trên đất Nam Phi bằng việc ban hành những chính sách thống thoáng hơn, dễ chịu hơn.
Thành quả ngọt ngào
Mandela tin tưởng mạnh mẽ vào mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và chính trị. Và từ một quốc gia bao gồm 11 “lãnh địa” riêng với 3 nhóm phân biệt chủng tộc, Nam Phi đã trở thành một nền kinh tế thống nhất, có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Nam Phi được công nhận là thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Các nền kinh tế mới nổi) năm 2011.
Năm 1994, tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi là ngót nghét 50%. Con số đó đến nay dù vẫn cao (hơn 20%) nhưng đó thực sự là tiến bộ rất lớn nhờ nỗ lực của chính quyền tổng thống.
GDP của nước này tăng trưởng đáng kể dưới thời Mandela, từ mức dưới 1,5% (từ 1980-1994) lên hơn 3% (giai đoạn 1995 đến 2003). Thu nhập bình quân của người Nam Phi da trắng tăng 62% (1993-2008) và người da đen tăng nhanh hơn, ở mức 93% trong cùng giai đoạn. Đến nay, Nam Phi trở thành một trong 50 quốc gia giàu nhất thế giới.
Nam Phi đã ngày càng trở thành một cơ hội kinh tế quan trọng cho các nước láng giềng. Đầu tư của nước này chiến đến 70% tổng dòng tiền đầu tư trong khu vực. Khối lượng nhập khẩu từ Cộng đồng phát triển Nam Phi tăng từ 16,3 tỷ USD năm 1993 lên 68,7 USD năm 2006.
Nam Phi trở thành điểm đầu tư tiềm năng, khổng lồ và vô cùng hấp dẫn với cơ sở hạ tầng kinh tế đạt chuẩn quốc tế và một nền kinh tế mới nổi phát triển mạnh mẽ nhất châu Phi. Số người nhập cư vào Nam Phi (phần lớn từ các quốc gia trong khu vực) chiếm 3,3% dân số, giai đoạn 1990-2010 tăng lên 3,7%. Tỷ giá hối đoái của Nam Phi khiến nước này trở thành một trong những quốc gia rẻ nhất cho người nước ngoài sinh sống và kinh doanh với mức sống khá ổn. Thị trường chứng khoán nằm trong tốp 20 của thế giới. Đặc biệt, Nam Phi đứng ở vị trí 52 trong 144 quốc gia trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 2012, đồng thời leo lên vị trí thứ 3 trong khối BRICS.
200 đến 300 triệu dân dân Nam Phi thuộc tầng lớp trung lưu - đây được xem là một câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ tiếp theo sau Trung Quốc và Ấn Độ.
HungNinh (tổng hợp)