Cứ đến hẹn lại lên, thị trường tiền lẻ, tiền mới giáp Tết lại "sốt". Chuyện nhà nhà, người người... đua nhau đi đổi tiền lẻ, tiền mới đã trở thành một "quy luật" bất biến và bên cạnh đó việc kiếm lời từ chênh lệch đổi tiền cũng vẫn luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng với dân “buôn tiền”.

Cơ quan quản lý muốn siết chặt

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch.

Theo NHNN, trong những năm qua, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ (đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng) trong dịp Tết Nguyên đán ngày một tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung. Số tiền mệnh giá nhỏ này chỉ một phần dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.

{keywords}

Một mẫu rao vặt về dịch vụ đổi tiền lẻ trên một trang mạng.

Qua khảo sát của NHNN, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không hợp lý của người dân ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự (chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra)… một cách tùy tiện, tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, tiền mệnh giá nhỏ được sử dụng không đúng chức năng gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.

NHNN cũng vừa có thông tư nghiêm cấm NH trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng. Theo đó, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu là tiền giả, nghi giả, NHNN và các tổ chức tín dụng phải lập biên bản và tạm thu giữ số tiền đó. Tiền nghi giả sẽ được đưa đi giám định và trả lại khách hàng nếu là tiền thật. Quy định có hiệu lực thi hành từ 20-1-2014.

Không cần đất chùa vẫn sống ổn

Trong bối cảnh dịch vụ rao vặt, mua bán qua mạng ngày càng nở rộ thì với việc NHNN muốn quản lý dịch vụ đổi tiền lẻ kiếm lời có vẻ khó khả thi. Hiện tại, các chợ đổi tiền lẻ online hoạt động khá sôi nổi và nhanh chóng trở thành một dịch vụ “siêu lợi nhuận”.

Rảo quanh một vòng tại trang web 5giay.vn, muaban.net, chotot... một điều dễ nhận thấy là trong mấy ngày gần đây bắt đầu xuất hiện rất nhiều mẫu tin về dịch vụ đổi tiền lẻ được rao một cách ồ ạt. Mức phí chênh lệch có khi là 4%, 7% hay thậm chí là 100% đối với các loại tiền 10, 20, 50, 100 nghìn đồng bằng chất liệu cotton đã bị ngừng lưu hành.

Có một điều làm chúng tôi bất ngờ là khi yêu cầu số lượng tiền rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng thì những chủ nhân tự xưng là “sinh viên kiếm thêm” này nói “cần bao nhiêu cũng có”.

Một số trang web chuyên dịch vụ đổi tiền lẻ còn đưa ra cả “lời khuyên” là đừng đến chợ đen với giá cắt cổ mà hãy đến trang web với giá cả “hợp lý”. Tuy nhiên, nhìn vào mức chênh lệch từ 6 đến 10% khi đổi các loại tiền mệnh giá hót như 10 nghìn đồng bằng polymer thì nhiều người cũng đã thấy “choáng” với chiêu kiếm tiền đơn giản này.

Theo một số người chuyên làm dịch vụ đổi tiền lẻ thì dịp Tết là cơ hội để họ “hốt bạc”. Càng gần đến những ngày cuối năm, thị trường đổi tiền lẻ càng hoạt động náo nhiệt và mức giá theo đó cũng có chiều hướng thay đổi. Chính vì vậy, dù NHNN có văn bản cấm thì cái thời tự do đứng đổi tiền tại các cổng chùa, đình đài miếu mạo... đã qua song không vì vậy mà họ hết đường sống.

Theo quy định tiền tệ, thì những hành vi trao đổi tiền trên đây là vi phạm pháp luật về tiền tệ. Tuy nhiên, để xử lý một cách rốt ráo thì còn là một vấn đề lâu dài.

Theo LĐO