Thật không thể ngờ được rằng, trên đời này lại có một nghề vừa được ăn, không mất tiền mừng cưới, lại còn vừa được tiền như vậy.

Đang "chém gió" trong lúc chờ cỗ được bê lên, chợt mọi người thấy một người lơ ngơ ngoái trước ngoái sau, rồi tiến đến bàn của người viết bài này hỏi: “Đây có phải đám cưới của K., con của ông B, giám đốc công ty X không?”. Sau khi nghe câu trả lời là không phải, người kia đi mất. Anh bạn ngồi cạnh buông một câu xanh rờn: “Chắc đi ăn đám cưới thuê!”

Anh chàng còn xác minh chính mình cũng đã từng đi thuê người ăn cưới.

Khi liên lạc với một người tên M., M. cho biết đã tốt nghiệp một trường kỹ thuật, ra trường gần 1 năm nhưng chưa kiếm được việc ổn định. M. được một đàn anh cùng trường giới thiệu cho việc đi ăn tiệc cưới thuê.

{keywords}

Thật không thể ngờ được rằng, trên đời này lại có một nghề vừa được ăn, lại còn vừa được tiền (ảnh minh họa)

Trả lời về lý do nghề ăn cưới thuê tồn tại được, M. trả lời: “Đối với người thường, ăn cưới đã là một cái nợ. Đối với các đại gia ngày nhận được chục cái thiệp mời cưới, chuyện ăn cưới còn khổ hơn”. Người thường thì có thể không đi dự đám cưới, gửi tiền mừng là được. Nhưng với các sếp, để giữ mối quan hệ thì việc đi đám cưới của bạn bè, đối tác quan trọng là chuyện đương nhiên.

Nếu không đi được thì cũng phải cử trợ lý, cấp dưới đi thay chứ không phải cứ gửi tiền là xong. Nhưng trợ lý, cấp dưới cũng có việc của họ. Họ cũng ngại bia rượu, ngán cỗ bàn, không muốn đi mà cứ phải đi giao thiệp. Bởi vậy họ muốn thuê người đi thay họ.

Khi được hỏi: “Không quen biết gì mà cũng vào được đám cưới à?”, M. nói: “Bố mẹ thì tưởng là bạn của con, con thì tưởng là bạn của bố mẹ, họ mải tiếp hết khách này đến khách khác, không rảnh quan tâm đâu, cũng chẳng nhớ là ai đến rồi, ai chưa. Lúc kiểm phong bì cưới thì mới biết ai đến, ai không đến.

Cứ đàng hoàng vào bắt tay, chúc mừng, cho phong bì đã ghi sẵn vào hòm rồi đi vào bàn theo sự chỉ dẫn của gia đình người ta, thường là cũng ấn vào ngồi với toàn người chẳng liên quan, cốt cho đủ một bàn là được. Nếu họ hỏi thì nói mình là nhân viên của ông A., ông B. thay mặt sếp,...". M. đinh ninh: “Ngày xưa thời đi học Đại học, mấy người bạn tôi còn tay không vào ăn cỗ cưới chui, giờ mình mang phong bì đàng hoàng, có gì mà phải sợ”.

M. kể về một mối quen đặc biệt của mình. Cậu này là bạn cùng lớp Đại học với M., tên là T., là một thiếu gia con nhà giàu. Bố cậu ta là sếp to, mùa cưới chết chìm trong đống thiệp. Phần vì ngại bia rượu, phần vì muốn con đi để mở rộng quan hệ nên toàn bắt T. phải đi đám cưới thay bố.

T. cũng ngán ngẩm không kém nên thuê M. đi hộ. M. kể mùa cưới này T. thuê M. đi 5 đám rồi. Có lần, M. được xếp vào một bàn cũng toàn người đi thay. Nghe đâu toàn là trợ lý, nhân viên, con cái của các ông sếp.

{keywords}

Ngán rượu chè, cỗ bàn, nhiều sếp chi tiền thuê người ăn cưới hộ (ảnh minh họa)

Hỏi M. về tiền công, cậu chàng từ chối tiết lộ, chỉ nói: “Tùy từng đám, phụ thuộc vào độ xa gần và yêu cầu của khách”. Tác giả lại quay ngược lại hỏi anh bạn của mình thì nhận được câu trả lời: “Thường thì anh trả 50 - 70 ngàn, 100 ngàn nếu đám cưới ở xa quá. Nhưng nghe đâu có lần nó được trả 200 ngàn rồi đấy”.

Chỗ làm của anh có cô nhiều đám quá không đi xuể, bảo con trai đi thay mà cũng đòi 50 ngàn tiền công. Có lần cô ấy còn thuê cả xe ôm đi ăn cưới hộ, cứ nói "Em là trợ lý của chị T., hôm nay chị T. bị mệt nên cử em đến chúc mừng hạnh phúc hai cháu…”.

Quay trở lại chuyện thuê người đi ăn cưới, không chỉ từ phía người được/bị mời, gia đình tổ chức cũng thuê người đi ăn cưới.

Chị T., một wedding planner (nhân viên tổ chức sự kiện cưới hỏi) kể: “Có nhiều khách nhà neo người, ít bạn bè muốn đám cưới mình nhìn xôm tụ, đàng hoàng, vui vẻ chút nên nhờ tôi tìm người đến ngồi bàn tiệc cưới giúp. Họ còn có phong bì trả tiền công riêng cho từng người được thuê.

Nhiều cô dâu lấy chồng nước ngoài, cưới gấp nên cũng không mời bạn bè, người thân đến dự được nên đành phải thuê người tới dự. Gia đình họ cho biết khi làm thủ tục phỏng vấn để theo chồng phải có ảnh đám cưới nên mới cần thuê gấp như vậy”.

Chị T. kể có người còn kỹ tính bắt người được thuê phải tay bắt mặt mừng, cho phong bì (không) vào hòm tiền, rồi nâng ly dzô như thật để họ chụp ảnh cho đẹp. Nói chung là có rất nhiều yêu cầu chứ không phải chỉ đến ăn ào ào rồi về như người bình thường.

(Theo PL&XH)