- Tỉnh nào cũng muốn có vài dự án to để được nổi bật. Các tỉnh chỉ lo đạt được ngay mục tiêu ngắn hạn để có thành tích trong nhiệm kỳ của mình mà bỏ qua những mục tiêu dài hạn - Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương đánh giá.

Lo ngại bệnh thành tích

Mới đây, Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương công bố Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương cho thấy, hầu hết các địa phương dẫn dầu về chỉ số hội nhập đều là những tỉnh, thành phố lớn, là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hoặc đang “sở hữu” những dự án FDI tỷ đô nổi tiếng như Thanh Hóa, Bắc Ninh. Các tỉnh đứng cuối bảng chỉ số hội nhập đều là những địa phương bất lợi về điều kiện tự nhiên, ở miền núi, vùng sâu xa và không có dự án “khủng” nào như Cao Bằng, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Sóc Trăng...

Bảng xếp hạng về năng lực hội nhập kinh tế không chứng tỏ tỉnh nào tốt hơn tỉnh nào mà là sự đo lường mức độ chủ động, tranh thủ nguồn lực trong hội nhập để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song, phát hiện từ báo cáo cho thấy, căn bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ đang trở thành lực cản trong quá trình hội nhập kinh tế của nhiều địa phương.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Thành Trung, trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay: “Gần như các tỉnh đều gặp phải tình trạng lựa chọn đối nghịch giữa tầm nhìn dài hạn và mục tiêu ngắn hạn. Nhiệm kỳ lãnh đạo ở ta kéo dài khoảng 4-5 năm nhưng các chiến lược phát triển phải có tầm nhìn 20 năm, 30 năm, hay 50 năm. Lãnh đạo địa phương lại đòi hỏi phải có kết quả ngay trong ngắn hạn để còn có thành tích trong nhiệm kỳ của mình. Cho nên, địa phương mải chú trọng cái ngắn hạn mà quên đi dài hạn”.

{keywords}

Dự án Bãi Biển Rồng (Hội An, Quảng Nam) số vốn đăng ký 4,15 tỷ USD đã bị rút giấy phép từ cuối năm 2010.

“Các tỉnh đều muốn trong ngắn hạn có một vài dự án to để nổi lên. Vì thế mới có chuyện Thái Bình - vựa lúa của cả nước cũng ước mơ có nhà máy thép lớn”, ông Trung nói.

Bình luận về báo cáo trên, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: “FDI là một trụ cột phản ánh năng lực hội nhập. Tuy nhiên, năng lực hấp dẫn FDI ở chỗ nào và FDI mang đến những gì hay chỉ đơn thuần là số lượng đổ vào và thực tế lại không mang lại nhiều lợi ích cho phát triển của tỉnh đó. Đây là vấn đề cần xem xét kỹ”.

Tỷ đô vẫn chỉ là trên giấy

Vị chuyên gia này phân tích, trong lĩnh vực đầu tư của các địa phương, mầm mống của bệnh thành tích không khó để nhận ra.

Gần đây, việc cấp phép các siêu dự án lọc dầu đang gây tranh cãi lớn giữa các chuyên gia kinh tế và các cấp quản lý địa phương. Đó là trường hợp dự án 27,5 tỷ USD của Tập đoàn dầu khí PTT, Thái Lan, công suất 30 triệu tấn dầu thô/năm xin đầu tư vào Bình Định; dự án lọc hóa dầu 12,5 tỷ USD của Tập đoàn Formusa xin đầu tư vào Hà Tĩnh, công suất 16 triệu tấn dầu/năm. Cả 2 dự án khổng lồ này đều đang nằm ngoài quy hoạch ngành. Trong khi các chuyên gia lo ngại Việt Nam đang lạm phát lọc dầu, cung vượt cầu thì chính quyền các tỉnh này vẫn đang cố gắng xin Thủ tướng bổ sung trong quy hoạch.

Hay, một ngành hot hơn là việc cấp phép kinh doanh casino cũng cho thấy dấu hiệu của căn bệnh này. Ông Trung dẫn chứng, quy mô vốn cho dự án casino phải 4 tỷ USD trở lên mới cấp phép. Thực tế, các địa phương trình dự án đều đăng ký trên 4 tỷ USD thật nhưng đó chỉ là “con số hồ sơ” để cho cấp phép, trong khi vốn thực sự thì chưa chắc đã thu xếp đủ.

Gây điều tiếng nhất cho “bánh vẽ” đầu tư lĩnh vực này là câu chuyện của dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Hồ Tràm 4,2 tỷ USD - với hạng mục chủ chốt kinh doanh casino nhưng sau 5 năm, hết năm 2012 chỉ giải ngân được có 350 triệu USD.

Ông Nguyễn Thành Trung giãi bày: “Năng lực thẩm thấu vốn ở nhiều tỉnh rất hạn chế. Chúng ta nhắc nhiều đến các dự án 1 tỷ USD như thể là thành tích lớn nhưng đó chỉ là trên giấy. Trừ khi, 1 tỷ USD đó đổi ra tiền mặt bơm thực vào nền kinh tế thì mới có giá trị”.

Góp thêm ý kiến cho nhận xét trên, ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương, kể: “Có địa phương từng công bố dự án đầu tư lên tới 10 tỷ USD. Thực tế thì dự án này có 3 triệu USD, tức là chỉ giải ngân có lễ khởi công. Vấn đề là lãnh đạo vẫn mắc tư duy nhiệm kỳ”.

“Tôi đi mấy chỗ, thấy thêm một nhà máy xi măng là tưng bừng ngay trong khi thực chất nó chẳng mang lại cái gì lớn cả. Nhiều nơi đang cố kéo FDI để tăng GDP chứ không phải là để phát triển, để tạo sức lan tỏa”, TS Trần Đình Thiên chia sẻ thêm.

Rõ ràng, trước thực trạng này, các địa phương cần phải làm sao để hài hòa giữa mục tiêu ngắn hạn với mục tiêu dài hạn, giữa mong muốn cần thành tích ngay với việc tạo ra sự khác biệt lớn, cho sự phát triển của tỉnh trong dài hạn, tầm nhìn thậm chí có thể là 100 năm. Có vậy, những cơ hội từ hội nhập kinh tế mang lại cho sự phát triển của địa phương mới được hiện thực hóa một cách hiệu quả - ông Trung khuyến nghị.

Phạm Huyền