Quy định của pháp luật về việc nhập khẩu và phân phối thịt khá chặt chẽ nhưng thực tế quản lý lại trái ngược khiến việc truy tìm chủ nhân thật sự của lô hàng rất khó khăn.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh, TP HCM - cho biết đến chiều 24/12, vẫn chưa xác định được chủ lô hàng 12 tấn thịt bò Úc, Canada đã hết hạn sử dụng gần 2 năm được phát hiện ở kho Nhan Lý (5B/19K Trần Đại Nghĩa, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh).
Chủ lô hàng... biến mất
Theo ông Nguyên, trường hợp không tìm được chủ lô hàng thì chủ kho phải chịu trách nhiệm toàn bộ về lô hàng. Do đó, phía kho Nhan Lý hứa sẽ cung cấp bằng chứng về chủ nhân thực sự của lô hàng.
Lần theo thông tin trên nhãn của một số thùng thịt bò bị tạm giữ, thể hiện đơn vị nhập khẩu là Công ty CP Nhất Nguyên Phương, chúng tôi đến trụ sở doanh nghiệp này tại số 15 Triệu Quang Phục, quận 5 để tìm hiểu thêm thông tin nhưng đến nơi lại thấy địa chỉ này là phòng giao dịch kiều hối của một ngân hàng. Đến showroom của công ty tại 314 Trần Hưng Đạo B, quận 5 thì lại gặp cửa hàng kinh doanh thực phẩm chức năng. Người bán cho biết trước đây địa chỉ này có bán thịt bò nhưng hiện không còn nữa. Lần theo các số điện thoại liên quan thì được thông báo số máy không có thật hoặc số điện thoại đã được chuyển hướng.
Lượng thịt bò ngoại quá đát đang bị cơ quan chức năng tạm giữ |
Hết đát do quản lý kém
Nhận xét về lô thịt bò đông lạnh ngoại hết hạn sử dụng, TS Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng VI, cho biết có thể do tiêu thụ không kịp và nhất là quản lý hàng kém. “Hàng đông lạnh thường phải phân thành khu vực đỏ - vàng - xanh tương ứng với hạn sử dụng, hàng có cảnh báo đỏ phải được xuất ra trước. Nếu người quản lý kho không có kinh nghiệm cứ nhập về ào ào, khi bán ra tiện đâu lấy đó thì hàng tồn dễ thành hết đát” - ông Bình lý giải.
Hơn nữa, bò đông lạnh nhập về được xếp vào hàng cao cấp, được bán chủ yếu cho các nhà hàng 4-5 sao. Do đó, ông Bình phủ nhận khả năng doanh nghiệp nhập thịt bò đã hết đát về vì cơ quan chức năng không cho nhập dù chỉ để làm dùng thức ăn gia súc.
Theo ông Bình, Cơ quan Thú y Vùng VI kiểm soát hàng nhập về các cảng khu vực TP HCM. Sau kiểm tra hàng đạt chất lượng mới cho thông quan. Hàng lưu thông nội địa sẽ do lực lượng thú y và quản lý thị trường quản lý. Doanh nghiệp khai báo đem hàng về đâu thì thông tin sẽ được gửi đến cơ quan thú y nơi đó để giám sát việc nhập hàng. Khi hàng xuất bán cũng phải được thú y địa phương cấp giấy kiểm soát.
Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra không như vậy khi mà việc quản lý lại dựa vào khai báo của doanh nghiệp. Như vụ 12 tấn thịt bò ngoại hết đát tại kho Nhan Lý, vì hàng được gửi trong kho hải sản nên cơ quan thú y dù muốn kiểm tra cũng không được. Đợt kiểm tra vừa qua cũng xuất phát từ việc bắt quả tang lượng hàng hết đát gần 800 kg bên ngoài, sau đó phải có lực lượng liên ngành của huyện Bình Chánh thì mới có thể kiểm tra kho.
Khô heo đội lốt khô bò Theo Trạm Thú y huyện Bình Chánh, hiện có tình trạng cơ sở sản xuất đăng ký sản xuất khô heo, toàn bộ nguyên liệu đầu vào được kiểm soát đúng quy định nhưng khi ra thị trường, tiểu thương lại phù phép thành khô bò. Lý do là các cơ sở khi bán sỉ ra thị trường thường đóng thành thùng lớn, bán dưới dạng hàng xá cho tiểu thương nên nhãn không còn tác dụng. Khô heo này có hình dáng rất giống khô bò vì được sản xuất với cùng công thức và gia vị, giá bán tại chợ lẻ từ 400.000-420.000 đồng/kg trong khi giá sỉ chỉ khoảng 220.000 đồng/kg. |
(Theo NLĐ)