- Cục diện ngân sách thay đổi bất ngờ vào phút 89, từ dự báo hụt thu tới hơn 25.000 tỷ đồng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua đã chuyển thành vượt thu tới 0,33%.

Thu ngân sách vượt dự toán 1%

Trong suốt hai quý cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng luôn đau đầu với túi tiền quốc gia, khi hàng loạt địa phương báo cáo lên chỉ thu được 50-60% dự toán. Hàng loạt nguồn thu từ thuế bị sụt giảm vì có tới hơn 66% các doanh nghiệp còn hoạt động khai báo không có lãi, không thể nộp thuế.

Thế nhưng, những ngày cuối năm, kết quả cho thấy bội chi không vỡ trận. Ngân sách đã vượt thu.

Công bố tại hội nghị ngành tài chính sáng 30/12 đã cho thấy, túi tiền ngân sách đã hồi phục một cách ngoạn mục.

Bộ Tài chính cho biết, những tháng cuối năm, với tinh thần phấn đấu quyết liệt, tăng cường xử lý nợ đọng thuế, kiểm tra chặt chẽ chi hoàn thuế GTGT,... kết quả đến nay ước tổng thu NSNN (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đạt khoảng 99% dự toán (loại trừ số ghi thu - ghi chi, thì thu cân đối đạt khoảng trên 97% dự toán), tăng thêm trên 16.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.

{keywords}
Ngân sách bất ngờ vượt thu vào phút chót (ảnh minh họa)

Trong đó, riêng khoản thu cổ từ và lợi nhuận từ DNNN vào NSNN đã lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, ngoài ra, thu tiền sử dụng đất đạt khoảng 42.500 tỷ đồng, vượt trên 3.300 tỷ đồng so số báo cáo Quốc hội,...

Số tăng cân đối thu thêm đã đảm bảo thanh toán 14.800 tỷ đồng nợ hoàn thuế GTGT phát sinh năm 2013. Các địa phương trọng điểm thu ước đạt và vượt dự toán thu trên địa bàn, như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc,...

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói: “Đứng báo cáo mà chân vẫn run vì không ngờ vượt qua chỉ tiêu rất khó khăn”.

Trên cơ sở số thu 9 tháng đầu năm và làm việc với các địa phương, Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội vừa qua đã dự kiến thu năm 2013 hụt 25.200 tỷ đồng, không kể các khoản xử lý ghi thu - ghi chi ngoài dự toán là 38.430 tỷ đồng thì ngân sách thu hụt 63.630 tỷ đồng. Cũng vì lý do này, trước luồng phản ứng gay gắt từ các chuyên gia kinh tế, Chính phủ đã phải điều trần với Quốc hội để được thông qua đề xuất nâng bội chi ngân sách từ 4,8% GDP lên 5,3%. Nhiều đại biểu Quốc hội ban đầu không đồng tình nhưng rốt cục, cũng phải giờ tay bấm nút thông qua.

Ông Sửu cho hay, 9 tháng Hà Nội mới thu 87.382 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm. Sau khi thành lập Ban chỉ đạo điều hành ngân sách và Ban chống thất thu ngân sách, thu đạt 162.035 tỉ đồng bằng 100,73% dự toán.

Với kết quả trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, ngành tài chính đã phấn đấu đạt dự toán và đảm bảo bội chi thấp hơn 5,3%, đảm bảo trả nợ hoàn thuế GTGT 2013, dự toán là 71 nghìn tỷ đồng hoàn thuế GTGT đến hôm qua (29/12/2013) đạt 91,50 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm, giảm bội chi

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả thu ngân sách của Bộ Tài chính.

Theo ông, trong tình hình khó khăn, tưởng chừng như ngân sách hụt thu, nhưng kết quả đã vượt dự toán được 16.000 tỷ đồng trong khi đó đã tiết kiệm, cắt giảm chi khoảng 22.700 tỷ đồng. Nhờ thu ngân sách có vượt được dự toán mới đảm bảo được kế hoạch chi và an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

{keywords}
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt là cắt giảm các khoản chi cho hội nghị, xăng xe, điện thoại...

Thậm chí, Thủ tướng cho biết: “Chỉ còn hai ngày nữa là hết năm và tính đến hết năm, có thể thu ngân sách vượt dự toán được 1% đó là điều rất đáng mừng”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, khi vượt thu thì phải tính toán giảm ngay bội chi vì đây là việc có ý nghĩa lớn đối với an ninh tài chính quốc gia.

Năm 2014, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải tập trung thu ngân sách đạt kế hoạch ngay từ đầu năm. Nhưng việc thu là phải đúng theo pháp luật, chứ không phải là tận thu. Ngành tài chính phải tìm mọi cách ngăn chặn việc trốn thuế lách thuế qua tạm nhập tái xuất, hoàn thuế VAT, chuyển giá... để xử lý nghiêm gian trong lĩnh vực thuế..

Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm từ năm 2013, đạt kế hoạch ngày từ đầu năm.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ tiết kiệm chi. Đặc biệt là chi hội nghị tiếp khách, tiền xăng xe điện thoại và rồi chi đi nước ngoài vẫn còn lớn.

“Chính phủ đã chỉ đạo báo cáo nghiêm túc, tập tuấn, đi ra nước ngoài thúc đẩy hội nhập, mở đầu đầu tư, mở rộng thị trường nhưng phải hết sức tiết kiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng yêu cầu Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lại toàn bộ 14 khoản chi, xem có khó khăn, vướng mắc gì để kiến nghị lên.

Năm 2014, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự toán thu được Quốc hội phê duyệt là 782.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, bộ đã yêu cầu ngành thuế, hải quan phấn đấu tăng thu 3-5%.

Dự toán chi là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so dự toán năm 2013, trong đó phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi (chi trả nợ 15.000 tỷ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỷ đồng, chi quốc phòng, an ninh và một số chính sách và nhiệm vụ mới).

Như vậy, thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013, rất thấp so với nhu cầu chi, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm.

Để cân đối, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2014 chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Bố trí chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên còn lại (sau khi đảm bảo tiền lương, chính sách chế độ cho con người) đều thấp hơn so với dự toán năm 2013.

Phạm Huyền