Từng được vinh danh là một trong những doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, bầu Đức đang chứng minh cho điều mà ông ấp ủ từ lâu: “không giàu nhất thì cũng phải được nhớ đến nhất”.

Sở hữu khối tài sản lên tới gần 6.500 tỷ đồng, liên tục nắm giữ vị trí người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt nhiều năm liền, ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một trong những doanh nhân quen mặt nhất với giới đầu tư và truyền thông Việt Nam. Nhưng bầu Đức cho rằng, mình làm vì đam mê chứ không phải vì tiền.

Nói đến bầu Đức, người ta sẽ nhớ đến một người con phố núi sinh trưởng trong gia đình nghèo, đông anh em, khởi nghiệp sau 4 năm vấp ngã trước ngưỡng cửa trường đại học. Nhắc đến thất bại trong “sự học”, bầu Đức thường cười mà rằng “Nếu không thất bại trong con đường học vấn, chắc gì tôi đã có ngày hôm nay”. 

Sau 30 năm lập nghiệp với nhiều thăng trầm, bầu Đức đã có trong tay một doanh nghiệp với mức vốn hóa gần 15.000 tỷ đồng, hàng loạt nông trường cao su, mía, nhà máy thủy điện ở Đông Dương, sở hữu những mảnh đất vàng đắt giá tại Myanmar và học viện bóng đá nổi tiếng nhất Việt Nam.

Dù khối tài sản bằng cổ phiếu của vị này mới chỉ khoảng 300 triệu USD, nhưng bầu Đức đã nuôi tham vọng có tên trong danh sách tỷ phú thế giới. Giống như những đại gia siêu giàu tại Việt Nam, tài sản của ông Đức khó có thể đo đếm hết được, như chính ông từng tiết lộ là “tiêu 5 đời không hết”. 

{keywords}
Bầu Đức

Ông là doanh nhân Việt đầu tiên sắm máy bay riêng để di chuyển, xem chiếc máy bay như cái xe máy, dù giá trị của nó lên tới hàng triệu USD. Ông cũng từng có ý định mua CLB bóng đá Arsenal với giá 600 triệu USD khi tiền cầm trong tay quá nhiều không biết làm gì, trong khi bản thân sẵn mê bóng đá. Tuy nhiên, ý định này của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai đã không được toại nguyện, bởi luật khi đó chưa cho phép doanh nghiệp đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Trong kinh doanh, người ta dễ thấy bầu Đức mang trong mình cả sự thận trọng lẫn máu liều. Ông được xem là mẫu doanh nhân "biết sợ" của thị trường, khi những dự án của Hoàng Anh Gia Lai đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn tới 300%. Lúc đó, bầu Đức đã đặt câu hỏi "làm gì có chuyện buôn bán mà lời dữ vậy", và ông quyết định mang vốn sang nước ngoài làm ăn. 

Hay như thời điểm nhiều tập đoàn chuyển hướng đầu tư từ ngành thế mạnh sang mảng tài chính ngân hàng, bầu Đức cũng cương quyết nói không với HĐQT, vì “chúng ta không biết gì về tài chính, mà không biết thì không làm”. 

Thế nhưng khi cần, vị này vẫn có thể ra quyết định táo bạo, ví như lần “lừa” cổ đông trong kế hoạch đầu tư sang Myanmar (không công bố rộng rãi với cổ đông về kế hoạch mang tiền đầu tư sang bất động sản Myanmar vì ngại người ta cho rằng đang “nổ”).

Năm 2013 vừa qua, cái tên ông bầu đội bóng phố núi càng được hâm nóng, khi hàng loạt kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vướng vào scandal. 

Đầu tiên là việc tổ chức nhân chứng toàn cầu (Global Witness) đưa ra báo cáo, cho rằng các hoạt động kinh doanh tại Campuchia, Lào của Hoàng Anh Gia Lai là phớt lờ pháp luật, phá hoại tài nguyên và tham nhũng, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Đáp trả lại động thái trên, bầu Đức phủ định mọi cáo buộc, cho rằng đơn vị này đang PR và muốn đòi viện trợ, đồng thời mời đại diện tổ chức này đến để thị sát trực tiếp.

Sóng gió chưa lui xuống thì đến cuối năm, dự định mang mía đường sản xuất từ Lào về Việt Nam để xuất sang Trung Quốc lại bị Hiệp hội Mía đường phản đối, dù đã được Bộ Công thương “bật đèn xanh”. Mới đây, một dự án resort 5 sao của Hoàng Anh Gia Lai triển khai ở Đà Nẵng đã bị địa phương này ra tối hậu thư, dọa thu hồi.

Bức tranh về một năm sóng gió nhưng thành công của bầu Đức không thể không kể tới trái ngọt là đội tuyển U19 Việt Nam. Lấy nòng cốt là các học viên học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, đội tuyển U19 Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của người hâm mộ, mà còn ghi dấu ấn của một trong những doanh nhân làm bóng đá tốt nhất thời điểm hiện tại. 

Khi Hoàng Anh Gia Lai mở học viện này với mức đầu tư khổng lồ, nhiều người đã nghĩ, với số tiền ấy, ông Đức hẳn đã mua được vài đội bóng tại sân chơi chuyên nghiệp mà không cần chờ đợi thời gian dài. 

Thế nhưng, cùng với sự thành công của "những đứa con bóng đá” và sự kiện Running Man Vũ Xuân Tiến được truyền thông quốc tế đón nhận rộng rãi, tên tuổi của ông bầu này và tập đoàn đã có một bước tiến dài trên cuộc chiến thương hiện và ghi dấu nổi bật trên lĩnh vực marketing.

Vượt trên những khó khăn của năm tài chính 2013, dù có lúc phải “phá giá” căn hộ mở bán tại TP.HCM, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vẫn đạt lợi nhuận trước thuế tính đến quý III là khoảng 256 tỷ đồng. Tại Myanmar, số tiền đầu tư của HAG đã lên tới 1.200 tỷ đồng. 

Theo thông tin tại bản cáo bạch mới nhất của tập đoàn, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai dự định đổ khoảng 500 triệu USD (tương ứng 10.000 tỷ đồng) vào các dự án cao su, thủy điện, mía đường tại Đông Nam Á.

Nhận xét về chính mình, bầu Đức bảo bản thân rất giản dị, và cái may mắn của ông là "lắm tài, nhiều của mà lại không có tật". Không chân dài, không du lịch trong suốt 20 năm qua, vị này tận dụng mọi thời gian có thể cho công việc, khi làm việc thì tính toán cặn kẽ, vì ông "không cho không ai cái gì bao giờ", nhưng kinh doanh lại vì đam mê chứ không vì kiếm tiền. 

(Theo Tri thức)