Khung cảnh buôn bán "hàng Trung Quốc" ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội vẫn tấp nập như không hề có chuyện gì xảy ra sau thông tin quần áo trẻ em xuất xứ từ nước này chứa chất gây ngớ ngẩn, mặc dù các bà mẹ "thông minh" đã đổ xô đi mua hàng mang nhãn hiệu Việt.
Không ai kiểm tra, không ai xác nhận, dư luận lắng xuống mọi thứ lại đâu vào đó. Mối họa từ hàng hóa kém chất lượng sẽ đổ ập lên đầu người tiêu dùng lúc nào không hay biết?
Dạo một vòng quanh khu chợ sầm uất Đồng Xuân nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, tất cả các loại hàng hóa của các khu vực hàng gia dụng, hàng quần áo, hàng giày dép, túi xách, đến hàng thực phẩm, nông sản… gần như 99% đều có xuất xứ từ hàng Trung Quốc.
Bà Liên, chủ một sạp quần áo trẻ em ngạc nhiên rằng, tại sao chúng tôi lại đến chợ Đồng Xuân để hỏi hàng Việt Nam xuất khẩu, vì lý do 100% các sạp quần áo ở đây không ai nhập hàng của Công ty Việt Nam sản xuất để về bán. Khách hàng ở các khu chợ này đều là khách mua sỉ, biết rõ nguồn gốc hàng hóa rồi nên công việc không có gì trở ngại, mặc dù có thông tin có chất độc hại. Từ dây chun buộc tóc, đến găng tay len, tất len,… đều có giá cực kì rẻ.
Hàng Trung Quốc ở chợ Đồng Xuân |
Chị Linh chủ một shop quần áo cũng thường xuyên đến đây nhặt hàng "độc" vì muốn kén chọn mẫu mã đầu tư cho công việc của mình, còn thông thường chỉ cần gọi điện là các đầu mối ở chợ Đồng Xuân chuyển luôn đến tận nhà. Dường như tất cả mọi người ở đây đều không để ý đến thông tin hàng Trung Quốc chứa chất độc hại tràn ngập trên báo chí mấy ngày hôm nay. Hầu hết xuất xứ hàng ở đây cũng từ Trung Quốc.
Chị Mai, một chủ cửa hàng cho biết, tất cả hàng hóa đều do một tay chị đi sang Vân Nam (Trung Quốc) chọn hàng, chọn từng chiếc một với giá cao hơn so với những nguồn hàng trôi nổi khác nên không sợ các chất bảo quản. Chị Mai cho biết những hàng hóa này ở Trung Quốc đều được mọi người dân nước này sử dụng, không chỉ để bán cho người Việt nên hoàn toàn có thể yên tâm. Về thông tin các chất độc hại gây ngớ ngẩn, một khi cơ quan chức năng ở Việt Nam có thông báo chính thức, chị mới ngừng nhập quần áo trẻ em của Trung Quốc.
TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa Trường Đại học Tự nhiên-Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, NPE (nonylphenol ethoxylates) trong công nghiệp là một chất hóa học được biết đến với tác động xấu làm ảnh hưởng tới hệ sinh sản và da của con người. Chất này bốc hơi kém nên có thể vẫn còn lưu lại sau nhiều lần giặt.
Mặt khác theo thông tin từ Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết: NPE được Tổ chức Hòa bình xanh phát hiện trong quần áo trẻ em Trung Quốc là chất được sử dụng trong sản phẩm dệt may, giấy, chất tẩy rửa và được sử dụng với hàm lượng không quá 0,1% trên trọng lượng sản phẩm. Việc cấm triệt để loại hóa chất này mới chỉ được Cục Hóa chất Thụy Điển kiến nghị lên Cục Hóa chất châu Âu. Còn đối với Việt Nam hiện nay, vẫn chưa có quy định nào về chất NPE nên việc sử dụng chất này vẫn được coi là không vi phạm.
Việc NPE là một chất độc hại, ảnh hưởng tới hệ sinh sản, da của con người đã được kiểm chứng và cảnh báo. Theo nghiên cứu mới nhất, các chất NPE là một nhóm các hóa chất được sử dụng trong sản xuất dệt, đặc biệt như là chất hoạt động bề mặt và chất tẩy rửa. NPE có thể bẻ gãy thành NP, là chất bền vững, tích lũy sinh học, độc và làm rối loạn nội tiết. NP rất độc với sinh vật thủy sinh và có thể gây ảnh hưởng xấu lâu dài trong môi trường thủy sinh.
Chị Thủy, ở Láng Hạ, Đống Đa cho biết, vì thu nhập hàng tháng, chị vẫn mua quần áo trung quốc để sử dụng, nhưng mỗi lần mua về chị đều ngâm nước nóng hoặc luộc quần áo một phương pháp để giảm bớt lượng chất độc mà chị nghĩ có tồn tại trong màu nhuộm. Nhưng sau khi có thông tin quần áo trẻ em có chất gây ngớ ngẩn, chị lập tức loại hết tất cả quần áo đã mua, kiên quyết sẽ chỉ dùng đồ Việt Nam. Mặc dù giá thành và mẫu mã không rẻ và đẹp như hàng Trung Quốc nhưng yên tâm hơn ở độ an toàn, không độc hại.
Singapore đã thu hồi 300-400 thú nhún đồ chơi có hình dạng con bò, tuần lộc và ngựa vì phát hiện chứa chất phthalates độc hại, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng đã lấy 2 mẫu thú nhún được sản xuất tại Trung Quốc gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 để thử nghiệm chỉ tiêu hợp chất phthalates. Kết quả cho thấy, trong 16 chỉ tiêu phân tích, 1 mẫu thú nhún màu vàng có tổng lượng các chất phthalates là hơn 5.000mg/kg. Trong đó, chất phathalic acid bis butyl ester hơn 140mg/kg và phathalic acid bis ethyl ester là gần 5.000mg/kg. Làm thế nào để tránh chất độc hại? Đính kèm cảnh báo về quần áo trẻ em Trung Quốc chứa chất độc hại, USA Today Mỹ đưa ra lời khuyên: người dân nên chọn mua quần áo trẻ em nhạt màu, không phai, không có dạ quang theo khuyến cáo của Tổng cục Giám sát chất lượng của Trung Quốc ngay sau khi tổ chức môi trường Greenpeace (Hòa bình xanh) chi nhánh tại Đài Loan đã công bố kết quả đáng lo ngại như trên. Phân tích 85 mẫu thu thập từ hai trung tâm sản xuất quần áo trẻ em lớn nhất Trung Quốc là thành phố Trị Lý (Chiết Giang) và Thạch Sư (Phúc Kiến) cho thấy hơn một nửa số mẫu có chứa NPE - một chất làm rối loạn và phá hủy hormone, gây vô sinh và hơn 90% có chứa antimony, một thành phần hóa học được sử dụng để chế tạo đạn. Hai trung tâm sản xuất hàng may mặc được điều tra nói trên chiếm đến 40% tổng sản lượng quần áo trẻ em Trung Quốc, theo Greenpeace. Thành phố Thạch Sư xuất khẩu đến 80% sản lượng, chủ yếu tới Trung Đông, Đông Nam Á, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ. Người dân tại chính nước này cũng hoang mang về thông tin mà Hòa bình xanh đưa ra trên các trang mạng Trung Quốc, người tiêu dùng cũng khuyên bảo nhau nên giặt và phơi quần áo dưới ánh sáng mặt trời một ngày liền trước khi cho trẻ em sử dụng. |
(Theo CAND/CSTC)