Các đại gia trong giới mì tôm như Vina Acecook, Asia Food hay Masan Food sẽ không dại gì là “con dê đi trước trên cây cầu có nguy cơ gãy”...
Nỗi sợ là “con dê đi trước trên cây cầu có nguy cơ gãy”
“100% sản phẩm mì gói tại Việt Nam chứa acid oxalic gây sỏi thận” là thông tin rất sốc đối với người tiêu dùng Việt Nam, thị trường tiêu thụ mì tôm lớn thứ 4 trên thế giới với 5,1 tỷ gói/năm (2012). Thông tin này có thể ngay lập tức gây ảnh hưởng tới doanh thu của hãng mì nào đó nếu sản phẩm của họ bị công bố có chứa acid oxalic. Nhưng ở đây, 100% sản phẩm mì gói Việt Nam đã được công bố là có chất này đồng nghĩa với việc “xấu cả làng chứ chả riêng ai”.
Các đại gia trong giới mì tôm như Vina Acecook, Asia Food hay Masan Food sẽ không dại gì là “con dê đi trước trên cây cầu có nguy cơ gãy” như thế. Vì chỉ cần một động thái không chính xác sẽ tạo ra sự sụp đổ thương hiệu ngay sau đó.
Bài học mì Tiến Vua biến mất sau khi mạnh miệng tuyên bố "không chứa Transfat” còn đó. Mì Tiến Vua từng gây được ấn tượng mạnh với người tiêu dùng qua đoạn quảng cáo không chứa chất béo Transfat có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi kiểm nghiệm, nhiều người mới ngã ngửa vì trong thành phần của mì cũng có Transfat. Sản phẩm mì Tiến Vua biến mất, các thương hiệu còn lại đã chiếm ngay thị phần sản phẩm này để rơi ra.
Đây không phải là lần đầu mì tôm dính nghi án liên quan đến chất lượng |
Thực phẩm liên quan tới sức khỏe chứ không phải là ngành giải trí. Một khi mang tiếng xấu sẽ không thể phục hồi lại hình ảnh thương hiệu như cũ. Masan không tuyên bố Tiến Vua đã chết nhưng đến thời điểm này, mì Tiến Vua cũng không còn chỗ đứng trên thị trường.
“100% mì tôm có chất gây sỏi thận”, nhưng vấn đề là ngành y tế, Cục An toàn thực phẩm đã cho ra một tiêu chuẩn và ngưỡng cho phép trên sản phẩm hay chưa? Thực tế có nhiều chất có hại cho sức khỏe vẫn tồn tại trong các sản phẩm tự nhiên như bột mì chứ không phải hóa chất thêm vào.
Trong trường hợp này là chưa. Do đó, cơ quan chức năng phải có biện pháp áp chế như các nước phương Tây như công bố thông tin và yêu cầu thu hồi hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm để tiêu hủy và xử lý. Xây dựng chặt chẽ luật về đảm bảo sức khỏe của con người để không có tình trạng Cục ATTP công bố không tốt mà sản phẩm vẫn lưu hành trên thị trường.
Sức khỏe con người chứ không phải là ai ăn thì ăn, ai bệnh thì bệnh còn tiền thì vẫn chảy vào túi các công ty mì gói.
Nếu ăn mì tôm mà mắc bệnh, chắc chắn NTD sẽ tẩy chay
Trên khía cạnh xử lý hình ảnh thông tin, các công ty mì gói phải có trách nhiệm với sản phẩm và với khách hàng của mình sớm nhất. Vấn đề đặt ra cho các công ty mì gói lúc này là phải chứng minh mình là thương hiệu tốt với khách hàng, sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng xử lý và làm rõ về chất lượng sản phẩm.
Ví dụ điển hình nhất là trong trường hợp của ngành sữa, khi công ty Fonterra bị phát hiện cung cấp nguyên liệu sữa nhiễm khuẩn cho các công ty sữa, trong đó có Việt Nam, Vinamilk là công ty đầu tiên có những động thái hợp tác để đảm bảo tính minh bạch chất lượng sản phẩm.
Abbott cũng đã nhanh chóng công bố thông tin về lô hàng nghi nhiễm khuẩn và cho thu hồi ngay sản phẩm. Đối với những sản phẩm đã được dùng, Abbott sẵn sàng hợp tác đưa các bé đi xét nghiệm để đề phòng sức khỏe cho các bé. Động thái nhanh chóng vào cuộc và xử lý khủng hoảng như trên đã cho thấy hình ảnh công ty này vẫn tốt trong mắt khách hàng.
Đó là bài học quản trị thương hiệu lớn tại Việt Nam, mà các doanh nghiệp nên học hỏi.
Vì thế, trong vụ mì tôm chứa acid oxalic này, chốt lại thông điệp gửi tới cho các doanh nghiệp sản xuất mì tôm: Hãy tôn trọng khách hàng hoặc sẽ bị khách hàng đưa vào sổ đen tiêu dùng. Các công ty sản xuất mì gói đang sản xuất thức ăn, thực phẩm nuôi sống con người chứ không phải giết chết con người từ từ. Họ không nên chỉ biết kiếm tiền mà phải có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội bằng chính sản phẩm của mình. Nếu ăn mì tôm mà bị bệnh thì chắc chắn dù có ngon đến đâu, người tiêu dùng cũng sẽ tẩy chay.
(Theo GDVN)