“Nhiều lao động bị ù tai, thậm chí điếc tai, ngất xỉu, dị tật thai nhi khi phải kiểm tra các thiết bị điện tử” - đây là nhận định của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) vừa công bố.
“Nhiều lao động bị ù tai, thậm chí điếc tai, ngất xỉu, dị tật thai nhi khi phải kiểm tra các thiết bị điện tử” - đây là nhận định của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) vừa công bố qua nghiên cứu “Tác động ban đầu về an toàn môi trường và sức khỏe nghề nghiệp trong một số nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử ở Việt Nam”.
Những ẩn họa không ngờ
Lao động Nguyễn Thu Huệ (Lạng Sơn) từng làm tại Công ty Samsung (Bắc Ninh) nói: “Em làm ở bộ phận test (kiểm tra) điện thoại, liên tục phải nghe để kiểm tra các chức năng của điện thoại. Em thường bị ù tai trong suốt quá trình làm việc và em sợ nhất là phải kiểm tra các cuộc gọi “ảo”, vì lúc đó sóng điện thoại rất mạnh. Bình quân một ca em phải kiểm tra 76 chiếc”.
Lao động có thể mắc hàng trăm chứng bệnh từ ngành công nghiệp chế tạo điện tử |
Huệ tâm sự, ngay trước khi vào làm đã được bạn bè cảnh báo về sự nguy hiểm trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, vì nhà nghèo, học xong cao đẳng không tìm được việc nên cô chấp nhận xin vào đây làm để tích luỹ có tiền đi học tiếp.
“Khi làm em mới thấy sợ bởi quá mệt. Thậm chí, ngày nào cũng có người ngất, có hôm có đến 3-4 người và bị ngất nhiều vào những ngày chuyển ca. Lên phòng y tế, nghỉ ngơi, uống trà gừng khoảng 30 phút rồi lại xuống xưởng làm tiếp” – Huệ kể lại. Trước đó, vào tháng 5.2012 cũng tại công ty này đã có hàng trăm lao động ngất xỉu khiến công nhân rất hoang mang.
Nghiên cứu của CDI cũng đề cập tới vấn đề này khi tiến hành khảo sát tại các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử ở các khu công nghiệp Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương.
Bà Ngô Vân Hoài - Trưởng nhóm cho biết, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử, cũng như chương trình nâng cao nhận thức các tác động tiêu cực của ngành này đối với sức khỏe con người và môi trường.
Kết quả nghiên cứu ban đầu của CDI cho thấy, điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động. Đặc biệt là ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chíp, test chức năng, tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm, bức xạ ion hóa và không ion hóa, những công việc căng thẳng, làm đêm với độ dài ca 9-12 giờ… có thể ở mức đặc biệt độc hại, nguy hiểm. Nghiên cứu này chưa đưa ra tỷ lệ công nhân mắc bệnh, nhưng theo bà Hoài, con số đó không hề nhỏ.
Cần bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp
Thừa nhận những đóng góp tích cực mà ngành công nghiệp điện tử mang lại trong việc giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động phổ thông khu vực nông thôn và góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo... nhưng bà Nguyễn Ngọc Ngà - Phó Chủ tịch Hội Y học lao động Việt Nam vẫn cho rằng cần phải tập trung đánh giá, nghiên cứu toàn diện về an toàn trong ngành điện tử và phải ban hành các tiêu chuẩn.
Trước thông tin có hàng trăm lao động ngành điện tử bị ảnh hưởng sức khỏe, ông Đặng Quang Điều - Trưởng ban Chính sách và Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng vấn đề này còn khá mới ở Việt Nam. Trong khi đó, các thông tin này doanh nghiệp không công khai, vì vậy công đoàn không có thông tin để cảnh báo người lao động.
Ông Ted Smith - Chương trình Vận động quốc tế về công nghệ có trách nhiệm của Mỹ cho biết, năm 1993 Mỹ đã buộc các công ty lắp ráp điện tử phải công khai danh mục hóa chất sử dụng. Đồng thời yêu cầu các công ty phải có kế hoạch tập huấn, trang bị kiến thức cho công nhân để họ có biện pháp phòng vệ.
Với mức độ nguy hiểm này, bà Ngô Vân Hoài cho rằng nên sớm xem xét, rà soát đưa nghề sản xuất, lắp ráp điện tử vào danh mục nghề, công việc độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế ban hành.
"Hiện trên cả nước có hơn 500 nhà máy, công ty điện tử, thu hút hơn 200.000 lao động. 3/4 công nhân tại các công ty là nữ, hơn 80% lao động nữ ở độ tuổi từ 18-30. Những lao động này đều đang ở độ tuổi sinh sản nên yêu cầu đảm bảo an toàn lao động lại càng trở nên cấp thiết hơn”. Bà Ngô Vân Hoài - Trưởng nhóm CDI |
Theo Dân Việt