- Ngoại thành TP.HCM và các tỉnh lân cận đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi sạch để có những sản phẩm thịt an toàn. Tuy nhiên, đến Tết, việc tiêu thụ nguồn hàng sạch này lại không hề dễ dàng.

Từ hơn hai năm nay, ông Đặng Văn Được ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM đã được Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất, với quy trình chăn nuôi sạch và an toàn VietGAP. Tổng đàn heo của gia đình ông hiện là trên 400 con, kể cả heo thịt và heo nái.

Ông Được cho biết: “Tôi tham gia mô hình này với mong muốn sẽ tạo ra những sản phẩm thịt sạch để vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho người dân, vừa nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ được sản phẩm rất khó vì không biết làm sao để xây dựng thương hiệu”.

{keywords}
Đàn heo sạch đang bí đầu ra ở một số xã ngoại thành TP.HCM (ảnh N.Phong)

Trong khi đó, dự án nuôi heo an toàn của HTX Tiên Phong triển khai cách đây hai năm, nhưng việc tìm đường vào thị trường Tết cũng vất vả không kém. Hiện có 12 hộ chăn nuôi ở hai huyện Củ Chi và Hóc Môn đang áp dụng nuôi theo mô hình an toàn, có kiểm soát, ghi chép từ đầu vào đến đầu ra. Tết Giáp Ngọ năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm bán trôi nổi, đàn heo sạch khoảng hơn 3.000 con của HTX sẽ được một công ty thực phẩm bao tiêu toàn bộ với giá thị trường. Tuy vậy, để HTX này tự mày mò tìm đường tham gia vào thị trường Tết vẫn là điều khó.

Ông Trầm Quốc Thắng, Phó Chủ nhiệm HTX chia sẻ: “Chưa có sản phẩm thịt heo VietGAP nào của HTX đến tay người tiêu dùng với chứng nhận thịt sạch, có xuất xứ rõ ràng. Chính điều này đang gây khó khăn trong việc triển khai mô hình chăn nuôi heo sạch ở Tiên Phong cũng như tại các trang trại khác. Do chưa được nhận diện thịt an toàn, giá bán ngang bằng với thịt heo chăn nuôi thông thường nên lợi nhuận mang lại cho người nuôi heo an toàn trong HTX không cao, không thu hút được đầu tư tăng đàn.

Đối với người tiêu dùng, những sản phẩm sạch thực sự vẫn hay bị hoài nghi và đánh đồng với nhiều loại thực phẩm khác.

Chị Minh Anh, ở Phan Văn Trị (Bình Thạnh), cho hay: “Chọn thực phẩm thế nào để đảm bảo an toàn vệ sinh cho cả gia đình trong dịp Tết là nỗi băn khoăn của hầu hết các bà nội trợ. Cũng nghe loáng thoáng trên thị trường TP.HCM Tết năm nay sẽ được tăng cường thực phẩm an toàn, nhưng thông tin về các sản phẩm này tôi vẫn chưa rõ. Tìm kiếm tại các siêu thị cũng chưa thấy sản phẩm nào mới được chứng nhận sản xuất an toàn”.

Với thị trường Tết, thực phẩm an toàn đáng ra phải là tâm điểm chú ý người dân thì nay họ phải loay hoay tìm kiếm. Việc duy trì sản xuất theo quy trình tiên tiến đã được nông dân làm tốt, nhưng khi sản phẩm ra thị trường không được nhận diện sẽ rất lãng phí.

Ông Tôn Thất Sơn Phong, Giám đốc Dự án Lifsap, cho rằng: “Vấn đề nan giải nhất hiện nay chính là việc các sản phẩm chăn nuôi an toàn đang được bán đồng thời, đồng giá như những sản phẩm chăn nuôi không an toàn. Điều đó vừa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, vừa gây ra những chán nản cho người chăn nuôi”.

Thực phẩm Tết: Cung vượt cầu

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, các sản phẩm chăn nuôi như gia súc, gia cầm sẽ đảm bảo đủ để phục vụ cho thị trường dịp Tết sắp tới. Một số sản phẩm như trứng, thịt gia cầm thời gian trước Tết còn có dấu hiệu cung vượt cầu. Riêng về giá cả và thị trường, nếu có sự quản lý tốt của các cơ quan chức năng thì khó có sự biến động về giá.

Về giá cả, ông Vân nhận định nếu có sự quản lý tốt của ngành công thương về mặt thị trường và công tác chống buôn bán nhập lậu thì khó có sự biến động về giá.

Theo ông Vân, năm 2013, ước tính đến tháng 10/2013, tổng sản lượng thịt các loại tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng về sản lượng các loại thịt xuất chuồng cao hơn so với các tháng trước đó, đưa sản lượng thịt hơi các loại năm 2013 ước đạt 4,3 triệu tấn, tăng 1,49% so với năm 2012. Bảo Hân

Nam Phong