Hàng trăm lao động người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi đã hăng hái đi xuất khẩu lao động để xóa nghèo, nhất là khi được Nhà nước khuyến khích bằng hình thức hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp để nộp chi phí. Thế nhưng, giấc mộng phú quý chưa tới họ đã phải quay trở về quê, đối mặt với thực tế phũ phàng “tiền mất, tật mang”, gia đình li tán…

Vỡ mộng làm giàu…

Tiếp chúng tôi trong “cửa tiệm” sửa chữa xe máy tại thôn Nước Xuyên, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, anh Phạm Văn Thâu (dân tộc H’Re) kể, đến giờ anh còn chưa hết ngỡ ngàng khi nghĩ về những ngày đi làm nơi đất khách quê người. Năm 2010, khi tư vấn cho anh đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, Cty CPTM Châu Hưng cho anh hay, mỗi tháng anh sẽ nhận được 3,6 triệu đồng tiền lương.

{keywords}
Đi xuất khẩu lao động biền biệt rồi tự xin về trước thời hạn, anh Phạm Văn Thâu phải sửa xe và trồng keo lấy tiền trả nợ 

Nhưng đi tháng 8/2010, tháng 10/2011 anh Thâu xin về nước. “Lương đúng thỏa thuận, nhưng công việc nặng lắm, lại bị ép cường độ lao động. Trong khi đó, việc làm thêm không có nên ngoài khoản lương đã thỏa thuận, không có thu nhập gì thêm. Khi đi, công ty tuyển lao động nói mức thu nhập, nhưng không cho chúng tôi biết chi phí cũng cao như thế” – anh Thâu nói.

Ngay cả muốn làm việc thêm cũng không dễ, vì người lao động phải chấp nhận làm việc với cường độ cao từ 7h sáng đến 7h tối. Nếu đạt được điều kiện đó, người lao động mới được chấp nhận làm thêm từ 7h tối đến 12h đêm. “Cường độ lao động cao tới mức chúng tôi không chịu nổi. Lần đó, ở Ba Tơ mấy anh em đi cùng đợt đều phải bỏ về” – anh Thâu cho biết.

Anh Thâu bày tỏ, cũng là do công ty không tư vấn kỹ càng, người lao động không tìm hiểu thấu đáo, “tưởng có 3,6 triệu để ra gửi về nhà chứ 3,6 triệu tiền lương chỉ đủ ăn, ở quê chúng tôi làm lần hồi cũng đủ”. Thế là, sau bao nhiêu lâu đi làm xứ người, kết quả thu về được coi là “một chuyến du lịch giá cao” mà thôi.

Nói là giá cao, bởi anh và gia đình đã vay của Nhà nước 23,9 triệu đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả chi phí cho chuyến đi. Dù là vay lãi suất thấp nhưng vẫn là tiền vay nên gia đình vẫn phải trả. Thế là, lao đầu vào làm lụng trồng trọt, sửa xe, vừa rồi phải bán cả rẫy keo 3ha, nhà anh mới trả xong khoản nợ đó cho ngân hàng.

“Mắc kẹt” giữa “giấc mơ”

Câu chuyện đi xuất khẩu lao động để xóa nghèo của anh Thâu nghe thật tội, nhưng hóa ra xung quanh đó, làng trên, xã dưới không ít người chung cảnh ngộ như anh. Anh trai anh Thâu là Phạm Văn Thiết cũng thế, đi Malaysia được ít ngày, về gánh khoản nợ 23,9 triệu, vợ bỏ nhà đi cũng vì không chịu được cảnh nợ nần chồng chất, giờ anh Thiết bỏ đi khỏi địa phương không biết đi đâu.

Còn ông Phạm Văn Chảy giờ đây mỗi chiều vẫn ra cửa ngóng tin con trai là Phạm Văn Tiến đi xuất khẩu lao động quá hạn rồi chưa về, cũng chẳng có tin, cứ nghe nói đến xuất khẩu lao động lại tìm sang hỏi tin trong mong manh hy vọng. Khoản vay 24,3 triệu đồng của Nhà nước chưa trả được đồng nào, giờ cũng không biết lấy tiền đâu mà trả…

Đa phần những người lao động nghèo ở Quảng Ngãi đang “đi mắc núi, trở lại mắc sông” với mục đích xóa đói giảm nghèo không đạt được mà mang khoản nợ tiền vay chi phí đi xuất khẩu lao động là những người lao động về nước trước thời hạn, cả tự nguyện xin về và tự ý về nước.

Trò chuyện với người lao động, chúng tôi nhận thấy rằng người lao động chưa hình dung được môi trường làm việc, hoặc do thông tin tư vấn không đầy đủ, hoặc do môi trường lao động khắc nghiệt hơn so với thông tin mà người lao động được tư vấn. Trong khi đó, người lao động nghèo, đa phần ở những vùng khó khăn, lại chưa quen ý thức kỷ luật lao động công nghiệp, ngoại ngữ hạn chế, không có kỹ năng và trình độ đáp ứng tốt công việc và cuộc sống khi làm việc ở nước ngoài.

Một vấn đề mà các địa phương và người lao động phải giải quyết khi người lao động về nước trước thời hạn, đó là khoản tiền vay Nhà nước mà người lao động và gia đình phải trả. Ngoại trừ một số lao động có thể trả được nhưng chây ỳ, không ít gia đình thuộc diện nghèo, không có tài sản, mà hồ sơ thủ tục không đáp ứng điều kiện xử lý nợ rủi ro. Đây là một kinh nghiệm để cả ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động phải khắc phục tận gốc, từ khâu tuyên truyền, tư vấn… nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo PLVN