- Ô tô xe nhập khẩu giảm giá, xe trong nước muốn cạnh tranh cũng phải giảm giá theo. Hiện các doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn có lãi cao, nếu không giảm giá khó tồn tại.
Xe nhập từ ASEAN sẽ lấn lướt?
Từ 1/1/2014, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN vào Việt Nam giảm xuống mức 50%. Tuy nhiên, những mẫu xe nhập khẩu từ khu vực về Việt Nam vẫn chưa giảm giá. Chẳng hạn, với hai mẫu xe nhỏ là Toyota Yaris và Mitsubishi Mirage, giá vẫn giữ nguyên như năm 2013.
Trao đổi về vấn đề này, các DN cho biết, hầu hết các mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN chưa giảm giá đều là hàng tồn kho từ 2013. Xe nhập mới chưa về, trong đó có một số mẫu đang đợi sự ra đời của phiên bản mới 2014 nên chưa tiến hành nhập khẩu. Thời gian tới, khi xe nhập khẩu về nhiều chắc chắn giá sẽ giảm.
Theo tính toán của các DN, chỉ cần giảm thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc xuống mức 50% thì nhiều mẫu xe nhập khẩu đã có thể cạnh tranh ngang ngửa với xe lắp ráp trong nước.
Trong khi đó, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, cho biết, năm 2014 xe sản xuất lắp ráp trong nước không thể giảm giá, bởi các yếu tố để giảm giá xe không có.
Sẽ tiếp tục có nhiều thương hiệu ô tô nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc nhập khẩu xe nguyên chiếc vào phân phối. |
Điều này khiến không ít người lo ngại xe trong nước sẽ gặp khó khăn trước xe nhập khẩu. Ngay trong năm 2013, xe nhập khẩu được cho đã thắng thế so với xe trong nước bất chấp thuế suất thuế nhập khẩu với xe nguyên chiếc vẫn còn cao và thị trường ô tô chưa thực sự dứt hẳn không khí ảm đạm. Cụ thể, tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam năm 2013 đạt 19% so với 2012, thì xe trong nước chỉ tăng 18%, còn xe nhập khẩu tăng 23%.
Dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) về thị trường ô tô Việt Nam năm 2014 vẫn tỏ ra hết sức bi quan, với mức tăng trưởng thấp khoảng 9%, tổng doanh số 120.000 xe các loại, kể cả sản xuất lắp ráp trong nước và nhập khẩu.
Thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm càng khiến cho nhiều DN lo ngại số phận của xe sản xuất lắp ráp trong nước, cũng giống như xe bán tải (pick up) trước đây. Năm 2012, khi Việt Nam giảm thuế cho ô tô pick up có xuất xứ từ khối ASEAN xuống còn 15%, tất cả các nhà lắp ráp dòng xe này trong nước đã dừng hoạt động trong thời gian dài và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan.
Dự báo của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) cho biết ngành lắp ráp ô tô trong nước có khả năng chỉ đạt tăng trưởng 3%/năm trong các năm từ 2014-2018 do phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với dòng xe nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN và các nước là thành viên của Hiệp định hợp tác kinh tế như: Nhật, Hàn, Trung Quốc.
Trong năm 2013 đã có hàng loạt thương hiệu ôtô mới chính thức mở đại lý phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam như Rolls-Royce, Bentley, Lexus, Infiniti, MG Car... Chưa kể, rất nhiều mẫu xe nhập khẩu mới cũng đã được chính các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước tăng cường đưa về.
Năm 2014, sẽ tiếp tục có nhiều thương hiệu ô tô nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc nhập khẩu xe nguyên chiếc vào phân phối.
Công nghiệp phụ trợ ở VN chưa phát triển là một trong những nguyên nhân khiến ngành ô tô thụt lùi. |
Giá khó giảm vì chi phí cao
Trên thực tế, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam đang cao hơn khu vực ASEAN khoảng 20% do hầu hết dây chuyền lắp ráp đều hoạt động dưới 50% công suất và chi phí cao.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng xe trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu nếu giảm mạnh giá bán. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên, hầu hết các DN ô tô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đều là những tên tuổi nổi tiếng toàn thế giới. Khi đã là những thương hiệu lớn thì giá trị thương hiệu được tính khá cao. Khách hàng thường phải trả cho giá trị thương hiệu khoảng 10% giá bán xe.
Không những thế với thương hiệu lớn, linh kiện phụ tùng cũng được tính giá rất cao, gấp từ 1,5 đến 3 lần so với bình thường. Ông Huyên ví dụ, một bộ vành đúc hợp kim nhôm 16 inch dùng cho lốp xe cỡ 195 nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam có giá 600.000 đồng/chiếc, còn đặt mua của 1 DN FDI Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam có giá 800.000 đồng/chiếc, vậy nhưng các hãng ô tô tên tuổi lớn đang bán ra với giá 3 triệu đồng/chiếc.
Rất nhiều linh kiện phụ tùng khác cũng vậy và phải nói là họ đang lãi cao. Nếu các DN FDI chịu giảm giá xe trong nước, và tập trung vào một số mẫu xe để nâng sản lượng, cùng với hạn chế nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối thì xe trong nước vẫn có thể cạnh tranh tốt với xe nhập khẩu, ông Huyên nhận định.
Tuy nhiên theo dự báo, xu hướng giảm giá các mẫu xe trong nước trong năm 2014 là khó tránh khỏi, bởi kinh tế vẫn khó khăn, sức mua yếu nên buộc phải giảm giá để kích thích người tiêu dùng. Hơn thế nữa giảm giá để cạnh tranh với những mẫu xe mới được nhập khẩu nguyên chiếc. Ngoài ra bản thân nhiều DN lắp ráp trong nước trước khi tung ra những mẫu xe đời mới hơn cũng đều giảm giá mạnh những mẫu xe đời cũ.
Nhiều người hy vọng xe giảm giá cùng với lệ phí trước bạ giảm sẽ làm cho thị trường ô tô năm 2014 khởi sắc hơn, không như dự báo quá bi quan của VAMA.
Trần Thủy