Những ngày Tết, từ cửa chùa cho đến quán cóc vỉa hè tại Hà Nội, tất cả các mặt hàng đều tăng giá để chặt chém khách.

Quán ăn thi nhau chặt chém

Theo phản ánh của báo Người lao động, các mặt hàng ăn uống trong dịp Tết đang có cơ hội “ăn nên làm ra” bởi hầu hết đều tăng giá mạnh, nơi nào ít thì từ 30%-50%, thậm chí có nơi tăng đến 100%-200%.

Tuy nhiên với người Hà Nội, mọi sự “chặt chém” trong những ngày Tết không trở thành bức xúc lớn bởi họ đã... quá quen với điều này. Anh Vũ Minh Duy (ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho biết sau Tết, khi mọi người cảm thấy ngán thịt, bánh chưng... thì bát bún ốc, bún riêu trở thành đặc sản. Chính vì thế chỉ sau ngày mùng 1 Tết, trên bất cứ con đường hay tuyến phố lớn nào ở Hà Nội cũng có thể bắt gặp những hàng bún ốc, bún riêu với mùi thơm mời gọi.

{keywords}

Bún ốc Hòe Nhai

“Một bát bún ốc thường ngày bán ở khu chợ bình thường của Hà Nội cao lắm cũng chỉ 20.000 đồng, nếu có thêm một 2 miếng giò lụa thì có giá 25.000 đồng nhưng vẫn bát bún ốc đó bán trên vỉa hè Hà Nội những ngày Tết có giá rẻ cũng phải 50.000 đồng” - anh Duy nói.

Cũng vì thế mà không ít du khách phương xa sau khi hào hứng thưởng thức bát bún ốc Hồ Tây, đứng dậy trả tiền đã phải “chết lặng” vì giá mỗi bát bún được hét đến 80.000- 100.000 đồng.

Một cửa hàng bún ốc ở Hòe Nhai, phố bán bún ốc khá nổi tiếng ở Hà Nội, thường có động tác “nói cho rõ” về mức giá bán ngày Tết bằng một thông báo dán ngay trên tường: “Để ngày tết phục vụ chu đáo, nhà hàng bán đồng loạt 1 loại giá thập cẩm 70.000 đồng/ bát”.

Khi hỏi nhà hàng ngày về mức giá đắt gấp đôi ngày thường thì bà chủ giải thích: “Giá đó là mềm lắm rồi vì ngày Tết chúng tôi phải trả lương nhân viên gấp đôi, thậm chí gấp 3; giá các nguyên liệu đầu vào cũng đắt hơn, mà thậm chí đắt hơn cũng không có mà mua”.

Chợ cóc cũng... chặt chém?

Do nhu cầu mua bán sau Tết còn ít nên đến sáng mùng 5 Tết, phần lớn các tiểu thương ở Hà Nội vẫn chọn vỉa hè, lòng đường, các chợ cóc gần khu dân cư làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Mặt hàng được kinh doanh chủ yếu là hoa tươi, rau xanh, bún và các loại thủy sản như tôm, cá. Tại một chợ cóc ở khu tập thể Mai Động (quận Hoàng Mai), nhiều cửa hàng chuyên bán rau xanh đã tấp nập kẻ mua người bán nhưng giá không rơi vào tình trạng “chót vót” như mọi năm.

{keywords}

Giá thực phẩm không tăng như Tết năm trước nhưng cũng có sự biến động

Chị Trần Thị Hoan, chuyên kinh doanh mặt hàng rau củ ở chợ này, cho biết giá các loại rau xanh đều giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với Tết năm ngoái, thậm chí còn rẻ hơn cả dịp trước Tết. Hiện cà chua được bán với giá từ 8.000-10.000 đồng/kg, tương đương thời điểm trước Tết; su hào có giá bán từ 2.000-3.000 đồng/củ; các loại rau cải cũng chỉ dao động từ 2.000-5.000 đồng/mớ. Thậm chí, các loại rau được tiêu thụ nhiều vào dịp sau Tết như xà lách, rau cần, bắp cải… giá khá ổn định.

Trong khi đó, giá các mặt hàng thủy sản có tăng nhưng sức mua yếu hơn hẳn mọi năm. Theo các tiểu thương, có thể do lượng người về quê ăn Tết chưa quay trở lại, một phần do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên nhu cầu mua cá, tôm, cua, ghẹ giảm hẳn. Theo dự báo của các tiểu thương, có thể một vài ngày tới, giá nhiều mặt hàng tôm, cua, cá biển, cá đồng có biến động, tăng từ 5%-15%.

Đi chùa cũng chặt chém

Theo phản ánh của báo Lao Động, ngày mồng 1 tết, người dân đi lễ chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) chưa nhộn nhịp, nhưng nhiều người tỏ ra khó bức xúc với việc "chặt chém" ở đây.

{keywords}

Đò đi chùa Hương cũng nghiễm nhiên tăng giá

Dù thỉnh thoảng chỉ có một vài tốp khách đến, lượng khách chưa hề đông nhưng các loại hình dịch vụ ở đây đều động loạt tăng giá. Tại bến đò, mặc dù giá vé niêm yết để đi đò vào chùa Hương Tích là 90.000 đồng, tuy nhiên nhiều người bức xúc cho biết vé niêm yết một đường, xuống thuyền phải trả cho chủ thuyền vài trăm nghìn nữa thì họ mới chịu chở.

Anh Hoàng (Tam Điệp, Ninh Bình) bức xúc: "Gia đình tôi đi 10 người thì có 5 cháu nhỏ, 5 người lớn nhưng phải trả cho chủ đò 1,5 triệu đồng. Khó thể chấp nhận nhưng không còn cách nào khác...".

Lý giải cho việc này, một chủ đò tên Thụy cho biết: "Đầu năm dù gì thì gì cũng có... ít lộc thì mới vui vẻ".

Theo Báo Đất Việt