Nhắc đến Johnathan Hạnh Nguyễn, những người biết ông đều có chung câu hỏi: "Làm thế nào ông mang được cả trăm thương hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới vào Việt Nam?".
Theo gia đình định cư tại Philippines khi mới ngoài 20 tuổi, ông Hạnh Nguyễn sang Mỹ học đại học chuyên ngành hàng không. Trở về Việt Nam khi đất nước mở cửa, ông thuyết phục Hãng hàng không Philippines mở đường bay tại Việt Nam và được cử làm Tổng đại diện tại khu vực Đông Dương.
Sau thành công này, với kinh nghiệm từng mở các cửa hàng miễn thuế tại 4 quốc gia Đông Nam Á, Hạnh Nguyễn tiếp tục đầu tư vào cửa hàng miễn thuế tại sân bay Việt Nam.
Ông chia sẻ: “Nhiều năm sống ở nước ngoài, tôi thấy nhu cầu giới thiệu, trưng bày sản phẩm của các hãng thời trang hàng hiệu đẳng cấp trên thế giới và các dịch vụ ẩm thực, đặc biệt là cửa hàng fastfood, tại sân bay rất lớn, nếu không muốn nói đó là nhu cầu tất yếu của một quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1996, hầu hết các dịch vụ ăn uống tại sân bay ở Việt Nam còn rất ít và cũng chưa tiện lợi. Vì vậy, thương hiệu quốc tế đầu tiên tôi đưa vào Việt Nam là cà phê Illy của Ý”.
Đó là hành trình khởi đầu của hàng loạt thương hiệu mà ông đưa về Việt Nam sau này, như Domino's Pizza, Popeyes, Burger King, Dunkin' Donuts... Tất cả đều thuộc quyền điều hành của Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS) thuộc Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPP) do ông Hạnh Nguyễn làm chủ tịch.
Tuy nhiên, hành trình của ông vua hàng hiệu này không chỉ toàn hoa hồng. Chẳng hạn, với Dunkin’ Donuts, ông Hạnh Nguyễn đã bị từ chối thẳng thừng ngay lần gặp đầu tiên. Phải vài năm sau, khi thấy IPP có tới 25 cửa hàng fastfood thuộc các thương hiệu lớn, ông chủ Dunkin’ Donuts mới đồng ý đưa thương hiệu này vào thị trường Việt Nam.
“Trong số các thương hiệu fastfood thì Dunkin’ Donuts có yêu cầu rất cao, phải đầu tư cao cấp đạt mức độ thành công theo chuẩn riêng, nghĩa là phải qua ngưỡng 9 cửa hàng theo quy định mới được mở các cửa hàng tiếp theo và vị trí cửa hàng phải ở khu vực trung tâm.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã mở Dunkin’ Donuts đều rất thành công, như ở Philippines, có doanh nhân nhượng quyền đã mở 800 cửa hàng và trở thành tỷ phú”, ông Hạnh Nguyễn cho hay.
Tuy thuận lợi hơn khi hợp tác với các tập đoàn phân phối lớn, nhưng trước khi chọn thương hiệu đưa vào Việt Nam, ông Hạnh Nguyễn cho biết vẫn phải khảo sát rất kỹ bởi không phải thương hiệu nào thành công ở nước ngoài cũng có thể thành công tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo hợp đồng thỏa thuận với các thương hiệu fastfood, tổng số tiền IPP phải bỏ ra đầu tư rất lớn, lên đến hơn 200 triệu USD. Trở lại hành trình thuyết phục Domino’s Pizza, Popeyes, Burger King vào Việt Nam, ông Hạnh Nguyễn cho biết:
“Chìa khóa thành công của tôi là khi mình chưa đủ kinh nghiệm và tiềm lực mạnh trong lĩnh vực, thì nên chia miếng bánh thị trường cho các tập đoàn có thế lực vì họ có kinh nghiệm và tài chính”.
Và ông đã tìm đến Autogrill đề nghị hợp tác vì tập đoàn này có thế mạnh độc quyền tại các sân bay quốc tế trên thế giới, có 4.500 outlet tại 32 quốc gia và 51.000 lao động, phục vụ trên 800 triệu khách hàng mỗi năm, cùng lợi thế lớn nhất là đang quản lý trên 250 thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Tất nhiên cả 5 thương hiệu fastfood Illy, Domino's Pizza, Popeyes, Burger King, Dunkin' Donuts đều thuộc Autogrill.
Để có được sự hợp tác thành công với các tập đoàn này, bí quyết của chủ tịch IPP là cách “dụng nhân”:
“Muốn mở một ngành hàng nào thì mình phải có nhân sự trong ngành đó và họ phải từng làm việc cho các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực fastfood, tôi đã mời được Tổng giám đốc của Autogrill khu vực châu Á trước đây về phụ trách điều hành nhân sự, quản lý.
Hoặc ngành thời trang, tôi mời được cựu Tổng giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Tập đoàn DFS về làm Phó tổng giám đốc phát triển kinh doanh...Chúng tôi gắn kết với nhau bằng trách nhiệm, bằng lợi nhuận và cả niềm đam mê. Thực tế, các nhân sự này là bí quyết giúp hoạt động kinh doanh của IPP thành công ở tầm quốc tế”.
Cũng như fastfood, để đưa các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm cao cấp vào Việt Nam, ông Hạnh Nguyễn đã hợp tác với Công ty DFS thuộc Tập đoàn LVMH đang quản lý 48 thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới. Nhờ hợp tác này, IPP nhanh chóng đưa các thương hiệu thời trang cao cấp như: Burberry, Chanel, Zegna, Bvlgari, Cartier, Rolex, Salvatore Ferragamo, Versace, Bally... vào thị trường Việt Nam.
“Giữ các thương hiệu này tại thị trường mới khó khăn, bởi không chỉ đòi hỏi đầu tư lớn mà còn phải chịu rất nhiều áp lực. Chỉ tính riêng chi phí đầu tư vào các thương hiệu ở Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, chúng tôi đã bỏ ra150 triệu USD, ở Khách sạn Rex là 40 triệu USD, ở Vincom A 20 triệu USD và để tiếp tục phát triển, ước tính phải đầu tư 60 triệu USD nữa. Bên cạnh đó, còn phải chịu thêm áp lực về thuế, giá thuê mặt bằng, cạnh tranh không lành mạnh...”, ông Hạnh Nguyễn cho biết.
Theo tầm nhìn của Chủ tịch IPP, để hàng hiệu thể hiện được đúng tầm cỡ thì mặt bằng trưng bày cũng phải đẳng cấp. Vì vậy, giai đoạn 2010 - 2012, chiến lược của ông Hạnh Nguyễn là đầu tư các cửa hàng thời trang cao cấp tại các trung tâm thương mại cao cấp Rex Arcade tại Khách sạn Rex và Vincom - Eden...
Tuy nhiên, do các gian hàng trưng bày hàng hiệu của IPP tại những địa điểm này chỉ rộng 4.000m2 và nằm rải rác chứ không tập trung về một mối nên không thể trưng bày hết tất cả chủng loại hàng hóa.
Thế nên, IPP đã đầu tư 400 tỷ đồng để thực hiện dự án cải tạo Tràng Tiền Plaza thành một trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp quốc tế. Không kể 400 tỷ đồng cải tạo, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và trưng bày hàng hóa của IPP và các đối tác tại trung tâm này đã lên đến 150 triệu USD.
Với những đầu tư lớn như vậy, ông Hạnh Nguyễn cũng hướng tầm nhìn tới việc phát triển du lịch tại Việt Nam:
“Muốn ngành du lịch phát triển thì Việt Nam phải có được nhiều điểm đến, trong đó, mua sắm là một trong những nhu cầu không thể thiếu. Hơn nữa, khi Việt Nam có nhiều trung tâm thương mại lớn, đa dạng các thương hiệu đẳng cấp, thì không chỉ hút ngoại tệ của du khách nước ngoài mà còn chặn được chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài mua sắm”.
“Năm 1984, khi tôi trở về nước và ra thăm Hà Nội, tôi đã đứng rất lâu trước Trung tâm Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền và thoáng buồn. Một bách hóa nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, một biểu tượng mà người dân Hà Nội đi đâu cũng nôn nao nhớ về sao mà xưa cũ và buồn tẻ! Lúc đó, tôi đã ấp ủ giấc mơ được tham gia cải tạo toàn bộ trung tâm này để mang lại diện mạo mới cho Hà Nội..”, ông Hạnh Nguyễn kể.
Đến nay, giấc mơ của ông thành hiện thực như bao giấc mơ khác ông từng ao ước trong đời...
Theo Doanh nhân Sài Gòn