Giữa lúc khó khăn, khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp lao đao tới phá sản, ông
Khuyến lại tỏ ra ung dung tự tại tin rằng, năm 2014, doanh nghiệp của mình còn
thắng lớn. Vị Tổng Giám đốc của công ty số 1 ngành phân bón này tiết lộ, vì ông
đã “bắt được cái đáy của thế giới”.
Giữ phong độ trong khủng hoảng
Năm 2013, thị trường phân bón hạ nhiệt lớn, sức tiêu thụ giảm. Năm 2014, cung đã
vượt cầu. Thế nhưng, ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt
phát Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ vẫn luôn lạc quan, tự tin đến mức đáng kinh
ngạc.
Chia sẻ với PV VietnamNet, ông tuyên bố chắc nịch: “Tỷ suất lợi nhuận trên vốn
chủ sở hữu của công ty hiện cao nhất trong các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước!”
Năm 2013, doanh thu của Lâm Thao đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 3,64% so với năm 2012.
Lợi nhuận đạt 5596 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước, nộp ngân sách đạt
200,27 tỷ đồng, tăng 8,92%.
Ông tính toán: “Với lợi nhuận khoảng 596 tỷ đồng, chia cho vốn chủ sở hữu là 778
tỷ đồng thì có thể thấy, tỷ suất lợi nhuận là 71%. Nghĩa là, cứ một đồng vốn đầu
tư vào công ty Lâm Thao đã đem lại 0,7 đồng lợi nhuận”.
Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát hóa chất Lâm Thao, ông Nguyễn Duy Khuyến đang đi thăm nhà máy. |
Trong khi đó, bình quân những năm trước cổ phần hóa, Công ty CP Supe Phốt phát
và Hoá chất Lâm Thao cũng chỉ đạt lợi nhuận loanh quanh 50-60 tỷ đồng/năm. Sau
cổ phần hóa, con số trên cho thấy, lợi nhuận đã tăng gấp 10 lần.
Chỉ số này dường như đối lập hẳn với tình trạng của khối doanh nghiệp Nhà nước
nói chung, thường bị chê là yếu kém. Hầu hết, tỷ suất lợi nhuận trung bình của
khu vực này chỉ ở mức dưới 20%. Bình quân tỷ suất lợi nhuận toàn Tập đoàn Hóa
chất cũng chỉ ở mức 15-17%.
Với chỉ số ấn tượng đó, năm 2013, công ty của ông Khuyến tiếp tục đứng số 1 về
lợi nhuận và hiệu quả trong toàn Tập đoàn hóa chất Việt Nam.
Vẫn với chất giọng tự tin và khá kiêu hãnh, vị Tổng Giám đốc trên còn nhấn mạnh
thêm: “Có thể, nhiều người không để ý đến nhưng tôi chắc chắn, mua cổ phiếu của
Lâm Thao thì chỉ có thắng lớn!”
Nhìn biểu đồ giá trị cổ phiếu LAS (mã chứng khoán của Công ty CP Supe Phốt phát
và Hoá chất Lâm Thao) sau hơn 1 năm 9 tháng lên sàn chứng khoán, cũng có thể
hiểu ông Tổng Giám đốc này đang “tự phụ” là có lý do cả.
Ngày 1/3/2012, hơn 54 triệu cổ phiếu LAS được niêm yết, giá chào sàn là 17.000
đồng/cổ phiếu. Ngay trong ngày đầu tiên, khoảng hơn 70.000 cổ phiếu LAS đã bán
ra với giá trung bình lên tới 22.000 đồng/cổ, tăng 29% so với giá khởi điểm.
Đến thời điểm ngày 7/2/2014, giá cổ phiếu LAS đã giao dịch ở mức 46.300 đồng/cổ
phiếu. Tốc độ tăng hơn gấp đôi, ngang bằng 2 cổ phiếu Blue- chips thuộc hạng hot
nhất trên sàn chứng khoán hiện nay là HSG (Tôn Hoa Sen) và HPG (Hòa Phát). Cổ
tức của LAS ngay trong năm đầu tiên lên sàn đã đạt 3000 đồng/cổ phiếu, tương
đương gần 15%/năm, gấp đôi lãi suất ngân hàng. Năm qua, tỷ lệ chia cổ tức bằng
tiền mặt của công ty này là 30% và bằng cổ phiếu là 20%.
Có thể nói, những con số trên là thước đo hiệu quả của một doanh nghiệp nhưng
cũng chính là thước đo năng lực điều hành của một Tổng Giám đốc.
Bắt được cái đáy của thị trường thế giới
“Vấn đề là phải bắt được cái đáy của thế giới”, ông Khuyến lý giải một cách ngắn
gọn cho phong độ tăng đều lợi nhuận của mình.
Ông tâm sự: “Cái tài của người điều hành doanh nghiệp, làm sao phải bám sát thị
trường thế giới. Nếu không bám sát, mua phải giá cao thì rất khó đảm bảo lợi
nhuận. Năm qua, chúng tôi mua được giá nguyên liệu vào thời điểm rẻ nhất, dự trữ
nguyên liệu vật tư chiến lược lớn, nhờ đó mà được lời hàng trăm tỷ!”.
Phân bón của Lâm Thao đã đặt chân tới ruộng đồng Nhật Bản |
Ông bật mí: Ví dụ, với nguyên liệu SA cho sản xuất phân NPK-S, nếu trước phải nhập với giá 5,6 triệu đồng/tấn thì vừa qua, chỉ nhập với giá 3,050 triệu đồng/tấn. Mỗi năm, công ty phải nhập 150.000 -160.000 tấn, chỉ cần rẻ đi 1 triệu đồng/tấn, thì công ty cũng đã lời ra 150 - 160 tỷ đồng.
Hay như phân kali, trước, Lâm Thao mua với giá 11 triệu đồng/tấn, nhưng vừa qua,
chỉ mua có 8 triệu đồng/tấn. Một năm nhập 40.000 tấn, nên khi giảm mạnh như vậy,
công ty cũng đã lời ra 120 tỷ đồng.
Cũng chính vì thế nên năm qua, khi giá quặng apatit tăng, ăn mất 50-60 tỷ đồng
chi phí nhưng Lâm Thao vẫn tăng lợi nhuận.
Trong cơn khủng hoảng đó, người nông dân cũng được lợi. Vì giá nguyên liệu giảm
nên giá bán phân bón cho dân cũng giảm. Năm qua, sản lượng phân bón của Lâm Thao
tăng 8% nhưng doanh thu chỉ tăng 4%. Điều này cũng có nghĩa, 4% chênh lêch chính
là người nông dân đã được lợi.
Ông Khuyến cũng cho hay, năm 2014, công ty đã chuẩn bị sẵn lượng vật tư sản xuất
phân bón lên tới 500 ngàn tấn, đáp ứng vụ đông xuân. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư,
đổi mới sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới như phân bón cho hoa cây
cảnh. Trong đó, lợi nhuận sẽ phấn đấu không giảm. Riêng xuất khẩu, Lâm Thao nối
tiếp thành công từ năm trước, đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc là
những thị trường trọng điểm và khó tính.
Ông Khuyến quả quyết: “Năm 2013, đã xuống đáy rồi mà còn có lợi nhuận thì năm
2014, thị trường ấm lên thì Lâm Thao chỉ có lợi hơn thôi!”.
Phạm Huyền