Thông tin Cty TNHH Firstland (Trung Quốc) mới đây đã hoàn tất giao dịch, trở thành cổ đông lớn của Tổng Cty Cổ phần Bảo Minh (BMI) với tỷ lệ sở hữu 5,63% một lần nữa khiến giới đầu tư càng khẳng định về xu hướng “thâu tóm” của các DN Trung Quốc.

Lượng cổ phiếu Firstland đã mua bằng lượng cổ phiếu VietnamAirlines đăng ký thoái vốn hồi đầu tháng 1. Như vậy, Firstland đã ôm gọn phần cổ phiếu BMI mà VietnamAirlines bán.

“Âm thầm” chiếm lĩnh

Cuối tháng 12/2013 vừa qua, Gaoling - một quỹ của nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã chi 40 triệu USD để mua 6,2 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Vinacafe Biên Hòa. Sau thương vụ trên, 90% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa nằm trong ba tổ chức là Cty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) với 53,2%, tiếp đến là Gaoling (23,3%) và TCty Cà phê Việt Nam (12,8%).

{keywords}

Trước đó cũng phải kể đến một số thương vụ M&A có giá trị lớn do Cty Trung Quốc tiến hành, dưới dạng mua cổ phần chi phối có thể kể đến như Tập đoàn C.P Pokphand mua lại 70,82% cổ phần của C.P Việt Nam với giá 609 triệu USD; Tập đoàn SW Kingsway Capital mua lại 10% vốn cổ phần của VinaCapital với mức giá khoảng 19 triệu USD. Tập đoàn China Investment nhận chuyển nhượng 19% cổ phần (96,9 triệu USD) từ một tập đoàn VN để đồng sở hữu Liên doanh Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng Ninh. năm 2012, thị trường tài chính và người tiêu dùng trong nước tiếc nuối nhìn thương hiệu Tribeco (Cty CP Nước giải khát Sài Gòn) rơi vào tay Uni President (100% vốn Đài Loan)… Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2013 dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào VN đạt mức hơn 2,3 tỉ USD so với 345 triệu USD của năm 2012, đặc biệt là 2 lĩnh vực bất động sản và dệt may. Ngoài ra, DN Trung Quốc còn đẩy mạnh tiếp cận các lĩnh vực: khai khoáng, sản xuất và chế biến, xây dựng và cơ sở hạ tầng...

Thế nhưng, với những thông tin trên, không ít người lo nhiều hơn mừng bởi xu hướng “âm thầm” thâu tóm DN Việt của DN Trung Quốc đang ngày càng rõ ràng hơn. Vì sao ?

Nhanh chân đón cơ hội

Tờ China Daily nhận định: giá nhân công tăng nhưng nhu cầu xuất khẩu giảm tại Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất hoặc đã di dời hoặc đang tính tới chuyện di dời sang các nước Đông Nam Á, trong đó có VN. Tuy nhiên, lý do này có vẻ mới chỉ đúng một phần. Theo Tiến sĩ Alan Phan, người có nhiều kinh nghiệm về thị trường Trung Quốc, thời gian gần đây các doanh nhân Trung Quốc quan tâm tới thị trường VN để hưởng lợi từ TPP.

Điều TS. Alan Phan nói cũng được ông Diệp Thanh Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM xác nhận trong cuộc trao đổi qua điện thoại với DĐDN. Theo ông Kiệt, hiện nay cơ hội đến với các DNVN từ TPP, FTA với EU… đang ngày một nhiều, nhưng việc tận dụng các cơ hội này của các DN VN hầu như chưa có. Trong khi đó các DN Trung Quốc là những người đi trước có nhiều kinh nghiệm, hiểu được kinh tế thị trường cần gì, thậm chí là từng ngành nghề cần gì…từ đó sẽ có kế hoạch tận dụng cơ hội này để dễ dàng thâu tóm thị trường VN.

Điều ông Kiệt nói rất có lý, bởi lẽ trong lĩnh vực dệt may hiện nay Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ khoảng 50 tỉ USD/năm, so với VN khoảng 18 tỉ/năm. Khi Hiệp định TPP được ký kết trong năm nay, miếng bánh thị phần dệt may giữa VN và Trung Quốc tại thị trường này có thể sẽ có những thay đổi. Câu hỏi đặt ra là liệu người Trung Quốc có chịu “khoanh tay” ngồi nhìn để mất đơn hàng cho VN hay không? “Điều này chắc chắn là không, vậy thì họ chỉ cần di chuyển sang VN bằng cách mua bán các Cty VN, vừa mở rộng đầu tư, vừa duy trì được lượng khách hàng”. Ông Kiệt nhấn mạnh.

Trong khi đó, ở lĩnh vực BĐS, ông Troy Griffiths - Phó giám đốc điều hành Savills VN nhận định, năm 2014 thị trường BĐS sẽ có nhiều tiềm năng từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, “nhân vật” chính lại là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, họ chính là tâm điểm của mọi chú ý. “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều các yêu cầu mua lại các dự án bất động sản từ các nhà đầu tư Trung Quốc…” Ông Troy Griffiths nói.

Trở lại việc DN Trung Quốc thâu tóm DN Việt có thể nhận thấy một điều, bên cạnh một DN Trung Quốc với tiềm lực lớn, và thừa “thủ đoạn” trên thương trường là một DN Việt non nớt, thiếu kinh nghiệm... Đặc biệt, có một nguyên nhân khiến nhiều thương hiệu Việt dễ bị DN nước ngoài thâu tóm, chiếm lĩnh ngay tại thị trường trong nước là do năng lực cạnh tranh thấp. Khi nói đến khả năng cạnh tranh chính là nói đến việc đầu tư nguồn lực kinh phí cho việc nghiên cứu thị trường và các hoạt động marketing. Tuy nhiên, dường như việc nghiên cứu thị trường vẫn là điều xa xỉ với DN Việt.

Rõ ràng chiến lược thâu tóm của các DN Trung Quốc với thị trường thế giới nói chung và với VN nói riêng sẽ là một xu hướng lâu dài. Với thị trường VN, các Cty Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào một số ngành của VN dưới hình thức M&A đang có dấu hiệu gia tăng và có thể là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

(Theo DĐDN)