Hàng loạt vụ triệu hồi ôtô diễn ra khắp thế giới vì dính lỗi chất lượng. Nhưng thị trường Việt Nam vẫn không hề ảnh hưởng. Dường như, ôtô các hãng bán cho Việt Nam tốt nhất thế giới hay các lỗi này đã bị che dấu?.
Liên tục triệu hồi xe
Ngày 14/2, Tập đoàn Toyota Nhật Bản đã thông báo triệu hồi để sửa chữa hơn 250.000 chiếc xe Toyota đang được lưu hàng tại Mỹ do lỗi kỹ thuật.
Trong đó, có hơn 54.000 chiếc Lexus RX350, hơn 100.000 xe bán tải Toyota Tacoma và hơn 100.000 chiếc Toyota RAV-4. Lý do triệu hồi được thông báo là do có sự cố trong hệ thống an toàn, trong đó có bộ kiểm soát ổn định và hộp phanh có nguy cơ không hoạt động trong trường hợp đạp phanh gấp.
Trước đó, ngày 12/2, Toyota cũng quyết định triệu hồi 1,9 triệu chiếc Toyota Prius trên toàn thế giới do lỗi ở hệ thống tích hợp nhiên liệu (hybrid). Trong số xe thuộc diện triệu hồi có 997.000 chiếc ở Nhật Bản, 713.000 chiếc ở Bắc Mỹ, 130.000 chiếc ở châu Âu. Theo Toyota, lỗi ở phần mềm điều khiển hệ thống hybrid có thể khiến hệ thống ngưng hoạt động và xe dừng lại.
Ôtô bị lỗi phải triệu hồi ngày càng nhiều. |
Một thống kê những vụ triệu hồi xe của các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong các năm gần đây cho thấy Toyota đứng đầu danh sách. Năm 2009 Toyota đã phải triệu hồi 8,5 triệu xe do lỗi dính chân ga, đến năm 2012, nhà sản xuất này lại phải triệu hồi 5,3 triệu xe vì các lỗi khác nhau. Tiếp đến 2013 Toyota liên tụcthông báo triệu hồi xe trên 2 triệu xe và bước sang năm 2014 mới được 45 ngày, đã có 2 "lệnh" triệu hồi với hơn 2 triệu xe vì lỗi kỹ thuật.
Việc triệu hồi xe bị lỗi để khắc phục không từ 1 nhà sản xuất nào. Các nhà sản xuất tên tuổi khác như Honda, Nisan, Hyundai, Ford, GM, Mercedes, BMW... cũng không tránh khỏi "dính chàm" và phải triệu hồi hàng triệu xe.
Theo thống kê của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ thì mỗi năm trên thế giới có khoảng 30 triệu ô tô bị triệu hồi do lỗi kỹ thuật, số xe triệu hồi hàng năm nhiều không kém gì số xe bán ra.
Vì thế, theo J.D. Power and Associates, Công ty nghiên cứu thị trường (Mỹ) chất lượng xe hơi bắt đầu đi xuống kể từ năm 1998 do những yêu cầu về tiết kiệm nhiên liệu khiến một số chức năng đảm bảo chất lượng xe bị hy sinh đi ít nhiều. Khảo sát của J.D. Power từ các nhà sản xuất xe hơi trong năm 2011 cho thấy, trung bình cứ 100 chiếc xe lại có đến 133 lỗi, tăng 6% so với năm 2010.
Theo nhiều chuyên gia về ôtô, có những nhà sản xuất xe hơi đang hi sinh chất lượng để có những chiếc xe có giá cạnh tranh hơn. Trên thực tế, việc toàn cầu hóa các mẫu xe giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất nhưng cũng khiến xe xuất xưởng có nguy cơ gặp lỗi cao hơn. Nguyên nhân là việc kiểm soát chất lượng linh kiện thiếu nghiêm ngặt và các nhà cung cấp linh kiện do chạy theo số lượng, giá cả, thời gian giao hàng nên ảnh hưởng tới chất lượng.
Vụ triệu hồi đồng loạt hàng trăm nghìn xe của Toyota, Honda, Nissan và Mazda do lỗi túi khí, hay xe Lexus RX350 và Tacoma của Toyota bị triệu hồi do có vấn đề từ nhà cung cấp linh kiện là 1 ví dụ.
Xe ở Việt Nam luôn an toàn?
Đối với các nước có thị trường ôtô phát triển, triệu hồi để sửa chữa là một động thái hết sức bình thường bởi ở đó người tiêu dùng được bảo vệ tối đa để không phải chịu những lỗi không thuộc về mình, nhưng với những thị trường kém phát triển như Việt Nam lại là chuyện khác.
Tại Việt Nam nhiều khi lỗi kỹ thuật sẽ bị giấu đi cho đến khi không thể giấu được thì mới chấp nhận triệu hồi.
Trên thực tế điều này đã diễn ra. Ngày 7/4/2011, đại diện Toyota Việt Nam đã mở đợt kiểm tra, sửa chữa cho 8.830 xe Innova nằm trong diện mắc các lỗi, gồm áp suất dầu phanh bánh sau vượt quá tiêu chuẩn của Toyota toàn cầu, bu-lông hàng ghế sau xiết không đủ lực và bu-lông camber của hệ thống treo trước xiết không theo chuẩn.
Xe Toyota phải thay chân ga. |
Sở dĩ Toyota Việt Nam phải mở đợt kiểm tra sửa chữa này là do kỹ sư Lê Văn Tạch đã công bố rộng rãi bản tường trình về sự cố trong quá trình lắp ráp của dòng xe Innova và Fortuner.
Với những xe nhập khẩu nguyên chiếc không chính thức thì người tiêu dùng lại càng mất quyền lợi. Chẳng hạn với lỗi kẹt chân ga, Toyota Nhật Bản đã phải triệu hồi 8,5 triệu chiếc trên toàn thế giới để khắc phục thì Toyota Việt Nam đã khảng định lỗi đó không xảy ra trên xe lắp ráp tại Việt Nam bởi sử dụng linh kiện từ nhà cung cấp khác và không chịu trách nhiệm về xe lỗi này với xe nhậu khẩu của các DN thương mại, không được ủy thác. Các khách mua xe nhập khẩu khi đó chỉ được hỗ trợ về thông tin, còn muỗn khắc phục tại các đại lý của Toyota Việt Nam thì phải bỏ tiền túi.
Ngoài ra có những lỗi nhỏ thì các DN ô tô tại Việt Nam sẽ cố tình ém nhẹm. Chẳng hạn với 1 số xe nhập khẩu chính hãng từ Hàn Quốc có tiếng chuông cảnh báo khi không cài dây đai an toàn chỉ trong từ 5-8 giây là quá ngắn, cần được khắc phục, nhưng tại Việt Nam chuyện này sẽ bị bỏ qua.
Tuy nhiên về phía khách hàng thì nhiều người cũng chẳng mặn mà với việc triệu hồi xe bị lỗi. Chẳng hạn Toyota Việt Nam năm 2011, thông báo thu hồi xe Innova và Camry để kiểm tra, khắc phục lỗi kỹ thuật thì sau hơn một năm chỉ có 366 xe Innova đi kiểm tra và xiết lại bulông cambơ trên tổng số 7.370 xe cần khắc phục, 5.123 xe Innova đi kiểm tra lực xiết bulông bắt móc neo chân ghế sau trên tổng số 53.280 xe cần khắc phục và chỉ có 42 xe Innova đi sửa van LSPV trên tổng số 6.108 xe cần kiểm tra để khắc phục lỗi.
Riêng đối với dòng xe Fortuner, chỉ có 5.123 xe đem đi kiểm tra lực xiết bulông bắt móc neo chân ghế sau trên tổng số 53.280 xe cần kiểm tra, khắc phục (chiếm 9,62% tỉ lệ thực hiện). Thực hiện tốt nhất thông báo thu hồi từ nhà sản xuất lại là mẫu xe Camry 3.0 đã ngừng sản xuất. Có 127 xe trên tổng số 320 xe dính lỗi thu hồi được khắc phục, đạt 40,3% tỉ lệ thực hiện.
Điều này cho thấy, không chỉ các hãng đang cố tình che dấu các lỗi mà chính người tiêu dùng Việt Nam vẫn vô tư, thậm chí là coi thường sự an toàn. Nếu tư duy này không sớm thay đổi, tự người tiêu dùng đang dần triệt tiêu đi cái vị thế “thượng đế” của mình.
Trần Thủy