Masan Group, ông chủ của những
thương hiệu thực phẩm quen thuộc như mì gói Omachi, Kokomi, Sagami, nước chấm
Chin-su, Nam Ngư, Vinacafe và Vĩnh Hảo… kỳ vọng sẽ vượt qua doanh thu 1 tỷ USD
trong năm nay.
Mì ăn liền và nước chấm chỉ có mức giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng
nhưng đã mang về hàng ngàn tỷ đồng cho Masan Group.
Masan Group vừa cho biết, doanh thu quý 4/2013 đã đạt mức kỷ lục. Cụ thể, doanh
thu trong quý đạt mức 4.437 tỷ đồng, tăng 21,4% so với quý 4/2012. Sự chuyển
biến này đã mang lại bức tranh tươi sáng hơn cho tình hình kinh doanh chung của
Tập đoàn vào nửa cuối năm 2013. Doanh thu 6 tháng cuối năm 2013 đã tăng 21,3% so
với cùng kỳ năm 2012, là mức tăng trưởng cao hơn nhiều khi so sánh với con số
tương tự giữa 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012.
Cùng đó, lợi nhuận ròng sau thuế của Masan Group trong quý đã đạt 901 tỷ đồng,
tăng 43,5% so với quý 4 /2012. Điều này đã đẩy lợi nhuận ròng sau thuế cả năm
2013 toàn Tập đoàn lên mức hơn 2.100 tỷ đồng.
Masan cho hay, sự tăng trưởng vượt bậc trên là do Tập đoàn đã tăng cường đầu tư
vào những sản phẩm cốt lõi như gia vị và đặc biệt là sự thành công của chiến
lược tung sản phẩm mới - thực phẩm tiện lợi trong năm 2013.
Trong đó, không thể không nhắc đến sự đóng góp chủ đạo của Masan Consumer (Công
ty CP hàng tiêu dùng Masan) - cánh tay phải của Tập đoàn.
Báo cáo cho hay, đối với công ty Masan Consumer, đà tăng trưởng doanh thu được
củng cố khi đạt 11,943 tỷ đồng, tăng 14,9% trong năm 2013. Biên lợi nhuận gộp
trong quý 4/2013 của công ty đạt 44,8%, cao hơn so với mức 41,9% trong quý/2012.
Lợi nhuận thuần của công ty cũng đạt kỷ lục với con số 1.564 tỷ đồng, tăng
38,6%, đưa lợi nhuận thuần cả năm của công ty tăng cao với tỷ lệ 14,4%.
|
Một phần của sự thành công này là
do nhu cầu trong ngành hàng cốt lõi - gia vị vẫn tiếp tục duy trì tốt trong 6
tháng cuối năm 2013. Đặc biệt, với việc bán chạy mì gói từ phổ thông cho đến
trung cấp, cao cấp như Kokomi, Sagami, Omachi, Masan Consumer đã vươn lên chiếm
lĩnh thị phần tới hơn 30% trong ngành hàng mì ăn liền. Với đà này, mục tiêu nâng
tiếp thị phần lên 40% để trở thành vị trí dẫn đầu ngành mì ăn liền ở Việt Nam
đối với Masan Consumer là hoàn toàn khả thi.
Cùng đó, công ty này đã khá thành công khi tung ra những sản phẩm mới trong
ngành hàng thực phẩm tiện lợi. Đó là sản phẩm bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng
B'fast và cháo Komi. Các phân tích thị trường cho thấy người tiêu dùng chấp nhận
tốt.
Không chỉ vậy, doanh thu từ Vinacafe – công ty do Masan chiếm giữ hơn 50% cổ
phần cũng tăng mạnh đến 18,4% trong quý 4/2013 so với cùng kỳ năm 2012. Sự tăng
trưởng ấn tượng đó là nhờ chiến dịch tái tung sản phẩm Wake Up Sài Gòn vào giữa
năm 2013 và việc tung ra sản phẩm cà phê 2 trong 1 Phinn.
Tập đoàn này nhận định, với chiến lược xâm nhập vào ngành hàng thực phẩm tiện
lợi và phân khúc mì ăn liền trung cấp, thiết lập một nền tảng kinh doanh bền
vững cho ngành hàng đồ uống, Masan Consumer có thể mở rộng quy mô thị trường gấp
4 lần, từ mức 1,1 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD.
Cũng trong báo cáo trên, ở lĩnh vực “ngoại đạo” là khai khoáng, dự án mỏ Núi
Pháo của Masan đã bắt đầu mang lại doanh thu. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, mỏ
Núi Pháo đã giao cho khách hàng với tổng trị giá 14,4 triệu USD cho các sản phẩm
giá trị gia tăng vonfram, tinh quặng florit, bismut và đồng. Nhờ vào việc hoạt
động đúng tiến độ, dự án này kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào doanh thu của Masan
Group trong quý 1/2014.
Với những con số trên, Masan Group cho biết kỳ vọng sẽ vượt qua doanh thu 1 tỷ
USD trong năm 2014. Đây là dấu mốc quan trọng của nhiều doanh nhân Việt Nam hiện
nay trong việc nâng cao vị thế và tầm vóc doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Phạm Huyền