Vụ án của ông Dương Chí Dũng, ngoài cái tên ông Ngọ còn có những cái tên khác, theo vị luật sư này thì “những ai liên quan sẽ tiếp tục được cơ quan điều tra làm rõ.

Trước thông tin ông Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an vừa qua đời, liên quan đến lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa, phóng viên Một Thế Giới ghi lại ý kiến một luật sư về các tình huống pháp lý liên quan.

Ngày 8.1, TAND TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước khi bị cáo Dương Chí Dũng khai người báo tin cho mình đi trốn là thượng tướng Phạm Quý Ngọ. Ngoài ra, bị cáo Dũng còn tố để trốn thoát vụ đại án này, bị cáo đã hối lộ ông Ngọ hơn 500 ngàn USD.

{keywords}
Ông Phạm Quý Ngọ

Một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực án hình sự cho biết: Ngay khi ông Ngọ qua đời, tất cả những gì liên quan đến tố tụng, đến thân phận pháp lí của ông đã chấm dứt.

Vì cơ quan điều tra chỉ mới khởi tố vụ án chứ chưa khởi tố bị can nên với một người đã chết thì không thể tiếp tục tiến hành điều tra, truy tố, xét xử…

Trong khi đó, vụ án của ông Dương Chí Dũng, ngoài cái tên ông Ngọ còn có những cái tên khác, theo vị luật sư này thì “những ai liên quan sẽ tiếp tục được cơ quan điều tra làm rõ.

“Khi nghe lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng, TAND TP.Hà Nội chỉ khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước. Nhưng, vụ án hối lộ 20 ngàn USD thì liên quan đến một quan chức khác của ngành công an nên cơ quan điều tra phải tiếp tục công việc của mình.

Về pháp lý cũng như đạo lý của dân tộc Việt Nam, một người đã nằm xuống thì tất cả những gì liên quan đến họ sẽ chôn chặt. Chỉ người sống mới chịu trách nhiệm.” Vị luật sư nói.

"Chưa khởi tố bị can, tức là chưa khẳng định được ông Phạm Quý Ngọ có liên quan trong vụ án này hay không nên việc ông Ngọ mất thì cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra vụ án như đã khởi tố".

Còn theo tiến sĩ - luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, nếu xác định ông Ngọ có liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”, về mặt nguyên tắc tố tụng thì khi bị can chết thì sẽ phải quyết định đình chỉ điều tra. Nếu trong trường hợp vụ án “làm lộ bí mật” đó mà chỉ có một mình tướng Ngọ là bị can thì sẽ phải đình chỉ cả vụ án, đình chỉ cả khởi tố bị can.

Nhưng nếu vụ án đó không chỉ có mình ông Ngọ mà còn có những người khác nữa thì sẽ chỉ đình chỉ bị can với ông Ngọ và vẫn tiến hành điều tra như bình thường.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ trách nhiệm dân sự, những vấn đề mà ông Ngọ có liên quan để những người hưởng thừa kế của ông Ngọ phải có trách nhiệm trước Nhà nước và trước những người khác.

Trước đó, trong vụ án xét xử nguyên Đại tá công an Dương Tự Trọng về tội tổ chức cho anh trai mình trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng đã khai tại tòa rằng ông Ngọ chính là người mật báo cho mình trước khi có quyết định khởi tố mình vì những sai phạm trong vụ án tại Vinalines. Ông Dũng còn tố cáo ông Ngọ đã nhận của mình tổng cộng 510 ngàn USD để giúp "chạy án". Từ những lời khai trên, ngày 8.1, TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước.

Trả lời báo chí ngày sau đó, tướng Ngọ phủ nhận lời khai này.

 

Lời khai hết giá  trị?

Về lời khai của Dương Chí Dũng, Luật sư Phạm Thanh  Bình – GĐ Công ty Luật Bảo Ngọc (Hà Nội)cho rằng: Đó không phải là một tình tiết gỡ tội cho Dương Chí Dũng. Và nếu cơ quan điều tra có xác định được lời Dương Chí Dũng khai liên quan đến tướng Ngọ là đúng hay không cũng không phải là một tình tiết gỡ tội cho Dương Chí Dũng. Nếu chứng minh được ông Phạm Quý Ngọ đúng như lời Dương Chí Dũng nói thì đó được coi là một tình tiết giảm nhẹ cho Dương Chí Dũng trong việc tố cáo tội phạm. Bây giờ Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã từ trần nên việc tố cáo kia cũng chẳng còn ý nghĩa với Dương Chí Dũng.

(Theo VietQ)

Theo Một thế giới