- Xây dựng được Logistics trọn gói luôn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với sức ép từ việc mở cửa hoàn toàn thị trường logistics các doanh nghiệp Việt Nam đang tất tả bịt những lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay.
Gom vốn về thủ thế
Từ ngày 1/1/2014, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã danh chính ngôn thuận hoạt động trên thị trường logistics Việt Nam. Hơi nóng từ các doanh nghiệp này đã phả mạnh vào gáy các doanh nghiệp nội địa khiến họ cũng tìm đường trụ lại thị trường.
Động thái đầu tiên là chuẩn bị nguồn lực mạnh để tham gia vào cuộc cạnh tranh - được dự đoán là rất khốc liệt. Thời điểm cuối năm 2013, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cung ứng, vận chuyển, theo dõi sản xuất, kho bãi, thủ tục hải quan, phân phối (logistics) và khai thác cảng lớn đã bắt đầu thoái vốn từ các hoạt động đầu tư ngoài ngành.
Cụ thể, Công ty cổ phần Gemadept, quyết định bán tòa nhà Gemadept Tower (có tổng diện tích 16.000 mét vuông, nằm trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM) cho một đối tác Hàn Quốc với giá khoảng 45 triệu đô la Mỹ. Cũng trong năm 2013, công ty này đã thoái vốn khỏi thương hiệu nước khoáng Vĩnh Hảo.
Nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp logistics trong nước nếu cứ phân tán nguồn lực tài chính thì sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và không đáp ứng được nguồn vốn để đầu tư đầy đủ cho ngành nghề chính và phát triển doanh nghiệp của mình.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) Đỗ Xuân Quang khẳng định, việc thu hồi vốn ở các lĩnh vực khác nhằm tập trung nguồn lực tăng cường đầu tư vào công nghệ, phương tiện, nhân lực để có thể đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế đặt ra, là điều cần khẩn trương thực hiện. Nếu không rất có thể các doanh nghiệp nội chỉ đứng nhìn các doanh nghiệp ngoại khai thác thị trường.
Tuy nhiên, với số doanh nghiệp đông đảo nhưng nhỏ lẻ, manh mún lại tạo ra không ít lo ngại cho ngành logistics nội. 1.000 DN logistics trong nước chỉ giữ được 10-18% thị phần, còn 200 doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh chiếm tới hơn 70% thị phần còn lại...
TS. Mai Xuân Thiệu - Viện trưởng Viện Logistics, cho biết, mặc dù VN có từ 1.000-1.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nhiều hơn Singapore và Thái Lan nhưng có đến 80% doanh nghiệp có vốn đăng ký chỉ từ 1-1,5 tỷ đồng. Ngay cả số doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hoá từng bộ phận đã hình thành các công ty cổ phần nhưng vốn cũng chỉ khoảng 5 tỷ đồng. Với quy mô vốn này, khả năng giữ chân tại thị trường trong nước còn khó chứ chưa nói đến việc chen chân vào các thị trường logistics thế giới, bởi đơn cử muốn ký vận đơn vào Mỹ, DN phải ký quỹ 150.000 USD.
Tìm điểm tựa để làm trọn gói
Sự chi phối của doanh nghiệp nước ngoài đã dẫn đến chi phí cho hoạt động logistics tại Việt Nam cao hơn 1,5 lần so với các nước trong khu vực và cao gấp 2-3 lần so với các nước phát triển. Trong khi đó, làm logistics trọn gói luôn là điều khó khăn với doanh nghiệp trong nước vì nguồn lực không đảm bảo. Việc tìm một đối tác trợ giúp trong việc hoàn thiện mình để làm trọn gói là điều cần thiết với nhiều doanh nghiệp.
Nhìn trên thực tế mỗi ngày có hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu thông quan tại ICD Tân Cảng - Long Bình. Tuy nhiên, từ trước đến nay cách thức cơ bản nhất vẫn là sử dụng nhân viên phụ trách hoạt động xuất nhập khẩu, tìm đến các nhà cung cấp dịch vụ riêng lẻ khi có nhu cầu. Như khi cần vận chuyển thì tìm đến các công ty chuyên về vận chuyển hàng hóa, container. Hay khi muốn vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu thì ký hợp đồng với các ngân hàng.
Ông Phạm Văn Long, Giám đốc CTCP ICD Tân Cảng - Long Bình khẳng định, việc ký hợp đồng từng phần với mỗi nhà cung ứng như vậy mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí chi phí tăng cao do không được hưởng những ưu đãi dịch vụ trọn gói từ nhà cung cấp.
Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng rất quan tâm đến hình thức cho vay cầm cố, thế chấp hàng hóa. Tuy nhiên, việc tài trợ vốn cho doanh nghiệp thông qua việc thế chấp kho hàng chứa đựng nhiều rủi ro nên ít ngân hàng nào mạo hiểm cho vay. Điều này gây trở ngại cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn dù có nguồn hàng đảm bảo dồi dào tại kho.
Mới đây, thị trường logistics đã bắt đầu mở cửa, nhiều doanh nghiệp cũng như ngân hàng tìm cách thâm nhập thị trường thông qua việc hợp tác. Từ đó, hướng tới cung ứng dịch vụ logistics trọn gói, khép kín và xuyên suốt.
Theo Bà Huỳnh Lê Mai, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OCB), "OCB vừa bắt tay với ICD Tân Cảng - Long Bình để đáp ứng những nhu cầu về vốn cho việc hoạt động dịch vụ logistics trọn gói. Sự hợp tác này giúp OCB có đầy đủ thông tin về hàng hóa để tại kho của đối tác nên quy trình thẩm định sẽ đơn giản, thủ tục quản chấp, giải chấp nhanh gọn, tiết kiệm được thời gian, chi phí (từ 5-30% chi phí cho doanh nghiệp) do chỉ cần giao dịch với một đầu mối".
Trước những thông tin này, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM tỏ ra khá quan tâm, nhất là khi thông qua ký hợp đồng trọn gói, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi cũng như tiết giảm tối đa chi phí, thời gian trong hoạt động kinh doanh. Cơ hội để các doanh nghiệp logistics tìm kiếm đối tác cũng nhiều hơn.
Nhiều lãnh đạo NHTM lớn trên địa bàn cũng cho rằng, đây là giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu ngày càng hoàn thiện dịch vụ logistics. Đồng thời, giải quyết nhiều vấn đề, nhu cầu cho cả 3 bên: doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhà cung ứng dịch vụ logistics và ngân hàng. Việc đẩy mạnh liên kết cũng được nhiều ngân hàng tính đến trong những năm tới.
Trong thời khắc sống còn, đó là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp logistics giữ vững thị trường nội địa.
Nam Phong