Không chỉ bia, rượu, các loại nước ngọt có ga không cồn (nước ngọt) có thể sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 10% vì bị cho là có hại cho sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành đồ uống lại cho rằng, nước ngọt “bị oan”.

Tăng thu ngân sách gần 2000 tỷ đồng


Đó là một trong những lý do khiến Bộ Tài chính dự định đưa nước ngọt có ga không cồn (nước ngọt) vào diện bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, theo dự thảo sửa đổi Luật thuế này.

Bộ Tài chính khẳng định, một số bằng chứng nghiên cứu đã cảnh báo nước ngọt có tác hại lớn đến sức khỏe người dùng và nên bị hạn chế tiêu dùng, như bia, rượu, thuốc lá.

{keywords}


Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ về sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ cho biết, nước ngọt thực chất là nước uống đã được sục khí CO2 bão hòa nhằm tạo cảm giác cay nồng, dễ chịu khiến người uống có giảm giác “đã” khát. Mặc dù được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nhưng loại nước này có chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản và chính những chất này là thủ phạm làm gia tắc nguy cơ gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút, thậm chí là tăng nguy cơ bị ung thư.

Cơ quan này cũng cho biết, hiện nay, nhiều nước đã và đang đề xuất đánh thuế TTĐB đối với loại đồ uống này. Chẳng hạn như nước Anh, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỹ, Hungary, Phần Lan, Ireland… Tại châu Á, Thái Lan đã áp dụng thuế suất tương đối kết hợp với thuế suất tuyệt đối: 20% và 0,45 baht/440cc), Campuchia (10%), Lào (20%), Malaysia. Tại Mỹ một số bang thu thuế TTĐB như Arkansas, Tennessee, Virginia, và Tây Virginia.

Với dự kiến áp thuế 10%, Bộ Tài chính cho rằng, sẽ không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Tổng sản lượng tiêu thụ nước ngọt cả nước năm 2013 là 925 triệu lít. Ước với giá bán trung bình của nhà sản xuất là 11.987 đồng/lít thì với việc thu thuế suất 10% sẽ không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Dự kiến sẽ thu khoảng gần 2.000 đồng/lít nước giải khát có ga. Như vậy, số thu NSNN ước tăng khoảng 1.500 tỷ vào năm 2016 và đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỷ đồng.

Nước ngọt bị hàm oan

Nếu như các tác dụng tiêu cực của bia, rượu - đồ uống có nồng độ cồn cao đã được khoa học toàn thế giới chứng minh đồng thuận thì tác dụng của nước ngọt có ga không cồn tới sức khỏe người tiêu dùng vẫn đang gây tranh cãi lớn. Cũng từ đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống này có sự khác biệt lớn ở các quốc gia.

Nhiều chuyên gia ngành đồ uống khuyến cáo rằng, cơ quan soạn thảo nên tham khảo kỹ được - mất khi đánh sắc thuế trên cho một mặt hàng vì lý do sức khỏe, trong khi, lý do này vẫn chưa được thống nhất.

Thuế tiêu thụ đặc biệt thực chất là sắc thuế phân biệt đối xử và định hướng hành vi tiêu dùng trong xã hội. Tại Đan Mạch, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào nhóm hàng vì lý do sức khỏe là thực phẩm chứa chất béo bão hòa vừa bị chấm dứt chỉ sau 12 tháng đưa vào áp dụng và thuế đường dự kiến áp dụng cũng bị xếp vào tủ. Bởi mục tiêu về doanh thu 200 triệu Euro tiền thuế và thay đổi chế độ ăn uống của người Đan Mạch đã không đạt được như ý chí ban đầu đặt ra của nhà soạn thảo.

Theo tác giả Rob Preece đăng trên tạp chí Hải quan thế giới, đối với đồ uống không cồn nói chung, loại thuế này vẫn đang được áp dụng ở một số nước, chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Phi, Trung Đông và châu Á nhưng là với quan điểm xếp vào "hàng xa xỉ”, ngang với nước hoa, đồ trang sức, thảm, pha lê thủy tinh… Mục tiêu đánh thuế ở các quốc gia này là điều tiết chi tiêu của người giàu để tạo sự công bằng trong xã hội

Còn đối với nước ngọt, ở các quốc gia đang thu thuế tiêu thụ đặc biệt thì số thuế thu được chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt thu được. Ví dụ như chỉ dưới khoảng dưới 0,1 % ở Tanzania, 0,3% ở Thổ Nhĩ Kỳ, và tối đa 3,6 % tổng số thuế TTĐB thu được ở Thái Lan. Vì thế, tác giả này cho rằng, việc thu thuế TTĐB đối với đồ uống không cồn có lẽ sẽ chỉ tạo ra một nguồn thu tương đối nhỏ trong khi hiệu ứng lớn hơn của nó sẽ là giảm nguồn thu từ các loại thuế khác như thuế GTGT và thuế dựa trên doanh thu. Và số tiền thuế thu về ít ỏi đó chưa chắc đã đủ để bù đắp cho các chi phí quản lý thuế, triển khai thực hiện trong xã hội.

Tác giả này còn chứng minh rằng, ngay tại Pháp, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước soda áp dụng từ năm 2012, thực chất là nhằm hỗ trợ tài chính quốc gia không tạo ra nguồn thu rõ ràng và đạt mục đích nào về y tế.

Tác giả Kleinman làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Dinh dưỡng và Tiêu Hóa Nhi khoa, Boston, Mỹ trên tạp chí Khoa học dinh dưỡng chia sẻ rằng, nhiều nghiên cứu về nước ngọt có ga không cồn, mà cụ thể là đối với Coca-Cola đã chứng minh không có sự nguy hại tổn thương vĩnh viễn nào đối với niêm mạc dạ dày, hệ tiêu hóa.

Nói một cách khác, không ít các công trình nghiên cứu khoa học còn chứng minh rằng, nước ngọt có ga không cồn nếu sử dụng đúng cách sẽ mang lại tác dụng tích cực cho người dùng. Chẳng hạn như Tạp chí Tiêu hoá và Gan của Châu Âu (European Journal of Gastroenterology & Hepatology) xác nhận rằng loại đồ uống thông dụng này làm giảm chứng khó tiêu và các triệu chứng táo bón.

Cũng phải nói thêm rằng có một số nước đánh thuế TTĐB lên nước giải khát, nhưng họ không phân biệt nước có ga và nước không có ga. Ví dụ, Campuchia đánh thuế 10% lên tất cả các loại đồ uống mà không phân biệt nước có ga hay không có ga. Thái Lan cũng áp dụng loại thuế này, nhưng không phải chỉ với nước giải khát có ga mà trên một diện rộng hơn. Tuy nhiên, việc đánh thuế này cũng đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều và hiện này rất nhiều quốc gia đang có xu hướng loại bỏ việc đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát. Trong số những nước gần đây đã loại bỏ hoặc giảm loại thuế này có Bỉ, Ác hen ti na, Đan Mạch, Dominica, Ai Cập, Ga na, Indonesia, Pakistan, Phi líp pin, Nam Phi, Zambia và một số bang của Mỹ.

Chính bởi thế, các chuyên gia trong ngành đồ uống cho rằng, cơ quan soạn thảo Bộ Tài chính cần có sự nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn trước khi quyết định, có nên đánh sắc thuế phân biệt đối xử đối với nước ngọt - đồ uống được nhiều người yêu thích hay không?

Phạm Huyền