Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài thời gian qua đã làm đối sức rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, thì môi trường kinh doanh đang ngày càng tốt hơn, công bằng hơn bởi sự trụ vững của những đại diện tiêu biểu luôn tự nỗ lực, biến khó khăn thành cơ hội để tăng trưởng, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm công ăn việc làm và giảm gánh nặng cho Chính phủ, trong đó có sự đóng góp đáng kể nhất của nhóm doanh nghiệp tư nhân.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, ước tính năm 2013 có 76.955 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 10,1% so với năm 2012, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước. Như vậy, nếu làm phép trừ đơn giản có thể suy đoán rằng, số lượng DN hoạt động tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Tuy vậy, tỷ lệ lao động thất nghiệp cũng đang tăng lên đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi năm 2013 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,58%, khu vực nông thôn là 1,58% (số liệu tương ứng năm 2012 lần lượt là: 1,96%; 3,21%; 1,39%).

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, khối doanh nghiệp nào hiện nay có tỷ lệ lao động nhiều hơn và cần được quan tâm hơn? DN "con cưng"- Nhà nước? DN đang được hưởng ưu đãi nhiều nhất- FDI? Hay DN luôn được đặt kỳ vọng tăng trưởng- Tư nhân?

Tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân có quy mô lao động tăng lên cao hơn doanh nghiệp các khu vực khác

Theo thống kê của GSO, lao động đang làm việc năm 2012 khu vực Nhà nước chiếm 10,4% tổng lực lượng lao động, khu vực ngoài Nhà nước chiếm 86,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,3%. Đặt trong bối cảnh yêu cầu đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các DN nhà nước hiện nay, có thể dự đoán tỷ lệ lao động khối DN nhà nước sẽ giảm trong năm 2013.

Trong 2 cuộc điều tra của Vietnam Report vào tháng 1/2013 và tháng 1/2014 về quy mô lao động của DN, với đối tượng là CEO các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cho thấy, đa phần các DN cho biết sẽ bổ sung thêm nhân sự để tăng hiệu quả và năng suất hoạt động trong năm tới. Tỷ lệ số đại diện nhóm DN tư nhân lựa chọn phương án tăng quy mô lao động so với mức hiện tại là cao hơn cả.

{keywords}

Hình 1: Quy mô lao động của DN trong năm 2013. Nguồn: Survey các DN lớn VNR500, tháng 1/2014

{keywords}

Hình 2: Dự kiến Quy mô lao động của DN trong năm 2014. Nguồn: Survey các DN lớn VNR500, tháng 1/2014

Khu vực tư nhân luôn dẫn đầu về lượng và chất trong nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất

Nhìn lại chặng đường 4 năm qua của BXH Fast500- 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam có thể thấy sự trưởng thành của DN tư nhân qua từng năm cả về lượng và chất.

Số lượng DN tư nhân trong BXH Fast500 luôn chiếm tỷ lệ áp đảo (trên 60%), kể cả trong giai đoạn sóng gió của kinh tế toàn cầu và Việt Nam (từ năm 2009 đến 2012). Xét về tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trong 4 giai đoạn 2006-2009, 2007-2010, 2008-2011 và 2009-2012, nhóm DN tư nhân cũng dành luôn "vương miện" với CAGR trung bình lần lượt là 56,2%, 47,8%, 48,1% và 50,3%. CAGR trung bình tương ứng của khối DNNN là 42,2%, 43,1%, 37,5%, 38,9%, và FDI là 53,8%, 43,3%, 42,4%, 43,8%.

{keywords}

Hình 3: Sự thay đổi cơ cấu doanh nghiệp và CAGR trung bình theo loại hình DN trong 4 năm công bố BXH Fast500 (2010, 2011, 2012 và 2013) tương ứng với 4 giai đoạn 2006-2009, 2007-2010, 2008-2011, 2009-2012. Nguồn: Vietnam Report

Rõ ràng, mặc dù không ồn ã như "ông anh cả", cũng không được chào mời như thượng khách nhưng nhóm doanh nghiệp tư nhân đang lặng lẽ vượt bão khá tốt nhờ sự sáng tạo trong kinh doanh, không ngại đổi mới để thích ứng với môi trường và điều kiện kinh doanh mới và luôn sẵn sàng cạnh tranh giành thị phần với các thương hiệu lớn trong và ngoài nước. Những cái tên như Cà phê Intimex Nha Trang, Phan Minh, Vinacommodities, Kho vận Petec, Thanh Thành Đạt... đã trở nên quen thuộc với mỗi mùa công bố BXH Fast500, đồng thời cũng ghi dấu ấn tốt đẹp của mình trong cộng đồng kinh doanh và đầu tư. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, những doanh nghiệp tư nhân này một lần nữa khẳng định "DN tư nhân là động lực tăng trưởng đầy tiềm năng, cần được kích hoạt nhanh hơn để góp phần ngày càng lớn hơn vào gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước" (nhận định của GS., TSKH. Nguyễn Mại trong bài viết "Hỗ trợ và tạo thuận lợi cho DNTN phát triển, đăng ngày 10/01/2014).

Có lẽ đã đến lúc quan điểm về ưu đãi cần được thay đổi. Khi Việt Nam gia nhập TPP, sẵn sàng cuộc chơi cạnh tranh công bằng ngay cả trên sân nhà, thì mục tiêu tăng trưởng nên dựa vào nguồn nội lực bên trong, trong đó cần dành thêm đất cho DN tư nhân và nhanh chóng cải thiện hiệu quả hoạt động của DN nhà nước. Thay vì "gà nhà đá nhau", sự hợp tác cùng phát triển của các doanh nghiệp nội dựa trên quan điểm khách quan, công bằng và minh bạch sẽ là động lực to lớn giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định trở lại, đưa thương hiệu Việt vươn tầm toàn cầu trong tương lai không xa.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, sẽ được tổ chức sáng ngày 04/4/2014 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Đây là lần thứ tư liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh những doanh nghiệp năng động và tăng trưởng nhanh nhất - Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Sau đó một ngày (05/4) cũng trong khuôn khổ sự kiện công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, tại KS. Fortuna, Ban tổ chức FAST500 sẽ tổ chức Hội nghị: Truyền thông hiện đại: Bài học từ truyền thông các sản phẩm giải trí bom tấn. do Giáo sư Anita Elberse đến từ Trường kinh doanh Harvard làm diễn giả. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: www.fast500.vn

Linh Nga - Vietnam Report