Cứ 10 người thì phải có đến 8, 9 người than thở chán việc, chán vì đủ thứ lý do. Chán việc dường như đã trở thành một hội chứng trong thời gian gần đây.
“Sau này không bao giờ cho con làm nghề của mình”
Đây là câu cửa miệng của hầu hết nhân viên công sở, ở bất cứ ngành nghề nào, kể cả những nghề vốn được cho là “hot” như giảng viên đại học, bác sĩ, dược sĩ.
Lý do được đưa ra nhiều vô kể. Đa phần cảm thấy áp lực công việc nặng nề và đồng lương trả không xứng đáng với công sức bỏ ra. Chị Hà, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ: “Mệt mỏi lắm em ạ. Chị muốn nhảy việc nhưng chẳng biết làm gì. Giờ có nghỉ thì đi chỗ khác cũng lại phải làm ngân hàng, cũng như nhau cả mà thôi”.
Áp lực công việc khiến nhiều người buồn rầu và chán nản - (Ảnh minh họa) |
Người công việc áp lực, nặng nề kêu than đã đành. Đằng này, có những người việc nhàn, ổn đinh, lương tốt nhưng cũng kêu ca về công việc của mình. Yến là tester cho một công ty trong lĩnh vực phần mềm lớn tại Đà Nẵng. Công việc của cô khá nhàn, chỉ chờ lập trình viên thiết kế xong phần mềm thì dùng thử và đưa ra nhận xét trên cơ sở người dùng để chỉnh sửa cho phần mềm hoàn thiện hơn.
Dù công việc khá nhàn, ổn định và không cần phải suy nghĩ nhiều nhưng Yến vẫn cảm thấy chán. Cô nàng thật lòng chia sẻ: “Công việc của mình tuy ổn định đấy nhưng không thăng tiến được, lại nhàm chán, không có gì mới mẻ. Nói thật là mình thèm cái cảm giác bận rộn vì công việc thay vì cứ đến công ty ngồi chơi chán rồi về.
Việc của mình phụ thuộc vào dự án, khi nào bên code lập trình xong mới tới mình làm. Có lúc phải làm như điên cho kịp tiến độ, có lúc lại rảnh rỗi quá. Nói tóm gọn một từ: chán!”
Có người lại chán nản vì việc quá nhàn, chẳng có gì để làm - (Ảnh minh họa) |
Ngoài lý do công việc, lương thưởng, môi trường làm việc cũng là lý do khiến nhân viên công sở chán ngán khi phải đi làm. Sếp làm việc trực tiếp là một yếu tố quan trọng tác động vào tinh thần làm việc của nhân viên. Có nhiều người chán vì sếp khó tính, hay soi mói, khiến họ cảm thấy khó thở, ngột ngạt khi làm việc. Nhưng nhiều người cũng bực mình vì sếp dễ tính và phổi bò, như chị Trang, nhân viên Marketing: “Sếp tớ chẳng có một tí tẹo định hướng nào cho nhân viên. Cái gì cũng tùy em, rồi làm đi chị sẽ duyệt, chỉ biết giao chỉ tiêu mà không hề hướng dẫn cho mình. Cái gì cũng phải tự túc từ đầu đến cuối, chán vô cùng”.
Đồng nghiệp cũng là một nguyên nhân cảm thấy bức bối khi đi làm của nhiều người. Có người kêu ca đồng nghiệp không thân thiết, vui vẻ, lúc nào cũng ai làm chuyện người nấy. Có người lại phàn nàn đồng nghiệp suốt ngày rủ đi chơi bời, hát hò, rồi công ty nhiều hoạt động thi thố, văn hóa văn nghệ quá phát mệt.
Có cả 1001 lý do để chán việc!
Cách để điều trị "bệnh" chán việc
Bất cứ thứ gì cũng có hai mặt, kể cả công việc của bạn. Khi cảm thấy chán việc, điều đầu tiên bạn nên làm là trấn an lại tinh thần, ngồi suy nghĩ thật kỹ và viết ra những gì bạn thích và không thích ở công việc hiện tại, ở đủ các khía cạnh: môi trường làm việc, sếp, đồng nghiệp, tiền lương,…
Sau đó hãy cân nhắc thật kỹ xem bạn có nên chuyển đổi công việc khác hay không. Nếu số điều bạn không thích dài đến cả trang giấy, số điều bạn thích chỉ vẻn vẹn vài dòng, đã đến lúc để tạm biệt công việc của bạn để đi tìm công việc mới.
Còn nếu vẫn còn nhiều điều ở công việc hiện tại bạn cảm thấy tiếc nuối khi rời bỏ, hãy thực hiện một số việc sau để xốc lại tinh thần:
Thứ nhất, cố tìm nguyên nhân bạn cảm thấy chán việc. Hãy cố nhớ lại cảm giác chán việc này đến từ lúc nào, có những chuyện không vui gì xảy ra khi ấy và xác định lý do bạn không còn hào hứng với công việc của mình, rồi tìm phương hướng giải quyết.
Thứ hai, bỏ thái độ đứng núi này trông núi nọ. Nhiều người hay nhìn vào công việc của người khác, chỉ thấy điểm tốt, bỏ qua điểm xấu và ước ao có được công việc đó. Cố gắng nhìn một việc theo con mắt đa chiều và suy nghĩ đến những điểm tốt trong công việc của bạn.
Thứ ba, lập mục tiêu sự nghiệp. Có một mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn có định hướng và có lòng quyết tâm hơn
Thứ tư, dành thời gian thư giãn. Bạn không chỉ thư giãn ngoài thời gian lên văn phòng mà hãy thư giãn ngay cả ở công sở, dành những phút nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi nhất để lấy lại tinh thần, tập trung hoàn thành công việc.
Cuối cùng và quan trọng nhất, đó chính là học cách chấp nhận. Ai cũng có những ngày mệt mỏi, bế tắc ở cơ quan. Hãy chấp nhận sự thật là có lúc bạn không thể hoạt động hết 100% công suất, đừng để cảm giác tồi tệ, tác phong uể oải trong một vài phút giây ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc của bạn về công việc.
(Theo PLXH)