“Trong Luật giá, có nói tới 7 biện pháp để bình ổn nhưng chúng tôi đang tính tới việc áp dụng giá trần trong mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá nói.

Trao đổi với báo chí trưa 4/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định: “Việc quản lý giá sữa từ trước tới nay, Bộ Tài chính làm rất nghiêm túc và quyết liệt, căn cứ vào pháp lệnh giá từ 2003 tới nay”.

Theo ông Tuấn, trước thông tin báo chí và dư luận về giá sữa, cùng đó có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp Bộ Công thương họp bàn và thống nhất thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa.

{keywords}
Netsle tăng giá mà Cục Quản giá không biết.

Cụ thể, Bộ Tài chính “không đứng chờ” mà “chủ động” cùng Bộ Công Thương thực hiện 5 đoàn đi thanh tra đi 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn làm rõ việc tuân thủ văn bản pháp luật về giá. Nếu xác định có vi phạm, Bộ sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật. Việc thanh tra này sẽ được triển khai ngay trong tuần này.

“Hiện, chúng tôi đang nắm bắt tình hình, các thông tin liên quan về việc các doanh nghiệp tăng giá sữa. Sau đó, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để công bố các biện pháp bình ổn giá. Trong Luật giá thì có nói tới 7 biện pháp nhưng chúng tôi đang tính tới việc áp dụng giá trần trong mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”, ông Tuấn chia sẻ.

Như vậy, 5 doanh nghiệp sữa tới đây sẽ bị các bộ “quay” về chuyện tăng giá. Đó là Mead Johnson, Nestle, Vinamilk, Friesland Campina và Công ty cổ phần dinh dưỡng 3A, phân phối sữa Abbott

Cho đến nay, kể từ sau khi có chỉ đạo nhắc nhở của Thủ tướng hôm 28/2, các bộ ngành đã ngay lập tức ra các tuyên bố về quản chặt giá sữa. Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức điều tra về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, liên kết, làm giá của doanh nghiệp sữa. Bộ Tài chính khởi động việc thanh tra, trong đó, nhấn mạnh đến dấu hiệu chuyển giá. Riêng Cục Quản lý giá đề xuất thêm biện pháp có thể áp dụng là giá trần.

Trên thực tế, tính chuyện áp giá trần cho sữa từng được Bộ Tài chính dự tính từ năm 2008 nhưng bị thất bại.

Cũng theo ông Tuấn, việc quản lý giá sữa vẫn phải bám theo văn bản cao nhất là Luật giá, các nghị định 177 năm 2004, nghị định 109 xử phạt về giá năm 2013 và Nghị định về thẩm định giá. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải thực hiện đúng tôn chỉ mục địch của Luật, Nhà nước vẫn tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và chỉ điều tiết khi cần thiết, nếu như các DN vi phạm luật sẽ bị xử lý nghiêm.

Phạm Huyền